Nhọc nhằn nghề thu gom rác thải dân sinh

Sông Hàn 05/10/2018 11:02

Hiểm họa bệnh tật luôn kề bên, nếu không tự phòng vệ bảo hiểm cho bản thân, người lao động có thể bỗng dưng một ngày mất hết tất cả.

Ảnh minh họa.

Thiệt thòi đủ đường

“Những người làm công thu gom rác bị bệnh khớp chiếm tỉ lệ rất cao với 72,6%, bên cạnh đó là bệnh sốt xuất huyết, cảm cúm, da liễu… nhưng không được khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra định kỳ hàng năm. Đặc biệt, có 75% người làm công ăn lương thu gom rác tải tại TP HCM không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó lý do được đưa ra là do không có tiền, không có sổ tạm trú… Trong quá trình thu gom rác, họ thường xuyên bị chảy máu tay chân, bên cạnh đó là tai nạn giao thông và bị trúng gió độc…”

Đó là kết quả khảo sát cơ bản về an sinh xã hội, an toàn vệ sinh lao động của người thu gom rác dân lập ở TP HCM, được Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC), Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM công bố tại hội thảo cùng tên do Viện Khoa học vùng Nam Bộ tổ chức mới đây.

Theo báo cáo này, hầu hết những người thu gom rác làm việc gần như liên tục và tổng số giờ làm việc trong tuần cao hơn so với Luật Lao động, mỗi ngày trung bình hơn 9 giờ, đặc biệt nhóm người làm công ăn lương làm việc nhiều hơn khoảng 1,3 giờ/ngày so với chủ đường dây rác.

Với thời gian làm việc liên tục như vậy nhưng thu nhập trung bình của người thu gom rác dân lập chỉ gần 4.485.000 đồng/người/tháng, trong đó nhóm chủ thu gom rác có mức cao gấp 1,5 lần người làm công ăn lương.

So với mức lương tối thiểu thì 34,6% số người làm rác có thu nhập trung bình ở nhóm thấp nhất chưa đạt được mức lương tối thiểu vùng năm 2017. Tuy nhiên, nhiều người lựa chọn tiếp tục nghề thu gom rác dân lập vì có khoản bổ trợ từ việc nhặt và bán ve chai, phế liệu. Nhờ vào khoản thu nhập phụ thêm này, mỗi tháng thu nhập tăng lên khoảng gần 6,5 triệu đồng/người.

Hiểm họa rình rập

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, những người làm công thu gom rác bị bệnh khớp chiếm tỉ lệ rất cao với 72,6%, bên cạnh đó là bệnh sốt xuất huyết, cảm cúm, da liễu…nhưng không được khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra định kỳ hàng năm.

Đặc biệt, có 75% người làm công ăn lương thu gom rác không có thẻ BHYT, trong đó lý do được đưa ra là do không có tiền, không có sổ tạm trú… Trong quá trình thu gom rác, họ thường xuyên bị chảy máu tay chân, bên cạnh đó là tai nạn giao thông và bị trúng gió độc.

Nhiều trường hợp tai nạn để lại tỉ lệ tổn thương khá lớn nhưng không được trợ giúp, hỗ trợ. Hầu hết người thu gom rác không có bảo hiểm tai nạn, không biết về làm các thủ tục mua bảo hiểm tai nạn và không được truyền thông về vấn đề này.

Thật vậy, khác với công nhân thu gom rác của Công ty dịch vụ môi trường, những người thu gom rác tự do phải tự bỏ tiền ra mua xe vận chuyển rác, thuê người hoặc trực tiếp đi nhặt rác. Chấp nhận đủ loại rác thải, nước bẩn bắn tung tóe, thấm vào người mà không có cách nào ngăn được.

Đây không phải là trở ngại lớn nhất, mà mối hiểm nguy luôn rình rập trong các túi rác. Chuyện rách tay chân do kim tiêm, mảnh chai, dao lam lẫn trong rác như cơm bữa. Nhiều người coi đây như thử thách với nghề, nếu như sợ bẩn, sợ nguy hiểm thì không trụ được lâu.

“Làm nghề này ai cũng sợ bẩn, sợ khó. Chỉ khi không xin được công việc nào phù hợp mới vào đây làm thôi. Dù vậy, nếu làm chăm chỉ và trách nhiệm thì nghề này không bỏ đói một ai”. - một người thu gom rác tự do nói.

Rõ ràng, hiểm họa bệnh tật luôn kề bên, nếu không tự phòng vệ bảo hiểm cho bản thân, người lao động có thể bỗng dưng một ngày mất hết tất cả.

Vậy phải làm sao để khắc phục khó khăn này? Theo bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ: “Phải tìm biện pháp để khi kết thúc dự án, có thể không đạt được 100% nhưng một tỉ lệ khá lớn sẽ có BHYT, Bảo hiểm tai nạn. Tổ chức các hoạt động nhắm đến vấn đề chủ yếu là tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức và xây dựng các nhóm hỗ trợ với nhau, từ những người thu gom rác hình thức những người chủ chốt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhọc nhằn nghề thu gom rác thải dân sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO