Tháng 6 năm 2005, Cố Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương mạnh mẽ với Mỹ và nhấn mạnh môi trường kinh doanh đang phát triển giữa hai quốc gia. Trong chuyến đi kéo dài một tuần của mình, cố Thủ tướng đã đến Seattle, Washington, New York và Boston.
Ngày 21/6/2015, Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã gặp Tổng thống Bush tại Nhà Trắng để thảo luận về tương lai quan hệ Mỹ - Việt Nam và các chiến lược tăng cường hợp tác.
Có thể bạn quan tâm
|
Quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng đáng kể kể từ năm 2001, khi hai nước tham gia Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) thúc đẩy hợp tác kinh tế và tăng cường thương mại. Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt Nam (USVTC) và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đã làm việc kể từ năm 1989 để phát triển các cơ hội thương mại và đầu tư mới dựa vào nền tảng mối quan hệ kinh tế hiện tại.
Theo Chủ tịch USABC khi đó, Matthew Daley, "Nhiều công ty Mỹ đã nhận thấy rằng, Việt Nam không chỉ cung cấp những cơ hội kinh doanh và đầu tư tuyệt vời mà còn chào đón các hoạt động kinh tế và doanh nghiệp đến với đất nước, biến quốc gia này thành một nơi tuyệt vời để kinh doanh”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác kinh tế và đàm phán song phương giữa hai nước, Chủ tịch Daley trông đợi việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như bước đi quan trọng tiếp theo trong việc bình thường hóa quan hệ 2 nước.
Theo Virginia B. Foote, Chủ tịch và đồng sáng lập USVTC, "Chuyến thăm của Cố Thủ tướng Phan Văn Khải tới Mỹ khi ấy là một chuyến thăm lịch sử. Các doanh nghiệp Mỹ đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, và thương mại giữa hai nước đang ở mức kỉ lục. Cố Thủ tướng đã có những bước đi táo bạo để khởi xướng những cải cách quan trọng và ông mang đến Mỹ một thông điệp rằng người Việt Nam chào đón người Mỹ đến xem vẻ đẹp của đất nước họ”.
Sau cuộc gặp với Cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2005, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ khi đó Robert Zoellick đã đồng ý rằng Việt Nam có thể sẽ là một trong những điểm sáng trong năm 2005.
"Đây rõ ràng là một năm quan trọng trong quan hệ Mỹ-Việt vì là dịp kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước", ông Zoellick cho biết. Ông cũng nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với việc Việt Nam gia nhập WTO, nhấn mạnh rằng "Mỹ cam kết làm việc với Việt Nam để cố gắng tiến về phía trước nhanh nhất có thể, và chuyến thăm của Thủ tướng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình”.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ khi đó là ông Nguyễn Tâm Chiến cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nói rằng chuyến thăm là "một cơ hội lịch sử để thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển sâu sắc thế nào trong 10 năm qua, và mở đường cho một tình bạn gần gũi hơn giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp của hai nước”.
Để nhấn mạnh mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ với Việt Nam, một phái đoàn gồm hơn 30 quan chức chính phủ cấp cao và 80 lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đã đi cùng Cố Thủ tướng. "Sự có mặt của phái đoàn này cho thấy Việt Nam thực sự mở cửa cho kinh doanh", các chuyên gia khi ấy nhận định.
Chuyến thăm Mỹ của Cố Thủ tướng khi ấy đã thu hút nhiều sự chú ý không chỉ của nhân dân hai nước, mà còn cả giới truyền thông. "Không thể tin được. Không thể tưởng được", tạp chí Forbes bắt đầu bài bình luận về cuộc gặp gỡ giữa Cố Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch tập đoàn Microsoft, và kết luận "đây là sự thực, là một phần của lịch sử thế kỷ 21".
Tờ Los Angeles Times đăng ý kiến của ông Jordan Ryan - đại diện UNDP khi đó tại Việt Nam, đề nghị chính phủ Mỹ ủng hộ tiến trình gia nhập WTO của VN. "Quan hệ Mỹ - Việt là rất mạnh mẽ. Hiệp định thương mại song phương ký cách đây 5 năm là một con tàu tốc hành về kinh tế mà Việt Nam đã không bỏ lỡ", ông Ryan viết.
Có thể thấy, cộng đồng quốc tế đã coi trọng chuyến đi của Cố Thủ tướng, chuyến đi đã thay đổi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam, để đem lại kết quả phát triển rực rỡ như ngày hôm nay. Cố Thủ tướng đã ra đi, nhưng ấn tượng về những việc làm, câu nói của Cố Thủ tướng về chuyến thăm Mỹ năm ấy vẫn còn trên những trang giấy của báo chí quốc tế, một chuyến đi mang lại tương lai.