Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018 (Kỳ 6): Cà phê Việt Nam "mờ nhạt" trên thị trường quốc tế  

Nguyễn Việt 13/03/2018 05:33

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, xuất khẩu cà phê khá nổi bật với tổng trị giá XK đạt 340 triệu USD, tăng 7,7% so với tháng 1/2017.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mặc dù đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu (XK), song suốt nhiều năm qua, cà phê Việt lại hầu như không tạo được “tiếng tăm” trên thị trường quốc tế. Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, XK cà phê tháng 2 ước đạt 146 nghìn tấn, giá trị đạt 280 triệu USD, đưa khối lượng XK cà phê 2 tháng đầu năm ước đạt 347 nghìn tấn và 672 triệu USD, tăng 21,5% về khối lượng và tăng 3,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018 (Kỳ 5): Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng

    Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018 (Kỳ 5): Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng

    06:35, 12/03/2018

  • Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018 (Kỳ 4): Ngành gỗ và mối lo bị doanh nghiệp Trung Quốc “lũng đoạn”

    07:10, 10/03/2018

  • Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018 (Kỳ 3): Da giày - Nghịch lý kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng thấp

    11:10, 09/03/2018

  • Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018 (Kỳ 2): Dệt may và những kỳ vọng

    14:00, 08/03/2018

  • Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018 (Kỳ 1): Máy tính điện tử và linh kiện điện tử

    09:30, 07/03/2018

Tuy nhiên, tính về giá, bình quân giá XK cà phê trong tháng đầu năm chỉ đạt 1.952 USD/tấn, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2017. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 với thị phần lần lượt là 13,4% và 12,2%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), dù đứng vị trí thứ hai thế giới, song từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm diện tích trồng cà phê, đồng thời giảm XK cà phê nhân, tăng sản lượng cà phê chế biến.

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, Việt Nam chủ yếu sản xuất, XK cà phê nhân, không đem lại giá trị gia tăng cao. Thế giới biết Việt Nam XK cà phê, song thực tế không biết cà phê Việt Nam như thế nào. Một số nhãn hàng như Trung Nguyên, Nguyên Trang… đã tự đem cà phê XK tới các thị trường quốc tế, song hầu hết thị trường cũng không mang tầm cạnh tranh đẳng cấp toàn cầu, thậm chí cà phê Việt Nam còn chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Cà phê Việt Nam chủ yếu tham gia chuỗi ở phần thấp nhất, điểm khởi nguồn không có nhiều giá trị. Nếu có hợp tác đầu tư thì các DN nước ngoài cũng đem máy móc vào sản xuất, XK sản phẩm. Tuy nhiên, đó không phải là sản phẩm mang thương hiệu cà phê thuần túy của Việt Nam. Tất cả những điều này, ngành cà phê phải để ý, đổi thay nhanh chóng”, ông Lang nói.

Theo ông Lang, trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ quan tâm hơn đến đẩy mạnh XK hàng có thương hiệu, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm XK cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thương hiệu cho ngành cà phê hay bất kỳ ngành nào khác là mục tiêu chủ yếu của Việt Nam trong XK nông sản.

Cục Xúc tiến thương mại đang chủ trì xây dựng thương hiệu cho các ngành hàng, đặc biệt là ngành hàng thực phẩm. Trong đó, cà phê là ngành được ưu tiên hàng đầu. Trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ xây dựng chiến lược thương hiệu cà phê trong chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm nói chung. Đây là giải pháp tốt cho phát triển ngành cà phê, giúp khắc phục tình trạng chủ yếu XK cà phê nhân. Tuy nhiên, việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN&ptnt và Bộ Công Thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018 (Kỳ 6): Cà phê Việt Nam "mờ nhạt" trên thị trường quốc tế  
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO