NHỊP SỐNG MỚI: Nỗi sợ hãi là bậc thang dẫn đến bến hồi sinh

QUANG NHẬT 29/10/2021 05:38

Tiếng cười nói, tiếng còi xe, cùng tiếng chim ríu ran, tiếng vĩ cầm du dương của một thành phố đang từng bước hồi sinh.

Ngày còn bé, trong tâm tưởng của tôi luôn nghĩ nếu là tướng thì sẽ “râu hùm, hàm én, mày ngài”, tiếng nói vang như chuông, như sấm, oai phong lẫm liệt, bước chân như beo, như báo, ngồi như hổ phục, rồng chầu, chiến bào phất phới bay trên yên ngựa, dũng cảm phi thường, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng… Có lúc tôi ước ao được là viên mãnh tướng ấy. Tôi kẹp vào đùi cái bẹ dừa làm ngựa, tay vung kiếm nhựa, miệng hô hét: Ây da! ây da!…

Vậy mà khi lớn lên, những vị tướng mà tôi ngưỡng mộ lại là Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn, người múc nước thơm tắm cho anh em để xóa bỏ hận thù, đồng lòng đánh thắng quân Nguyên - Mông; là đại tướng Võ Nguyên Giáp - ngọn núi lửa phủ tuyết với nụ cười nhân hậu hiền từ. Đó là những nhân tướng, nho tướng... nhìn hiền lành nho nhã, ngồi trong trướng mà định việc hơn thua ở ngoài ngàn dặm.

Những vị tướng mà lòng nhân từ phủ rộng khắp bao la, họ cũng là con người, họ có những nỗi sợ nhưng đó là nỗi sợ hãi vĩ đại. Họ sợ cho sự an nguy của dân tộc, cho tính mạng bao nhiêu binh sĩ, lương dân. Họ sợ sẽ mang tội với nhân dân, đất nước, với lịch sử và bao nhiêu thế hệ cha ông đổ máu xương cho đất nước vẹn hình hài. Họ sợ những biển nước mắt mặn chát đắng cay cuộn chảy trong tim những người vợ mất chồng, người mẹ mất con tạo cơn sóng lòng vỗ vào tâm can họ hàng đêm... Vì thế, mỗi quyết định của họ luôn là một sự tính toán chỉn chu, cùng sự ưu tiên là tính mạng con người. Nỗi sợ hãi ấy lại tạo thành sự dũng cảm can trường vô song truyền lại cho thế hệ con cháu người Việt đi sau.

Để hôm nay…

Tôi tự hỏi Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ra sao, nếu như không có gần ba mươi ngàn y, bác sĩ, các chiến sĩ quân đội đến hỗ trợ chống dịch. Bệnh viện dã chiến sẽ ra sao nếu thiếu bác sĩ, y tá vận hành thiết bị y tế cứu người. Sẽ thêm bao nhiêu bình tro cốt, thêm bao nhiêu nước mắt rơi day dứt cả cuộc đời nếu không có họ. 

TP HCM đã hồi sinh sau hơn một trăm sáu mươi ngày đương đầu với dịch bệnh.

Thành phố Hồ Chí Minh đã hồi sinh sau hơn một trăm sáu mươi ngày đương đầu với dịch bệnh.

Mặt trận không có tiếng súng, không có khói lửa mà sao đầy chết chóc, hiểm nguy. Những chiến sĩ anh hùng xung phong đi vào tâm dịch, họ có sợ hãi không? Họ có chứ! Ngay cả việc rời xa mái ấm gia đình, xa những người yêu thương cũng đã là một sự hy sinh. Đi vào tâm dịch nguy cơ lây nhiễm cận kề, làm việc lúc nào cũng gần như kiệt sức, điều kiện ăn ở, nghỉ ngơi, giải trí đều khác xa nơi quê hương thân thuộc… Họ là những chiến sĩ thời bình “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Trong ký sự “Khúc vĩ thanh ngày mới”, bác sĩ Phạm Thái từ biệt cha già lên đường làm nhiệm vụ. Người cha làm cùng nghề thấu hiểu trách nhiệm “lương y như từ mẫu”, giấu đi bệnh tật của bản thân giúp con yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nỗi sợ của họ là làm sao trong ca trực không cứu được thật nhiều người. Họ chỉ đau đáu tâm niệm làm sao để đem người bệnh về lại bên vòng tay người thân với cái ôm và nụ cười chứ không phải là một cái bình tro cốt lạnh ngắt, đắng cay.

Thành phố xác định giảm tối đa người di chuyển liên vùng, kiểm soát chặt chẽ và chia sẻ áp lực chi phí xét nghiệm (test nhanh kháng nguyên, RT-PCR) khi có nhu cầu di chuyển liên vùng. Ảnh: Quốc Tuấn

Các y, bác sĩ nỗ lực truy vết, điều trị những bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Quốc Tuấn

Cô em tôi vừa đi hỗ trợ về từ vùng dịch, điện thoại với tôi nói năng chững chạc: “Anh đừng chúc mừng em. Em thấy buồn vì sức mình nhỏ quá, dịch bệnh cướp đi nhiều người lắm. Học phí cho bài học dịch bệnh lần này đắt quá anh ơi. Em phải bất lực cầm tay những người bệnh tay cứ lạnh dần đi. Chống dịch cần những chuyên gia, người có chuyên môn. Thật may những ý kiến đóng góp của đội ngũ ấy đã được lắng nghe và điều chỉnh cho phù hợp. Không thì mất mát sẽ còn cao hơn nhiều anh ạ”.

Không còn là con bé lí lắc, hay vòi vĩnh mè nheo. Em tôi lớn thật rồi, ý thức trách nhiệm với công việc rộng hơn là với cuộc sống, con người đã thật sự trưởng thành.

Sau đợt giãn cách thứ ba (ngày 6/9), Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Ảnh: Quốc Tuấn

ff

Cuộc chiến chống dịch COVID là cuộc chiến toàn dân, toàn quân. Ảnh: Quốc Tuấn

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 là cuộc chiến toàn dân, toàn quân mà tiên phong đi đầu lại là các chiến sĩ áo trắng, các y, bác sĩ, cán bộ y tế gác lại việc riêng tư, tiến vào tâm dịch. Mồ hôi rơi mà như thấm vào trong vì lúc nào cũng mặc bộ bảo hộ kín mít quây chặt lấy người. Có người đã ngã xuống nơi tuyến đầu, để lại sự kính phục, tiếc thương trong lòng người ở lại. 

Bộ đội

Bộ đội đi chợ giúp dân.

Người dân thấy các chiến sĩ xuất hiện trên phố màu xanh áo lính, hình ảnh anh bộ độ cụ Hồ vì dân ngày nào lại tái hiện. Để thấy an lòng hơn cho dù các anh có ngượng nghịu với việc đi chợ, chia đồ nhưng sức khỏe của sự rèn luyện, kỷ luật nghiêm minh của các anh giúp cho sự hồi sinh trở lại nhanh hơn.

Một trăm sáu mươi ngày khốc liệt, tang thương phủ ngập đô thành, họ hoàn thành nhiệm vụ nhưng không hề hô hào khẩu hiệu chiến thắng hay “cờ mở trống giong”. Với họ, đơn giản chỉ là hoàn thành nhiệm vụ.

“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp!

Một mái nhà yêu rủ bóng xuống tâm hồn”.

Xin một lời tri ân các anh, các chị, mỗi người là một nốt nhạc ghép lên bản hùng ca bi tráng của thành phố thân yêu. Với khúc vĩ thanh là âm thanh ngày mới. Tiếng cười nói, tiếng còi xe, cùng tiếng chim ríu ran, tiếng vĩ cầm du dương của một thành phố đang từng bước hồi sinh.

Nỗi sợ hãi lại là một phần tạo nên dũng khí, là sức mạnh xếp thành bậc thang đi dần đến bến hồi sinh.

Có thể bạn quan tâm

  • NHỊP SỐNG MỚI: Tình yêu thương giúp thay đổi con người

    NHỊP SỐNG MỚI: Tình yêu thương giúp thay đổi con người

    05:10, 28/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
NHỊP SỐNG MỚI: Nỗi sợ hãi là bậc thang dẫn đến bến hồi sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO