Kể từ sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay vẫn đang bị "đóng băng".
Ồn ào về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam VFS vẫn luôn là điểm nóng suốt 3 năm qua.
Nỗi đau nghệ sĩ
Tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập hãng phim, sáng 24/12, khi đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao kỷ niệm chương cho cá nhân đạt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú năm qua, lác đác vài người lên nhận. Lúc này, nhiều người đồng loạt giơ băng rôn: "Đề nghị Bộ Văn hóa giải quyết vấn đề cổ phần hóa ở VFS".
Buổi lễ có khoảng 300 người tham dự. Các nghệ sĩ bày tỏ muốn được đối thoại với lãnh đạo Bộ trong buổi lễ. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết: "Cổ phần hóa là nỗi đau không chỉ với anh chị em nghệ sĩ mà với cả đối tác tham gia. Chúng ta cùng nhảy vào một vũng lầy, trong đó, anh chị em chúng tôi bị đẩy tới giới hạn khó có thể vượt qua. Hôm nay, tôi mong muốn lãnh đạo Bộ và Cục Điện ảnh chia sẻ về các chính sách liên quan đến hãng trong năm tới. Chúng tôi mong muốn trong tương lai, hãng có chủ quyền độc lập để tiếp tục sự nghiệp của thế hệ cha anh".
Biên kịch Phương Dung thông tin: "Hơn một năm nay, nghệ sĩ chúng tôi bị cắt lương, bảo hiểm nhưng không ai giải quyết". Trước đó, ở buổi kỷ niệm 60 năm thành lập hãng do các nghệ sĩ tự tổ chức ở xưởng phim số 4 Thụy Khuê, bà Thu Hà - Cục phó Điện ảnh - hứa đại diện của Bộ sẽ tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hãng.
Hồi tháng 1, nhiều nghệ sĩ cũng đã căng băng rôn chất vấn bị cắt lương, bảo hiểm. Mâu thuẫn giữa cán bộ, nhân viên hãng phim và chủ đầu tư dâng cao, khiến Bộ phải cử thanh tra hòa giải.
Chuyện mới xảy ra tại Hãng phim truyện Việt Nam khiến không ít người ngao ngán và tò mò dõi theo câu chuyện của các nghệ sĩ, cán bộ Hãng phim truyện – nơi từng được xưng tụng là cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh Việt Nam.
Sự việc theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân là “giọt nước tràn ly” cho những chờ đợi và chịu đựng đến phẫn uất của các nghệ sĩ, cán bộ.
Đáp lại những mong mỏi của các nghệ sĩ tại buổi kỉ niệm này, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Việc cổ phần hóa hãng phim đã được Thanh tra Chính phủ kết luận từ năm ngoái. Vivaso đang thoái vốn, thời hạn cho quá trình này vẫn chưa kết thúc nên chưa thể nói chính xác về thời điểm hoàn tất thủ tục này".
Chia sẻ hồi đầu năm 2019, khi nhiều nghệ sĩ căng băng rôn chất vấn bị cắt lương, bảo hiểm, đạo diễn Nguyễn Thanh vân cho biết: "Nhiều năm nay, chúng không được làm việc, phải chịu "tra tấn" bởi cách quản lý cứng nhắc của Ban giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam mà cụ thể là nhà chiến lược đầu tư Vivaso".
Tháng 9/2018, sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, đã có những công bố và cam kết về việc Vivaso sẽ thoái vốn tại Hãng phim. Tuy nhiên, cho đến nay, sự việc vẫn chưa có kết quả.
Đạo diễn Thanh Vân cho hay, sự chậm trễ này buộc các nghệ sĩ, cán bộ tại hãng phim đặt câu hỏi, liệu có điều gì khuất tất trong quá trình để Vivaso rút vai trò chiến lược cổ đông tại đơn vị này?
Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, có 2 vấn đề hiện nay: một là Vivaso đang cố tình trì hoãn việc thoái vốn để chờ đợi dự án phim Người yêu ơi – bộ phim do Bộ VH-TT&DL đặt hàng Hãng phim từ trước khi Vivaso nắm quyền kiểm soát tại đây.
Có thể bạn quan tâm
17:05, 16/11/2018
11:26, 16/11/2018
15:24, 27/09/2017
19:40, 21/09/2017
“Nếu dự án này kịp về tay Vivaso, rất có thể việc thoái vốn sẽ kéo dài 1-2 năm tới. Vì một bộ phim muốn làm xong phải từ 1-2 năm”, đạo diễn Thanh Vân cho hay.
Vấn đề thứ 2, vì Bộ VHTT&DL không đưa ra bất cứ một thông tin cụ thể nào về thời hạn để Vivaso rút khỏi vai trò nhà đầu tư chiến lược tại Hãng phim, cộng với việc đơn vị này liên tục cắt lương, bảo hiểm khiến đời sống nghệ sĩ, cán bộ tại Hãng phim hiện nay rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.
“Từ khi trở thành cổ đông chính, nắm quyền điều hành, Vivaso không hề mang về nổi một thước phim cho anh em nghệ sĩ, lại còn quản lý nhân sự theo kiểu cứng nhắc, coi thường những giá trị lịch sử của Hãng phim. Nghệ sĩ, cán bộ cần có phim để làm việc chứ không phải đến chấm công bằng vân tay rồi về. Quản lý như thế vừa mệt mỏi cho nghệ sĩ vừa làm mất thời gian của Vivaso vì không hề mang lại hiệu quả”.
Tại cuộc họp báo quý 4 của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra sáng 3/1/2020, câu chuyện Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam lại được hâm nóng lên.
Trước câu hỏi của phóng viên về tình hình Hãng phim truyện Việt Nam, chánh văn phòng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, ông Nguyễn Thái Bình cho biết: "Hãng phim đã cổ phần hóa, hoạt động theo luật doanh nghiệp, hiện hãng phim chưa báo cáo bộ".
Ông Nguyễn Thái Bình cũng cho biết: "Hiện giờ chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào từ hãng phim. Liên quan đến vụ việc hãng phim, bộ đã nhận văn bản chỉ đạo của phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Chúng tôi đang làm rồi. Ai quan tâm đến văn bản này, sau cuộc họp lên phòng tôi cho xem văn bản, chúng tôi không thể công bố nội dung văn bản tại đây".
Không đồng ý với câu trả lời, nhiều phóng viên tham dự họp báo khẳng định Chính phủ đã có yêu cầu Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch giải quyết dứt điểm vụ việc ở Hãng phim truyện Việt Nam. Nhưng cho đến nay bộ vẫn chỉ trả lời báo chí "chúng tôi đang làm" là không thỏa đáng.
Trước câu hỏi này, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, ông Nguyễn Thái Bình trả lời: "Phó Thủ tướng chỉ đạo bộ xác định cụ thể số tiền hoàn trả nhà thầu chiến lược và báo cáo lộ trình. Hiện bộ đang tập trung xử lý thoái vốn, sau khi xong, sẽ xử lý các cá nhân liên quan và báo cáo ban cán sự".
Cổ phần hóa là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên vụ cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã khiến hãng phim có bề dày truyền thống này rơi vào tình trạng "chết lâm sàng".
Nhiều nghệ sĩ của hãng cho rằng những người thực hiện cổ phần hóa đã bán rẻ hãng phim cho doanh nghiệp, và doanh nghiệp cũng chỉ quan tâm đến đất đai của hãng phim chứ không hề quan tâm đến phát triển phim.
Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam chính thức tiến hành từ năm 2014. Hãng hiện mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Tháng 9/2018, thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa hãng có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp. Sau kết quả này, công ty vận tải thủy Vivaso - đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim - xin thoái vốn.
Dù Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phải giải quyết dứt điểm vụ việc này, nhưng cho đến nay có vẻ như tiến độ vẫn dậm chân tại chỗ.