Để có thể áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đã và đang gây nhức nhối dư luận, cần sớm rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan…
>>Không thể nói không có cơ sở để xử lý hình sự trốn đóng bảo hiểm
Đây là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH đang “nóng” tại Nghị trường Quốc hội, xin ông cho biết quy định của pháp luật về xử lý hành vi này hiện nay như thế nào?
Đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, pháp luật hiện nay đã có nhiều quy định điều chỉnh. Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nghiêm cấm những hành vi chậm, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Trong khi đó, về mức xử phạt vi phạm hành chính, khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022 quy định phạt tiền 12%-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Số tiền phạt vi phạm tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, đóng BHXH bắt buộc, BHTN không đúng mức quy định…
Nghị định này cũng quy định phạt tiền 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt tù lên đến 7 năm tù.
- Bộ luật Hình sự đã quy định hành vi cố tình trốn đóng BHXH rất nặng, tuy nhiên cho đến nay, sau hàng trăm vụ việc đã khởi tố, nhưng chưa có vụ việc nào được đưa ra truy tố, xét xử, thưa ông?
Mặc dù pháp luật đã có quy định, tuy nhiên, thực tiễn áp dụng lại vướng mắc trong việc xác định thủ đoạn khác và phân biệt với trường hợp chậm đóng BHXH vì lý do khách quan.
Cụ thể, hành vi “gian dối” và “thủ đoạn khác” chưa được luận giải và cụ thể hóa. Khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định…” nhưng lại không nêu rõ “hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác” là những hành vi cụ thể nào, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
>>Cần nâng mức chế tài đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH
Bởi thực tế cho thấy, khi một tổ chức, cá nhân nợ BHXH, việc phân biệt có sự “gian dối” hay không (hay đơn thuần là nợ vì khó khăn khách quan) không dễ để có thể xác định. Ví dụ, nếu có người làm giả giấy tờ, hồ sơ để chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT, BHTN thì động cơ vụ lợi là vì mục đích riêng, hành vi gian dối trong trường hợp này đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, có những trường hợp, việc dây dưa nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN có thể vì khó khăn chung và vì lợi ích chung của doanh nghiệp. Khi đó, ranh giới giữa gian dối hay không gian dối rất mong manh và khó xác định.
Chưa kể, Điều 216 quy định dấu hiệu bắt buộc để xử lý hình sự với cá nhân là đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn đóng BHXH mà còn vi phạm. Trong khi quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 và khoản 1 Điều 3 Nghị định số 28/2020 lại không điều chỉnh cụ thể đối với cá nhân là người đứng đầu hoặc người đại diện pháp luật của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy định về đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Xuất phát từ sự thiếu chặt chẽ này nên các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN khó quy lỗi cho cá nhân là người đứng đầu doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng không thể tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 28/2020. Dẫn tới tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”.
- Để giải quyết các vướng mắc đã nêu, ông có đề xuất, kiến nghị gì?
Các cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể việc xác định hành vi “gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác” của người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định.
Đồng thời, Nghị định 28/2020 và Luật BHXH cũng cần có sự thống nhất và quy định rõ ngoài phạt tiền đối với tổ chức vi phạm, cần phạt tiền đối với người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó để gắn với trách nhiệm của cá nhân trong việc chấp hành pháp luật. Đây là căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Cần nâng mức chế tài đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH
11:30, 19/03/2023
TP.Hồ Chí Minh: Kiên quyết xử lý doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT
03:00, 02/03/2022
Xử lý doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT: Quyết liệt vì quyền lợi người lao động
12:11, 06/04/2021
Không xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH trước ngày 1/1/2018
06:35, 02/09/2019
Khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng BHXH: Gỡ vướng từ các quy định của pháp luật
05:50, 20/04/2019