Vivaso sẽ thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam

T.H 16/11/2018 11:26

Chắc chắn Vivaso sẽ phải thoái vốn, rút vai trò nhà đầu tư chiến lược tại Hãng phim truyện Việt Nam trước thời hạn.

Trong buổi gặp gỡ báo giới mới đây tại trụ sở Hội Điện ảnh Việt Nam, nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ sự lo ngại trước một số điều liên quan đến công văn số 4974 do Thứ trưởng Lê Quang Tùng ký gửi cho Công ty Cổ phẩn Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (VFS) ngày 29/10/2018.

Đến chiều 14-11, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức họp báo để giải thích về công văn 4974 - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Đến chiều 14-11, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức họp báo để giải thích về công văn 4974 - Ảnh: Dương Liêu

Theo đó, công văn này chỉ đạo thực hiện 5 vấn đề lớn liên quan đến kế hoạch triển khai thực hiện thông báo kết luận của Thanh tra công tác cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam gồm: Đối chiếu, xác nhận các khoản công nợ; xử lý dứt điểm vướng mắc về đất đai, hoàn thiện phương án sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thành lập Hội đồng tư vấn nghệ thuật; sớm sắp xếp việc làm, ổn định đời sống cán bộ công nhân viên; rà soát các vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, đề xuất việc thu hồi tiền lương đã thanh toán không đúng quy định và chi trả tiền lương còn thiếu cho người lao động trong công ty theo kết luận của Thanh tra Chính phủ…

Thời hạn trả lời các yêu cầu liên quan là ngày 15/11/2018.

Theo NSND Nguyễn Thanh Vân - Phó Giám đốc VFS, công văn trên có nhiều điểm vô lý, đi ngược với kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

NSND Nguyễn Thanh dẫn chứng: Điểm 4.2 trong văn bản yêu cầu Nhà đầu tư chiến lược bổ sung thêm về nội dung mục tiêu, kế hoạch, giải pháp về đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, cũng như kế hoạch kinh doanh thời gian tới. Điều này trái với kết luận của thanh tra là thoái lui vốn, tìm nhà đầu tư mới.

“Toàn bộ quá trình xác định đất đai vốn kéo dài hai năm, có ban kiểm toán, ban tư vấn, dưới sự chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL… đã làm không đúng. Bây giờ, việc này lại giao cho hai người đại diện cho số vốn Nhà nước tại Hãng phim, không có con dấu, không có vai trò chính danh ngoài việc giữ tiền”. - Đạo diễn Thanh Vân cho hay.

Theo bà Vân, chức danh và cơ chế kinh tế, tài chính nào để giải quyết được việc này? Chúng ta phải phối hợp ở tầm vĩ mô hơn, có quyền, có tầm và lực hơn, phải giải quyết ở tầm Bộ VH,TT&DL. Việc Bộ yêu cầu Hãng trong ba ngày phải giải quyết được cho thấy đây là một văn bản bất khả thi.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - cựu Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng, tất cả các anh em nghệ sĩ đều quan tâm việc Bộ VHTT&DL đã triển khai kết luận của Thanh tra Chính phủ đến đâu nhưng mọi vấn đề đến bây giờ vẫn chỉ là một câu hỏi lớn.

Thêm vào đó, công văn yêu cầu nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, Ban giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam qua các thời kỳ phối hợp với người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển phim Truyện Việt Nam triển khai thực hiện các công việc.

Liên quan đến mục 4.2 mà các nghệ sĩ nêu trên, ông Trần Hoàng - vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính giải thích: Đầu năm nay, cán bộ ở VFS đề xuất mua sắm thêm máy móc để phục vụ dự án "Người yêu ơi", tuy nhiên sau đó VFS bị thanh tra, và kết quả là Vivaso sẽ phải thoái vốn theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Chắc chắn Vivaso sẽ phải thoái vốn, rút vai trò nhà đầu tư chiến lược tại Hãng phim truyện Việt Nam trước thời hạn. Bộ sẽ thực hiện nghiêm túc kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, không có việc Bộ cố tình tìm cách cho Vivaso ở lại như một số báo đã nêu vấn đề. Tuy nhiên, việc thoái vốn cũng phải thực hiện từng bước theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vivaso sẽ thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO