Chính trị - Xã hội

Những đầu bếp đặc biệt trên hải trình nối đất liền với biển, đảo

Hải Ngân 02/09/2024 11:02

Hải trình đến Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã khép lại từ lâu, nhưng câu chuyện về những người "anh nuôi" trên chuyến tàu đặc biệt nối đất liền với biển, đảo thiêng liêng thì vẫn được nhắc lại nhiều lần.

Trong những câu chuyện về Trường Sa, về biển đảo, nhà giàn có lẽ không thể thiếu chuyện về những bữa ăn đầy ấm áp giữa mênh mông biển trời Tổ quốc. Và dù đã trở về đất liền đã lâu, nhưng với các thành viên trong đoàn công tác số 16 Quân chủng Hải quân được đến thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/9 trên chuyến tàu KN 290 sẽ không bao giờ quên những bữa ăn vô cùng đặc biệt đó.

Để giờ đây nhắc lại, ai nấy cũng đều thầm cảm ơn các “anh nuôi” trên tàu vì đã lặng thầm cống hiến, đảm bảo những bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tiếp sức cho đoàn công tác tiến về Trường Sa thân yêu và Nhà giàn DK1/9 – cột mốc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

81.jpg
Những đầu bếp đặc biệt trên hải trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 trên tàu KN 290

Chân tình, chu đáo

“Đến giờ, trân trọng kính mời lãnh đạo đoàn công tác và các đại biểu về các phòng ăn dùng bữa”. Thông báo từ loa phát thanh của tàu KN290 đã trở nên vô cùng thân quen với những người đã đi trên hải trình đặc biệt đó. Mỗi lần thông báo vang lên, cả đoàn từ các phòng vội trở về khu vực phòng ăn để dùng bữa rất đúng giờ.

Còn nhớ thời điểm đó, khi đến khu vực các phòng ăn, trước mắt chúng tôi là những bàn ăn được xếp theo hàng lối ngay ngắn, gọn gàng. Các món ăn được chế biến ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là được bài trí rất đẹp mặt không khác gì một nhà hàng ở đất liền... Ai cũng nghĩ đây đều do những người đầu bếp chuyên nghiệp chế biến, nhưng thực tế đó lại là từ đôi bàn tay khéo léo của những đầu bếp “bất đắc dĩ” trên tàu.

Chúng tôi vẫn còn nhớ lời tâm sự của chị Trần Thị Khéo - Đại biểu tỉnh Hậu Giang: “Đây là lần thứ 2 tôi được đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 nên phần nào hiểu được nỗi vất vả của những người “anh nuôi”. Mỗi ngày, các anh gần như phải hoạt động liên tục để chuẩn bị 4 bữa ăn gồm: sáng, trưa, tối và đêm cho toàn đoàn. Dù vậy, các anh vẫn là những chú ong chăm chỉ mang tới cho đại biểu bữa cơm ấm lòng nơi biển khơi”.

87.jpg
Mâm cơm giữa trùng khơi

Chính lời tâm sự ấy đã thôi thúc chúng tôi phải có mặt tại khu bếp ăn để hiểu hơn về công việc của những “anh nuôi” trên tàu. Trong căn phòng bếp nóng nực và xen lẫn mùi dầu mỡ, những đầu bếp của tàu KN290 vẫn luôn tay để chế biến các bữa ăn hàng ngày cho cả tàu. Tại đây, chúng tôi đã gặp trung Trung tá Hoàng Thanh Hợp - Trưởng ban hành chính, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, chỉ huy tổ phục vụ trên tàu KN 290.

Vừa điều hành công việc của mình, anh Hợp vừa chia sẻ về nhiệm vụ của anh em trong tổ. Khi thấy chúng tôi thắc mắc làm thế nào để bảo đảm chất lượng thực phẩm, anh Hợp cho biết, tổ phục vụ đã xây dựng kế hoạch thực đơn chi tiết, sau đó liên hệ các đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín như: Co.opmart, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, các nông trại cung cấp nông sản sạch ở Đà Lạt... nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

85.jpg
Những "anh nuôi" trên tàu KN290 đang chuẩn bị bữa ăn cho đoàn công tác

“Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đảm bảo sức khỏe đại biểu. Với điều kiện hành quân nhiều ngày trên biển, số lượng đại biểu lớn, khi có vấn đề thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe một cá nhân mà sẽ ảnh hưởng đến cả đoàn công tác”, anh Hợp tâm sự.

Tổ phục vụ trên tàu KN 290 gồm 27 đồng chí và tuyệt nhiên không ai là đầu bếp chuyên nghiệp. Phần lớn các thành viên được tăng cường từ các tàu khác, với chuyên ngành về hàng hải, cơ điện, máy tàu... nhưng điểm chung của họ là có năng khiếu và đam mê nấu ăn. Quan trọng hơn là có sức khỏe tốt đảm bảo hoạt động trên biển trong điều kiện sóng gió phức tạp.

“Tổ phục vụ luôn nhận được sự giúp đỡ từ các đại biểu đoàn công tác như: nhặt rau, rửa bát, bày đồ ăn và chuyển thức ăn tới các khu vực ăn... Điều này khiến anh em trong tổ có cảm giác đây giống như người thân trong nhà đang chuẩn bị những bữa cơm gia đình đầm ấm. Bản thân tôi cũng cảm thấy rất vinh dự và tự hào được phục vụ trên những chuyến công tác, trở thành cầu nối giữa đất liền với biển đảo quê hương, với tuyến đầu của Tổ quốc”, tổ viên Nguyễn Anh Tuấn – Thành viên tổ phục vụ khi đó tâm sự.

Những kỷ niệm khó quên

84(1).jpg
Công việc của các “anh nuôi” thường bắt đầu lúc 3 giờ sáng

Hàng ngày, cứ 3 giờ sáng khi cả tàu vẫn chìm trong giấc ngủ, 27 thành viên tổ phục vụ đã bắt đầu 1 ngày làm việc mới để chuẩn bị cho đại biểu ăn sáng lúc 5 giờ. Và buổi tối khi đại biểu đã đi nghỉ thì họ vẫn còn đang dọn dẹp sau bữa ăn phụ và tiếp tục chuẩn bị một phần cho bữa sáng hôm sau.

Không chỉ vậy, trong đoàn nếu có đại biểu nào bị sóng làm cho chếnh choáng, phía nhà bếp lại điều chỉnh phần ăn phù hợp hoặc chuẩn bị cơm nắm muối vừng, những bát cháo nóng để đại biểu có thể ăn, hồi phục sức khỏe.

Đều đặn, đến bữa ăn, những người “anh nuôi” lại đi từng bàn ăn hỏi thăm các thành viên trong đoàn. “Đồ ăn có hợp khẩu vị mọi người không ạ, các anh/chị ăn có ngon miệng không?...”. Sự quan tâm chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đã khiến các thành viên trong đoàn công tác thực sự cảm động.

Là người thường xuyên xuống khu bếp hỗ trợ tổ phục vụ, chị Hà Thị Mỹ Phương – Đại biểu Quỹ học bổng Vừ A Dính vẫn nhớ như in hình ảnh một thành viên trong tổ phục vụ ngồi cạnh nồi cơm chờ bấm nút nấu nhiều lần.

“Nhớ lại một lần vô tình thấy có một anh trong tổ phục vụ cứ ngồi cạnh nồi cơm chờ bấm nút nấu mấy lần. Tôi đã tò mò hỏi xem phải nồi cơm bị hỏng hay không mà thấy anh cứ ngồi giữ nút nấu như vậy? Anh ấy cười đáp, vì trong đoàn có nhiều người thích ăn cơm cháy, nên anh mới ngồi “canh” như vậy, để có thêm cháy cho các đại biểu dùng bữa. Thực sự, chỉ một chi tiết nhỏ như vậy thôi nhưng để lại cho tôi quá nhiều cảm xúc, khiến tôi cảm thấy chuyến đi của mình vô cùng ý nghĩa”, chị Phương xúc động nhớ lại.

88.jpg
Các đại biểu Quỹ học bổng Vừ A Dính tham gia hỗ trợ cùng tổ phục vụ

Hải trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã khép lại từ lâu, các thành viên trong đoàn công tác ai nấy đều đã trở về với công việc nơi cơ quan, đơn vị, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc, cùng kể lại những kỷ niệm trên chuyến hải trình 7 ngày đầy đặc biệt nối đất liền với biển, đảo thiêng liêng. Và giây phút tất cả thành viên đoàn công tác quây quần bên mâm cơm thơm ngon, nóng hổi, đủ dinh dưỡng và đầy ấm áp, chuẩn vị cơm nhà mà các “anh nuôi” trên tàu KN 290 đã chuẩn bị vẫn in sâu vào tâm khảm, luôn nhắc nhở chúng tôi hướng về Trường Sa và Nhà giàn DK1 thân yêu.

Anh Trần Đức Vượng – Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Công nghệ Khóa Vàng tâm sự: “Trong suốt hải trình đến thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 hồi tháng 5/2024 vừa qua, những bữa cơm trên tàu KN 290 giữa trùng khơi luôn thật đặc biệt, rất ngon và hợp khẩu vị. Thật sự cảm ơn các “anh nuôi” không quản ngại vất vả, khó khăn để chăm sóc sức khỏe cho các đại biểu. Những bữa ăn ngon, đảm bảo chất dinh dưỡng đã tiếp sức cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ gửi những món quà từ đất liền tới các cán bộ, chiến sĩ và quân dân đang ngày đêm trụ vững giữa trùng khơi, bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; để các đồng chí yên tâm công tác, làm điểm tựa tinh thần vững chắc cho bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những đầu bếp đặc biệt trên hải trình nối đất liền với biển, đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO