NHNN: Truyền thông giáo dục tài chính tiếp tục hướng đến nhóm đối tượng mục tiêu

LÊ MỸ 27/01/2022 15:45

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính cần tiếp tục hướng đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Phát biểu tại Họp báo giới thiệu chương trình “Tiền khéo Tiền khôn” năm 2022, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, ngày 22 tháng 1 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện nhiệm vụ điều phối chung Chiến lược này. Ban lãnh đạo NHNN xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng cho NHNN và cho toàn ngành ngân hàng trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại buổi họp báo

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại buổi họp báo

Theo Phó Thống đốc, ngày nay, tầm quan trọng của tài chính toàn diện đã được khẳng định trên phạm vi toàn cầu. Tính đến nay, trên thế giới đã có hơn 60 quốc gia xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Tại Việt Nam, mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là giúp mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam đều sẽ “được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”.

Nội dung Chiến lược được xây dựng dựa trên các trụ cột chính, bao gồm: (i) Phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính do các tổ chức được cấp phép cung ứng; (ii) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí; (iii) Xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo; (iv) Hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính phù hợp, tạo thuận lợi và an toàn cho các giao dịch; (v) Phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững; (vi) Nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Do đó, để thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, cần thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các trụ cột này. Trong đó, truyền thông giáo dục tài chính đóng một vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, nhiệm vụ truyền thông giáo dục tài chính còn được đề cập tới tại các Đề án của Chính phủ như: Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội…

Phó Thống đốc nhận định, truyền thông ngành Ngân hàng trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức truyền thông hiện đại, nhất là mạng xã hội… Các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của NHNN cần tiếp tục thực hiện theo các hình thức mới, sáng tạo, đột phá, hướng đến nhóm công chúng mục tiêu là người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhằm hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông -NHNN chia sẻ về

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông -NHNN chia sẻ về "Tiền khéo, tiền khôn" và định hướng truyền thông giáo dục tài chính của NHNN thời gian tới

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cũng cho biết, đối với nhiều quốc gia, việc giáo dục, phổ biến kiến thức tài chính - ngân hàng đã đang trở thành một trong những chính sách ưu tiên dài hạn. Hàng loạt các chương trình như “MoneySense”, “MoneySmart”... được triển khai tại các nước Mỹ, Canada, Singapore, Úc….Tại Việt Nam, hiện đã có một số chương trình truyền thông giáo dục tài chính cho các đối tượng là người vay tiền, người tiêu dùng, học sinh, sinh viên, được triển khai bởi các tổ chức tài chính, cơ sở đào tạo, các tổ chức xã hội, NGOs. Tuy nhiên, những chương trình này quy mô còn nhỏ, nội dung chương trình chưa mang tính tổng thể, toàn diện.

Đặc biệt, do tác động của dịch COVID- 19 lên mọi mặt đời sống xã hội và cũng chính sự phát triển nhanh chóng của khu vực tài chính với nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng đã đặt ra yêu cầu trang bị, phổ biến kiến thức và kỹ năng tài chính ngân hàng cho mọi tầng lớp người dân. Việc này sẽ góp phần cải thiện nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, để tạo nên một xã hội có thói quen/ tư duy/hành động phù hợp liên quan tới ngân hàng trong mọi vấn đề của cuộc sống. Việc trang bị, phổ biến kiến thức tài chính-ngân hàng cũng giúp tăng tiết kiệm trong dân cư, khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng, giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, từ đó, giảm thiểu chi phí cho xã hội, góp phần tạo nguồn kênh dẫn vốn chính thức cho nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

"Chính vì vậy, nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo an toàn hoạt động và nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm từ các chương trình giáo dục tài chính quốc tế, nghiên cứu các điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, thực hiện chủ trương của BLĐ Ngân hàng nhà nước và Đài Truyền hình VN, Vụ Truyền thông và VTV3 – Ban Sản xuất các chương trình giải trí Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp thực hiện chương trình “Tiền khéo, tiền khôn” với thông điệp “Kiến thức – kỹ năng tài chính thông minh”. Đây là một chương trình được thực hiện theo format trò chơi truyền hình (gameshow) có hình thức gần gũi, hấp dẫn, hứa hẹn có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng", Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN nói về chương trình game show đặc biệt. 

Tại họp báo, bà Anna Szalwicki, đại diện cho Quỹ hợp tác Quốc tế German Sparkassenstiftung DSIK, Phó Điều phối viên khu vực Đông Nam Á nhận định, Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây, vì vậy, việc tập trung giáo dục về tài chính toàn diện cho toàn dân là rất cần thiết. Đặc biệt, bà Anna Szalwicki đánh giá rất cao các chương trình Giáo dục tài chính như “Tiền khéo, Tiền khôn, “Tay hòm chìa khóa” do NHNN và VTV phối hợp thực hiện. "Các chương trình này đã sử dụng các hình thức truyền thông đa dạng, sáng tạo, giúp các kiến thức, thông tin khô khan về tài chính ngân hàng trở nên đơn giản và được người dân nắm bắt một cách dễ dàng. Đây là một giải pháp mới, tiên phong trong việc sử dụng hình thức trò chơi truyền hình để phổ biến kiến thức tài chính - ngân hàng cho người dân tại Việt Nam" - bà nói.

"Tiền khéo tiền khôn" mùa mới có tổng giá trị giải thưởng bằng tiền mặt là 1,2 tỷ đồng và một số phần quà có giá trị khác

Mới đây, NHNN cũng đã thực hiện việc khảo sát công chúng về truyền thông giáo dục tài chính để có cơ sở đưa ra những chiến lược truyền thông phù hợp.

Về định hướng truyền thông, trong đó có giáo dục tài chính, bà Lê Thị Thúy Sen chia sẻ, NHNN tiếp tục thực hiện truyền thông theo cách mới, sáng tạo, đột phá, tạo sự thay đổi về cách thức truyền thông chính sách của Ngân hàng Trung ương, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính. NHNN sẽ tiếp tục triển khai các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục tài chính cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Theo bà Sen, nhóm công chúng mục tiêu là người dân ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ nghèo, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội để truyền thông về các sản phẩm dịch vụ, ngân hàng, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…Nội dung các chương trình sẽ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, và các vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm…

Đồng thời, Vụ trưởng Vụ Truyền thông cũng cho biết thêm, hoạt động truyền thông ngành Ngân hàng thời gian tới sẽ đa dạng hóa hơn nữa các hình thức truyền thông, kênh truyền thông, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xu hướng truyền thông hiện đại và đẩy mạnh truyền thông nội bộ. NHNN tiếp tục đẩy mạnh truyền thông các chương trình đã tạo ấn tượng tốt với công chúng để truyền tải chính sách, trong đó có chương trình “Tiền khéo Tiền khôn” trên giờ vàng VTV3 hoặc tiếp tục thực hiện chượng trình “Tay hòm chìa khóa” trên VTV1…

"Tiền khéo tiền khôn 2022" sẽ phát sóng vào 20h30-21h15 Thứ Hai hàng tuần trên kênh VTV3. Số đầu tiên năm 2022 dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 7/2/2022 (mùng 7 Tết). Chương trình có sự tham gia của những nghệ sỹ, diễn viên, ca sỹ nổi tiếng…cùng nhiều giải thưởng có giá trị lớn.

Có thể bạn quan tâm

  • NHNN: Gói hỗ trợ bù lãi suất 2% dự kiến chia 2 năm, dư nợ 500.000 tỷ đồng/ năm

    NHNN: Gói hỗ trợ bù lãi suất 2% dự kiến chia 2 năm, dư nợ 500.000 tỷ đồng/ năm

    17:59, 15/01/2022

  • Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Nắn dòng tín dụng chảy vào doanh nghiệp

    Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Nắn dòng tín dụng chảy vào doanh nghiệp

    16:30, 28/12/2021

  • NHNN xem xét nới room tín dụng dài hạn cho các TCTD

    NHNN xem xét nới room tín dụng dài hạn cho các TCTD

    05:30, 27/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
NHNN: Truyền thông giáo dục tài chính tiếp tục hướng đến nhóm đối tượng mục tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO