Những chiêu tiếp thị "độc nhất vô nhị" của Taco Bell

QUÂN BẢO 29/04/2021 05:00

Điều khiến Taco Bell trở nên khác biệt trong các chiến dịch marketing tiếp cận thị trường chính là sẵn sàng thử những ý tưởng mới lạ mà ít người dám làm.

Đãi nguyên một thị trấn bánh miễn phí, đánh cược với cả tàu vũ trụ, Taco Bell nhiều lần tiếp thị “chơi lớn” đến mức “suýt chết”.

Taco Bell - chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh của Mỹ - là một trong những thương hiệu tiêu dùng được lòng đám đông nhất ở Hoa Kỳ.

Bất chấp những thách thức của đại dịch, Taco Bell vẫn lọt top 500 thương hiệu nhượng quyền năm 2021 nhờ việc xác định rõ thị trường mục tiêu và không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng nhiều cách khác nhau.

Hãy cùng điểm qua 5 chiến dịch marketing sáng tạo nhất của Taco Bell giúp công ty này có được vị trí độc tôn như hôm nay:

Nhân sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử: trạm nghiên cứu Mir của Nga dự kiến được phóng ra ngoài vũ trụ vào ngày 23 tháng 3 năm 2001, đội Marketing của Taco Bell đã chớp lấy cơ hội để khởi động một bước đi ấn tượng.

Taco Bell đã dựng một khung thành nổi khổng lồ ở Thái Bình Dương, nơi các mảnh vỡ của Mir được dự kiến sẽ rơi xuống. Theo quảng cáo được công bố, tất cả mọi người ở Mỹ sẽ được thưởng thức bánh taco (một loại bánh kẹp của Mê-hi-cô) miễn phí nếu bất kỳ bộ phận nào của trạm vũ trụ rơi “vào gôn”.

Chiến dịch quảng cáo này có phần quá mạo hiểm khi nó sẽ ngốn một khoản tiền khổng lồ của công ty nếu bị “thủng lưới”, ước tính tới 280 triệu đô. Lường trước điều này, Taco Bell đã mua bảo hiểm cho chương trình khuyến mãi này. Họ phải nộp cho công ty bảo hiểm tới 10 triệu đô.

Nhiều người đã thót tim khi trạm nghiên cứu được phóng đi, kết quả là không có mảnh nào rơi nổi vào cầu môn. Taco Bell đã thắng trong canh bạc đầy rủi ro. Phần thưởng là công ty được báo chí đưa tin trên toàn thế giới, theo đó, tăng nhận diện thương hiệu và tổng doanh thu.

Vào năm 2007, Taco Bell liên kết với giải bóng chày World Series và khởi động chiến dịch quảng cáo “Miễn phí taco cho tất cả mọi người”.

Lần này rủi ro Taco Bell “thua cuộc” thậm chí còn cao hơn nhiều. Theo như quảng cáo, mọi người dân Mỹ sẽ nhận được taco miễn phí nếu bất kỳ người chơi nào từ một trong hai đội cạnh tranh cướp được gôn trong trận World Series.

Jacoby Ellsbury đã cướp gôn thành công ở Game 2 của World Series 2007 vì vậy, công ty đã thực hiện đúng lời hứa của mình với tất cả khách hàng Mỹ.

Trên thực tế, chương trình khuyến mãi tặng bánh miễn phí này không đắt bằng chiến dịch trạm vũ trụ Mir. Đặc biệt, không phải ai cũng đến cửa hàng Taco Bell và yêu cầu giải thưởng, công ty cũng áp dụng giới hạn số lượng 1 taco/người và thời gian nhận thưởng 2-6 giờ chiều.

Bên cạnh đó, Taco Bell tiếp tục dùng chiến thuật marketing tương tự cho các sự kiện World Series khác. Lần gần đây nhất vào năm 2020, nơi Los Angeles Dodgers đã cướp gôn trong game 1 và cũng là lần thứ 9 Taco Bell tặng bánh miễn phí.

Vào giữa năm 2012, có một tin đồn nói Taco Bell sẽ mở một nhà hàng tại thị trấn Bethel. Thị trấn này nằm ở bang Alaska gần Bắc cực xa xôi và chỉ có 6.000 dân.

Taco Bell nhận ra ngay đây chỉ là tin giả. Nhưng thay vì chỉ đính chính trên báo chí đơn thuần, hãng này tận dụng luôn cơ hội, “chơi lớn”: Hãng cho luôn một máy bay trực thăng cẩu nguyên một chiếc xe tải chứa nguyên liệu, làm 10.000 chiếc bánh taco tặng người dân nơi cực Bắc xa xôi này.

Dù đến nay vẫn chưa có kế hoạch cho cửa hàng nhượng quyền Taco Bell nào ở Bethel, Alaska, thì người dân ở đây vẫn ghi nhớ hành động “tử tế” này của Taco Bell. Câu chuyện này vẫn còn xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện đại chúng

Trước khi Covid tấn công toàn cầu, Taco Bell đã khởi động thành công một chiến dịch quảng cáo khác vào tháng 5 năm 2019.

Công ty công bố khai trương một khách sạn “chớp nhoáng”, chỉ mở cửa trong 4 ngày ở Palm Spring, California. Các phòng ngủ được thiết kế nội thất theo chủ đề Taco Bell. Đặc biệt, khách nghỉ sẽ được ăn bánh taco thoải mái, miễn phí hoàn toàn. Với giá từ $169 mỗi đêm, khách sạn không còn phòng trống nào chỉ sau vài giờ mở bán.

Một lần nữa truyền thông đưa tin miễn phí về câu chuyện của Taco Bell, nhấn mạnh vào việc khách sạn pop-up ngắn hạn đã bán hết chỗ trống chỉ trong một ngày - chứng tỏ khách hàng yêu thích thương hiệu này như thế nào.

Taco Bell đã áp dụng viral marketing (tiếp thị lan truyền) từ năm 1996 ngay cả khi mạng xã hội còn chưa xuất hiện.

Vào ngày 1 tháng 4 năm 1996, một Quảng cáo trên tờ Thời báo New York đã mạnh dạn tuyên bố, “Taco Bell mua lại Chuông Tự do” - một biểu tượng của nền độc lập Hoa Kỳ.

Tuyên bố này khiến hàng nghìn người gọi đến Công viên Quốc gia ở Philadelphia để phàn nàn về việc bán kho báu quốc gia. Taco Bell cuối cùng đã tiết lộ đây chỉ là một trò đùa ngày cá tháng tư.

Trò đùa này gây ra những tranh cãi nhất định và phản ứng dữ dội từ phía dân Mỹ nhưng cũng xứng đáng khi khiến doanh thu công ty tăng lên 600 nghìn đô la. Đến nay đây vẫn được coi là một trong những bước đi thành công nhất của Taco Bell.

Tiếp thị bằng lan truyền bắt đầu nở rộ vào giữa những năm 1990 và Taco Bell là một trong những thương hiệu đi tiên phong trong loại hình marketing này.

Có thể thấy rằng điều khiến Taco Bell trở nên khác biệt trong các chiến dịch marketing tiếp cận thị trường chính là sẵn sàng thử những ý tưởng mới lạ mà ít người dám làm. Thay vì lo ngại phản ứng tiêu cực, Taco Bell biết cách để mọi người bàn tán về mình.

Trong thời đại truyền thông số Taco Bell đã chứng minh rằng quảng cáo truyền thống điển hình như các poster truyền tay nhau đã không còn phù hợp. Điều quan trọng là phải biết thị trường mục tiêu của bạn và tận dụng nó trên phương tiện truyền thông xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những chiêu tiếp thị "độc nhất vô nhị" của Taco Bell
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO