Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Chile vẫn còn nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh.
Trong buổi tiếp đón và làm việc giữa Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công và Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto Van Klaveren, hai bên cùng nhất trí rằng cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước đang rất rộng mở.
Chủ tịch VCCI khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Chile; đồng thời bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện, đặc biệt là quan hệ kinh tế thương mại song phương đã vượt mức 2 tỷ USD.
Chile tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Chile tại ASEAN.
Theo Chủ tịch VCCI, trong những năm qua, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại đầu tư đã trở thành một trong những trụ cột chính của mối quan hệ hai nước. Hiện nay trên thị trường Việt Nam đã có nhiều sản phẩm của Chile.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Chile Alberto Van Klaveren cho biết nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng; khẳng định Chính phủ Chile qua các thời kỳ luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chính phủ Chile coi ngoại thương là một trụ cột quan trọng, do đó, Chile đã tiến hành ký kết các Hiệp định thương mại với các đối tác trên toàn cầu. Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, việc tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã góp phần khuyến khích các doanh nghiệp Chile tìm hiểu cơ hội hợp tác tại các thị trường tiềm năng mới, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Chile khẳng định, thị trường Chile luôn mở rộng cửa chào đón các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh. Bên cạnh đó, hiện nay Chile đang đẩy mạnh xuất khẩu tài nguyên lithium, loại khoáng sản quan trọng được dùng cho sản xuất xe điện. Đây sẽ là cơ hội hợp tác tiềm năng cho các nhà đầu tư Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp cũng mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam - Chile. Ông Klaveren cho biết, bên cạnh rượu vang, hoa quả, các doanh nghiệp Chile cũng mong muốn trong thời gian tới có thể xuất khẩu các sản phẩm thịt vào thị trường Việt Nam.
Lắng nghe đề xuất từ phía Bộ trưởng Ngoại giao Chile, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá, Việt Nam – Chile còn nhiều tiềm năng hợp tác trong mở cửa thị trường, kết nối doanh nghiệp, xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hợp tác du lịch…
Việt Nam và Chile đều là thành viên của khối APEC và CPTPP, đồng thời cơ cấu hai nền kinh tế có tính chất bổ trợ cho nhau, Chủ tịch Phạm Tấn Công nhấn mạnh, VCCI luôn coi Chile là đối tác quan trọng và có nhiều triển vọng hợp tác trong tương lai.
Với tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cùng như tiềm năng thị trường còn rất lớn, Chủ tịch Phạm Tấn Công cho biết, nhu cầu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Chile tăng xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam.
Chủ tịch Phạm Tấn Công khẳng định, VCCI sẽ tích cực phối hợp cùng Đại sứ quán Chile tại Việt Nam hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Chile đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam; cũng như mong muốn ngài Bộ trưởng sẽ tăng cường tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Chile.
Kể từ sau khi nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác toàn diện, tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Chile có nhiều khởi sắc, chủ yếu ghi nhận đà tăng qua các năm. Năm 2022 là năm có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong giai đoạn 2019 – 2023, với trị giá 1,7 tỷ USD, tăng rất mạnh 44,23% so với năm 2023.
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Chile ngày càng được thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực và còn rất nhiều dư địa để hai bên đẩy mạnh phát triển. Về thương mại, hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Chile tại khu vực Châu Á; trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Chile và cũng là nhà xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Chile.
Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Chile là điện thoại di động, máy vi tính, linh kiện, giày dép… ; sản phẩm nhập khẩu chủ lực từ thị trường Chile là thủy hải sản, hoa quả, rau củ ...
Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 4/2024, Chile có 4 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 295 nghìn USD. Việc tham gia vào CPTPP giúp mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ Chile vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Việc thực thi Hiệp định CPTPP đã mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước thúc đẩy trao đổi thương mại, xuất khẩu hàng hóa. Những ưu đãi của CPTPP cũng tạo ra nguồn cung nguyên vật liệu chất lượng phục vụ các ngành sản xuất trong nước.