Không xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH trước ngày 1/1/2018

An Chi 02/09/2019 06:35

Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn việc xử lý các hành vi trốn đóng BHXH thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 theo cơ chế hành chính và dân sự.

Ngày 15/8, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn các loại tội phạm về bảo hiểm tại Bộ luật Hình sự. Theo đó, tình tiết định khung hình phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, tư cách tố tụng của cơ quan BHXH… được quy định tại Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019.

Rõ ràng ranh giới hành chính, hình sự.

Trên thực tế, hiện tượng doanh nghiệp trốn đóng BHXH đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, do đó trong quá trình sửa đổi và ban hành các luật, các quy định để giải quyết vấn đề về nợ BHXH, trốn đóng BHXH đã được bổ sung.

Luật BHXH năm 2014 trao quyền thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính cho cơ quan BHXH Việt Nam. Ðồng thời, giao chức năng khởi kiện cho tổ chức công đoàn, bởi đây là đại diện hợp pháp của người lao động.

Bộ luật Tố tụng dân sự cũng có quy định về việc Tòa án thụ lý giải quyết những tranh chấp liên quan đến BHXH, BHYT. Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung 3 tội danh liên quan, bao gồm: Tội gian lận BHXH, BHTN (Ðiều 214); tội gian lận BHYT (Ðiều 215); tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (Ðiều 216).

Doanh nghiệp nợ đọng BHXH: Không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng

Không xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH trước ngày 01/01/2018

Ngày 15/8/2019, Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao có ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng chi tiết các Điều.

Theo đó, Điều 5 của Nghị quyết nêu rõ, đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự mà xử lý theo tùy từng trường hợp.

Có thể bạn quan tâm

  • Quyết liệt hơn nữa trong công tác thu Bảo hiểm xã hội

    Quyết liệt hơn nữa trong công tác thu Bảo hiểm xã hội

    16:46, 25/07/2019

  • Không thể xử lý hình sự các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội?

    Không thể xử lý hình sự các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội?

    10:47, 02/06/2019

  • Giải pháp nào để giảm tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội?

    Giải pháp nào để giảm tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội?

    02:15, 31/05/2019

Cụ thể, trường hợp chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Việc thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này thực hiện theo pháp luật về thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp gây thiệt hại cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Ngoài ra, Điều 5 quy định, không coi việc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự.

Nghị quyết cũng đã xác định cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách người bị hại trong các vụ án gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT. Theo đó, Điều 6 của Nghị quyết xác định: Trong các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp theo Điều 214 của Bộ luật Hình sự; tội gian lận BHYT theo Điều 215 của Bộ luật Hình sự; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách là bị hại. Với quy định này, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao cũng xác định: các tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định. Khi nhận được tin báo về tội phạm hoặc văn bản kiến nghị khởi tố và chứng cứ, tài liệu có liên quan, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Theo các chuyên gia, Nghị quyết 05 góp phần tạo ra hành lang pháp lý thống nhất trong việc xử lý các trường hợp vi phạm về BHXH, BHYT. Trước hết, xác định hành vi trốn đóng, gian lận BHXH, BHYT là hành vi vi phạm pháp luật. Ở mức độ nhẹ, hành vi này được xử lý hành chính. Cơ quan thanh tra BHXH, Tổng giám đốc BHXH có thẩm quyền xử phạt hành chính.

Khi các hành vi này ở mức độ nghiêm trọng, sẽ xử lý hình sự. Khởi điểm xử lý hình sự là hành vi chiếm đoạt tiền BHXH, BHYT từ 10 triệu đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 6 tháng trở lên và trốn đóng số tiền từ 50 triệu động trở lên/trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 lao động trở lên.

Nghị quyết 05 xác định, với quan điểm không hồi tố, các hành vi trốn đóng trước 0h ngày 1/1/2018 (thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) không xử lý về hình sự, mà chỉ xử phạt hành chính. Bên cạnh đó, trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH gây thiệt hại cho cơ quan BHXH, cho người lao động, thì bên bị thiệt hại được quyền khởi kiện vụ án dân sự, được xếp vào loại bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Công nhân Công ty TNHH Nam Phương (H.Củ Chi, TP.HCM) ngừng việc, tập trung trước công ty khi chủ “biến mất” vào đầu năm 2018 do nợ BHXH, nợ lương công nhân

Công nhân Công ty TNHH Nam Phương (H.Củ Chi, TP.HCM) hoang mang khi chủ doanh nghiệp “biến mất” , mang theo các khoản nợ BHXH, nợ lương công nhân

Tuy nhiên, đối với vấn đề khởi kiện dân sự và xử lý hình sự, quá trình thực thi còn nhiều vướng mắc. Ðối với việc khởi kiện dân sự, các tòa án gần như chưa thụ lý đơn nào. Ðối với việc xử lý hình sự, ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Các cơ quan BHXH đã chuyển khoảng 100 hồ sơ sang cơ quan điều tra và vẫn đang trong giai đoạn xem xét. Chỉ có 2 vụ việc được điều tra, truy tố xét xử nhưng dưới những tội danh khác, không thuộc nhóm tội danh liên quan BHXH, BHYT”. Ông Ánh đánh giá, Nghị quyết 05 đã tháo gỡ cơ bản 4 vướng mắc, bao gồm nhiều tình tiết, hành vi vi phạm chưa được hướng dẫn cụ thể, tư cách tham gia quá trình tố tụng của BHXH, xử lý như thế nào đối với vi phạm xảy ra trước 0h ngày 1/1/2018 (thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực), quy trình trình tự thủ tục hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra.

Nói về vấn đề này, ông Chu Thành Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học,Tòa án nhân dân Tối cao nhận định, theo Luật BHXH, nợ BHXH, trốn đóng BHXH là hành vi sai phạm, hành vi bị nghiêm cấm. Vụ kiện dân sự thì có đúng, có sai và tòa án là cơ quan phán quyết, nếu đúng thì tòa buộc doanh nghiệp phải trả, nếu sai thì tòa bác đơn. Còn đã là vi phạm thì không thể đưa sang tòa án xử xem đúng hay sai, mà chỉ là vi phạm đến mức nào. Ðây là lý do khiến việc kiện dân sự vướng mắc thời gian qua. Gần đây nhất, Hội đồng Thẩm phán tối cao đã ban hành Nghị quyết 05/2019/NQ-HÐTP hướng dẫn áp dụng Ðiều 214, Ðiều 215, Ðiều 216 Bộ luật Hình sự. “Vấn đề ở đây không phải là ai được quyền khởi kiện, mà bản chất ở đây không phải là chuyện kiện dân sự”, ông Quang nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Quang cho biết thêm: “Trường hợp vi phạm đã bị khởi tố, điều tra xét xử thì vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ được tòa án giải quyết luôn trong vụ án hình sự. Người bị thiệt hại gồm cơ quan BHXH, người lao động có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại để Tòa án xem xét. Trường hợp vi phạm chỉ xử lý hành chính thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường”.

Đối với vướng mắc trong việc Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định: Luật BHXH giao chức năng khởi kiện cho tổ chức công đoàn do đây là đại diện hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, sự không đồng bộ của hệ thống pháp luật khiến cho việc khởi kiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc”. Theo ông Hiểu, có luật thì quy định Công đoàn cơ sở được khởi kiện, có luật quy định phải có chữ ký uỷ quyền của từng người lao động. Trong khi đó có những doanh nghiệp có tới hàng vạn lao động. Do đó khi Công đoàn tiến hành khởi kiện, nộp hồ sơ, nhưng nhiều nơi toà án từ chối thụ lý vụ án.

Để việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH được diễn ra thuận lợi, trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn được làm việc với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Toà án Nhân dân Tối cao, Bộ LĐTBXH, BHXH Việt Nam để tìm ra giải pháp, điều chỉnh, những vướng mắc hiện nay; sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc Công đoàn đại diện người lao động khởi kiện chủ doanh nghiệp nợ BHXH, để các cấp Công đoàn khi chuyển hồ sơ sang, toà án sẽ tiếp nhận và các cơ quan tiến hành khởi tố hình sự đối với doanh nghiệp nợ BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH trước ngày 1/1/2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO