“Thủ tục thành lập doanh nghiệp thông thoáng, khâu hậu kiểm buông lỏng, cùng với sự tiếp tay của cán bộ quản lý các cơ quan liên quan đã giúp nhiều đối tượng có cơ hội thành lập công ty "ma"…”.
Đây là nhận định của luật sư Nguyễn Đức Biên– Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La xung quanh tình trạng mua bán hóa đơn trái phép đã làm nóng dư luận trong thời gian qua. Đáng chú ý, đánh giá về nguyên nhân khiến tình trạng này nhức nhối, luật sư Biên cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp “ma” dễ dàng hoành hành là do thủ tục thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn rất đơn giản, dễ dàng nhờ người thân hoặc thuê người đứng tên giám đốc, với chi phí chỉ vài triệu đồng và chỉ phải chờ đợi ít ngày, cũng không cần xác minh vốn kinh doanh, tài sản.
>>Nhức nhối nạn mua bán hóa đơn: Bài 1 – Doanh nghiệp “ma” vươn “vòi bạch tuộc”
Trong vụ chạy án của tướng Đỗ Hữu Ca, hàng loạt công ty "ma" tại Quảng Ninh và Hải Phòng do Trương Xuân Đước thành lập đã biến mất một cách bí ẩn khi vụ án được khởi tố là một trong những ví dụ điển hình về các công ty "ma".
Trong quá trình điều tra vụ án "mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", Công an tỉnh Quảng Ninh xác định Trương Xuân Đước cùng một số người khác thành lập các công ty "ma" để mua bán trái phép hóa đơn.Cơ quan chức năng cho biết, nhiều địa điểm ở Quảng Ninh và Hải Phòng, những nơi Trương Xuân Đước chọn làm địa chỉ thành lập các công ty, khi đến thực tế đều thấy không có bất kỳ hoạt động nào từ biển hiệu cũng như nhân viên làm việc.
Trao đổi xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp cho biết, công ty "ma" được hiểu là chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có hoạt động kinh doanh - được lập ra để gian lận thuế, mua bán hóa đơn VAT... Hệ quả không chỉ làm thất thoát ngân sách nhà nước mà còn gây ảnh hưởng xấu, tạo sự bất bình đẳng với doanh nghiệp làm ăn chân chính.
"Thủ tục thành lập doanh nghiệp vô cùng thông thoáng, đơn giản, dễ dàng và chi phí thấp... Tuy nhiên, cơ chế hậu kiểm của các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp sau khi thành lập xem hoạt động, sản xuất kinh doanh ra sao, sức khỏe doanh nghiệp thế nào lại chưa thật hiệu quả, thực chất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đối tượng lợi dụng để thành lập các công ty "ma" nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT" - Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng chia sẻ.
>>Bí ẩn về "trùm" mua bán hóa đơn khiến tướng Ca “dính chàm”
Đáng chú ý, liên quan tới tình trạng buôn bán hóa đơn, trục lợi tiền thuế, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La còn cho biết, không chỉ thành lập doanh nghiệp "ma" mà thời gian qua có tình trạng mua lại pháp nhân rồi biến pháp nhân này thành công ty "ma" để mua bán hóa đơn VAT. Có trường hợp sử dụng căn cước công dân của người khác, giả chữ ký giám đốc để quản lý hồ sơ pháp nhân, con dấu công ty.
“Trên các diễn đàn về kế toán có thể gặp không ít lời rao về việc cần mua lại các doanh nghiệp "xác chết", công ty "ngắc ngoải". Mà mua xong người mua có dùng vào mục đích bất hợp pháp thì không ai biết được”, luật sư Biên nói. Trao đổi thêm về tình trạng này, vị luật sư cũng bày tỏ quan ngại về việc cấp phép thành lập doanh nghiệp rất mở nhưng sau đó lại không quản lý. Nói cách khác, Sở KH-ĐT chỉ cấp phép thành lập doanh nghiệp, trong khi cơ quan thuế chỉ quản lý mã số thuế, hóa đơn.
Bên cạnh đó, do số lượng doanh nghiệp khá lớn, với 860.000 doanh nghiệp, trong khi lực lượng thanh tra kiểm tra của cơ quan thuế khá mỏng, lại chưa có chức năng điều tra, khởi tố... dẫn đến việc quản lý hậu thành lập doanh nghiệp gần như bị “bỏ ngỏ”.
Thời gian qua, hầu hết các đường dây công ty "ma" lập ra để mua bán hóa đơn do cơ quan công an phát hiện. Chưa kể số vụ bị phát hiện rất ít so với số vụ vi phạm, do vậy, nhiều đối tượng vẫn tận dụng kẽ hở để chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT. Từ những vụ việc trên, vị luật sư cho rằng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng nên rà soát và sửa đổi về Luật thuế VAT và nên xem lại chính sách hoàn thuế.
"Mục tiêu cuối cùng của việc thành lập các doanh nghiệp "ma", các đường dây mua bán hóa đơn đó là chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT. Mỗi năm số tiền hoàn thuế VAT lên đến 100.000 - 150.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 10% thu ngân sách cả nước trong một năm nhưng chính sách thuế VAT lại có rất nhiều kẽ hở, nhất là ở khâu hoàn thuế dẫn đến nhiều đối tượng làm ăn phi pháp xem đây là “mảnh đất màu mỡ” để khai thác trong bao nhiêu năm qua", luật sư Nguyễn Đức Biên nói.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm