Sàn HoSE vừa công bố danh mục cổ phiếu thành phần chỉ số VN30 kỳ tháng 7/2019, có hiệu lực từ ngày 5/8/2019. Theo đó, BID của ngân hàng BIDV được lựa chọn vào rổ VN30 trong đợt cơ cấu này.
Sau đợt cơ cấu này, BID và BVH sẽ chiếm tỷ trọng 0,9% trong rổ VN30. Với việc thêm BID, nhóm ngân hàng sẽ có 9 đại diện trong rổ VN30, bao gồm BID, CTG, EIB, HDB, MBB, STB, TCB, VCB, VPB với tổng tỷ trọng 31,6%.
Trong thời gian qua, cổ phiếu BID đã có những phiên giao dịch ấn tượng, cổ phiếu đạt tính thanh khoản cao mặc dù thị trường chứng khoán rất èo uột. Theo dữ liệu trên sàn chứng khoán, trung bình mỗi phiên, cổ phiếu BID đạt hơn 1 triệu giao dịch mỗi phiên, trong đó ngày 5/7 có 1,4 triệu cổ phiếu BID được giao dịch với tổng giá trị giao dịch 39,7 tỷ đồng; ngày 11/7 có 2,4 triệu cổ phiếu BID được khớp lệnh với tổng giá trị giao dịch 81 tỷ đồng; ngày 12/7 có 1,4 triệu cổ phiếu BID được giao dịch với trị giá 41,7 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
15:12, 22/04/2019
10:53, 16/04/2019
07:38, 21/03/2019
15:35, 14/03/2019
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7, cổ phiếu BID đóng cửa ở mức 33.300 đồng/cổ phiếu. BID đứng thứ 2, sau VCB về thị giá trong nhóm cổ phiếu ngân hàng có vốn nhà nước và nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn. Điều này cộng với thanh khoản tích cực, đã giúp BID chính thức lọt rổ VN30 sau lần chia tay với rổ này năm ngoái.
Ông Nguyễn Hồng Vinh- Nhà đầu tư ACBS cho rằng, việc lọt rổ VN30 lần này cho thấy cổ phiếu BID đã được sự quan tâm của nhà đầu tư, đây vẫn là cổ phiếu thuộc nhóm ưa thích của giới đầu tư khi tính thanh khoản của cổ phiếu này được duy trì đều đặn qua các phiên giao dịch. Điều này hiếm thấy ở nhiều cổ phiếu ngân hàng trong các phiên giao dịch vừa qua.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 của BID cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 2,3% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 3,6% đạt 1,01 triệu tỷ đồng; Huy động tiền gửi khách hàng của BID tăng 2,6% đạt 1,015 triệu tỷ đồng.
Nợ xấu của BID ở mức 17.875 tỷ đồng, giảm 927 tỷ đồng, tương đương giảm 4,9% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm từ mức 1,9% cuối năm 2018 xuống còn 1,74%.
Trong quý đầu năm 2019, tổng thu nhập hoạt động của BID đạt 10.704 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm 6,4% chỉ đạt 8.545 tỷ đồng; đồng thời hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bị lỗ tới 389 tỷ đồng, chứng khoán kinh doanh cũng chỉ có lãi 39 tỷ đồng, giảm tới 93% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lãi từ hoạt động dịch vụ ngân hàng tăng 17,6% đạt 876 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi 322 tỷ, tăng 50%. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác của BIDV trong quý 1 tăng đột biến lên 1.264 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần mức đạt được cùng kỳ (chỉ 598 tỷ đồng). Kết quả là, lợi nhuận trước thuế của BID trong quý 1/2019 đạt 2.521 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, trong quý 1, ngân hàng này đã xóa nợ 4,9 nghìn tỷ đồng, chi phí dự phòng giảm 13,7%. Trong khi chi phí dự phòng quý 1 năm ngoái chiếm tới 2/3 chi phí dự phòng cả năm thì chi phí dự phòng quý 1 năm nay chỉ chiếm 1/4 kế hoạch 2019 (20.200 tỷ đồng). Do đó, chi phí dự phòng cho 3 quý cuối năm 2019 dự đoán sẽ tăng nhanh hơn và ảnh hưởng nhiều hơn đến tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.
Theo ông Phan Đức Tú- Chủ tịch HĐQT BIDV, năm 2019, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.300 tỷ đồng (tăng 8,7% so với năm 2018). Trong đó, kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt 9.800 tỷ đồng (tăng 9,9% so với năm 2018). Mục tiêu tín dụng cả năm tăng 12% (cũng là hạn mức được NHNN cấp đầu năm) bằng việc tập trung vào cho vay bán lẻ, doanh nghiệp SME và FDI.
BIDV đặt ra kế hoạch tăng vốn từ 34.187 tỷ đồng lên 43.728 tỷ đồng trong năm 2019 (tăng 27,9%). Trong đó, việc phát hành chiến lược đã được phê duyệt từ tháng 10/2018, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do mức giá còn cao so với kỳ vọng của đối tác là Keb Hana Bank(Hàn Quốc).