Thời gian gần đây, giá đất ở nhiều khu vực TP Nha Trang tăng mạnh mà một trong những nguyên nhân là do người Trung Quốc “hậu thuẫn” sẵn sàng mua đất với giá cao.
Không những thế, bằng hình thức đi du lịch, rất nhiều “du khách” đến từ Trung Quốc đã trốn ở lại để làm lao động “chui” tại các cửa hàng chuyên phục vụ cho người Trung Quốc.
Như DĐDN đã thông tin về tình trạng các cửa hàng tại TP Nha Trang chỉ phục vụ cho người Trung Quốc (TQ). Cũng liên quan đến vấn đề này, chưa bao giờ, trên bàn cà phê, bàn nhậu, mọi nơi, mọi lúc người dân tại đây đều bàn tán về thực trạng người TQ “núp bóng” phía sau đổ xô mua đất ở Nha Trang.
Sôi động nhà, đất dành cho “du khách”
Hiện nay ở TP Nha Trang, do tình hình du lịch tăng đột biến, rất nhiều người TQ không chỉ ở các khách sạn mà còn len lỏi về các làng xã ngoại ô thành phố để mua đất, sinh sống hoạt động. Điều này cũng dể giải thích cho việc ở TP Nha Trang xuất hiện nhiều tờ rơi rao bán nhà công khai bằng 2 thứ tiếng Việt và TQ khiến nhiều người dân nghi ngại. Bà T.N (người dân thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng) cho biết, trước đây giá đất ở đây chỉ 5-7 triệu đồng/m2 nhưng nay "đội" lên hơn 10 triệu đồng/m2. "Người dân các nơi đến hỏi mua đất cứ cò kè "bớt hai thêm một", nhưng người TQ đứng sau hỏi mua thì giá nào cũng được. Hỏi giá buổi sáng, buồi chiều họ "chồng" tiền ngay" - bà N cho biết.
Không chỉ mua đất, các khách sạn, nhà nghỉ ở đây còn cho người TQ thuê ở trọn các tầng với giá cao. Ví dụ như nhà nghỉ 2 tầng Q.T (thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng) cho người TQ thuê với giá hơn 30 triệu đồng/tháng.
Theo chị K, người làm môi giới nhà đất cho biết: Gần đây có một số người TQ nhờ tìm mua và đứng tên nhờ chị tìm cho 5-7 lô đất tại xã Vĩnh Ngọc hoặc Vĩnh Thạnh với diện tích khoảng 100m2/lô, giá mỗi lô khoảng 800 triệu. Tuy nhiên, lợi dụng vào tâm lý này nhiều người dân cũng tranh thủ đẩy giá lên cao hơn nhưng giá không phải là vấn đề đối với những người này.
Chị T.T (từng là phiên dịch viên làm việc cho một người TQ) cho biết, mới đây, một người TQ nhờ chị đứng tên chủ hộ giúp ở khách sạn M.T (TP Nha Trang) nhưng bị gia đình phản đối nên quyết định thôi. "Trước đây, tôi từng làm cho một người TQ với mức lương 50 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian làm việc, tôi thấy bất ổn nên cũng không làm, hủy các giấy tờ liên quan đến việc đứng tên" - chị T tiết lộ.
Lần theo mẫu quảng cáo rao bán đất bằng tiếng TQ, chúng tôi tiếp cận một căn nhà ở khu vực Hòn Xện, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Ông H, chủ căn nhà rao giá gần 4 tỉ đồng và khẳng định nhiều người TQ mua nhà, đất để kinh doanh và tìm người đứng tên. Ông H cũng không ngần ngại giới thiệu một số khu đất đã được các ông chủ người TQ mua chưa lâu.
Đến du lịch xong “ở luôn”
Theo báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa, năm 2017, Nha Trang đón hơn 5,4 triệu lượt khách, trong đó khách TQ chiếm 60 % thị phần. Riêng trong quý 1 năm 2018, TP Nha Trang đón hơn 1,4 triệu lượt khách, trong đó khách Trung Quốc hiếm hơn 62%. Trên thực tế có rất nhiều người đi du lịch rồi ở lại làm việc không phép, hết hạn thị thực họ lại về nước gia hạn.
Theo bà N, người TQ thường thuê khách sạn, nhà nghỉ ở gần các showroom bán hàng cho người TQ. Tại phường Vĩnh Nguyên (TP Nha Trang), nơi hiện hữu nhiều showroom phục vụ khách TQ, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều người TQ ở "chui" trong các nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh...
Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp người TQ vào Việt Nam không phải là thị thực lao động, hiện đang tạm trú tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Họ làm đủ nghề như làm việc “chui” cho các đại lý tour du lịch, đi phát tờ rơi quảng cáo, điều hành xe tour, biểu diễn nghệ thuật, bán hàng đồi mỹ nghệ, đá quý, phục vụ nhà hàng, khách sạn…
Mới đây, qua kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài là người TQ nhưng không có có giấy phép lao động theo quy định, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Khánh Hòa đã lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 180 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 3 tháng và đề nghị Công an tỉnh Khánh Hòa trục xuất về nước 7 người quốc tịch TQ.
Trong quý 1 năm 2018, tính đến ngày 22/3/2018, Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan liên quan đã tiến hành kiểm tra đột xuất 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát hiện 185 người quốc tịch TQ làm việc cho các doanh nghiệp kinh doanh buôn bán các mặt hàng mỹ nghệ, đá quý, tơ lụa… cho khách hàng là các tour du lịch nhưng không được cấp phép lao động theo quy định. Sở Lao động đã lập hồ sơ và đề nghị Công an tỉnh trục xuất những người này về nước.
Theo đại diện của Sở LĐ-TB&XH, lao động người nước ngoài vào Nha Trang hoạt động rất nhiều. Việc quản lý người nước ngoài cần nhiều cơ quan khác như công an, du lịch và đặc biệt là chính quyền địa phương vào cuộc.