Những doanh nghiệp bất động sản nào dẫn đầu phát hành trái phiếu quý I/2020?

Lê Mỹ 23/04/2020 11:05

Khó khăn của COVID-19 khiến phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chỉ tăng nhẹ trong 3 tháng đầu 2020. Song TPDN vẫn là kênh huy động vốn đặc hiệu cho khối bất động sản.

Như nhiều thị trường, ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế đang chịu tác động đáng kể bởi COVID-19, thị trường trái phiếu cũng có phần bị suy giảm.

Thống kê tổng giá trị phát hành TPDN quý I/2020 của CTCK Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (TCBS) cho kết quả chỉ tăng nhẹ với tổng giá trị phát hành (bao gồm TPDN phát hành ngoài công chúng) đạt hơn 46.000 tỷ đồng. Trong quý I/2019, TPDN đạt tổng giá trị phát hành gần 40.000 tỷ đồng. Nếu so với các dự báo về tốc độ bùng nổ và đà tăng trưởng giá trị TPDN phát hành dự kiến trong năm nay, thì rõ ràng mức tăng hơn 6.000 tỷ đồng/quý như vừa diễn ra là khá khiêm tốn. Song nếu so với sự giảm tốc của mọi thị trường trong bối cảnh phòng chống COVID-19 thì mức tăng nhẹ này thực tế lại là tín hiệu tích cực cho thấy trái phiếu tiếp tục giữ vị trí kênh tiếp vốn hữu hiệu cho các doanh nghiệp có điều kiện phát hành.

Trong xu hướng lãi suất tiết kiệm (chủ yếu kỳ hạn dưới 6 tháng và giao dịch tại quầy) giảm, một tín hiệu khác giữ sức hút của cầu trái phiếu sơ cấp là lãi suất phát hành khá ổn định, từ 9-11%. TCBS thống kê rằng các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) là nhóm phát hành TPDN với giá trị lớn nhất, đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, chiếm 44% tổng giá trị phát hành toàn thị trường.

Nổi trội trong nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu về phát hành trái phiếu quý I/2019, là những doanh nghiệp đầu tư, có lĩnh vực đầu tư bất động sản và những chủ đầu tư dự án tầm trung.

Có thể kể đến những "ông lớn" quen thuộc trong nhóm phát hành thành công như: nhóm Sovico Holdings (hàng trăm tỷ đồng được chia nhỏ cho nhiều lượt phát hành với lãi suất bình quân 11%, kỳ hạn phổ biến 3 năm); TNR Holdings với trên 5.300 tỷ đồng chia cho 3 đợt phát hành, lãi suất bình quân 10,9% kỳ hạn phổ biến 3 năm; nhóm Novaland với 2 đợt phát hành của 2 đơn vị thành viên thu về hơn 1.700 tỷ đồng; nhóm Hưng Thịnh phát hành trị giá 1.600 tỷ đồng (gồm Hưng Thịnh Land 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 11% và Hưng Thịnh Incons 600 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất 11%), ... Một số đợt phát hành chia nhỏ cũng thu hút cho CTCP Đầu tư Bất động sản Đông Dương trên 1.000 tỷ đồng, lãi suất 12%...

Đáng chú ý là các đợt phát hành "một cục" có trị giá khá lớn so với bối cảnh huy động vốn không hoàn toàn tích cực nói chung, nhưng đã thành công của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM-CII (hơn 2.000 tỷ đồng, lãi suất 11%, kỳ hạn 13 tháng và 3 năm), CTCP City Garden (1.598 tỷ đồng, lãi suất 11%, kỳ hạn 2 năm), Công ty Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL thuộc TNG Holdings (998 tỷ đồng, lãi suất 10,9%, kỳ hạn 5 năm), Phú Mỹ Hưng (900 tỷ đồng, lãi suất khá rẻ 7,2%, kỳ hạn 3 năm), Trung Nam (600 tỷ đồng, lãi suất 10,5%, kỳ hạn 3 năm)...

Sự tham gia của các thành viên thuộc các tập đoàn tư nhân trong nhóm huy động vốn "1 cục", trong mảng BĐS và ngoài mảng, cũng mang về cho các đơn vị giá trị phát hành lớn như: Vinfast đạt tổng giá trị phát hành tới 4.585 tỷ đồng (lãi suất 10%, kỳ hạn 3 năm); Masan Group độc tôn trong bảng phát hành trái phiếu thường ra công chúng 2 đợt, mang về 5.000 tỷ đồng (lãi suất 9,3%, kỳ hạn 3 năm). Các đợt phát hành của 2 doanh nghiệp này đều có tư vấn phát hành mát tay của TCBS. Bên cạnh đó, Mặt Trời Hạ Long của Sun Group cũng gọi vốn 2.000 tỷ đồng (lãi suất 8%, kỳ hạn 1 năm, TCBS tư vấn), cùng Dịch vụ Cáp treo Bà Nà gọi vốn 100 tỷ đồng kỳ hạn tới 8 năm, lãi suất 0%, Wonderland phát hành 500 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm...

Nhìn chung, danh mục phát hành trái phiếu theo lĩnh vực trong quý I/2020 tập trung khá lớn vào địa ốc và các công ty hạ tầng du lịch giải trí. Theo tháng, nhóm ngân hàng góp mặt phát hành gọi vốn trái phiếu có ACB, Tienphongbank; Chứng khoán có sự tham gia huy động của Everest, Rồng Việt (VDSC) và Chứng khoán MB (MBS), tuy nhiên tỷ trọng không lớn. 

Theo TCBS, gần 70% thị phần tư vấn phát hành TPDN tập trung đang tại 5 công ty lớn; tuy nhiên, chỉ TCBS và SSI duy trì được thị phần trong top dẫn đầu, 3 vị trí còn lại đến từ HDBS, Apec và Aseansc.

TCBS, nhà tư vấn số 1 về TPDN cũng cho biết Bộ Tài Chính đang trình Chính Phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP theo hướng nâng cao quy định về việc phát hành riêng lẻ TPDN. Trong đó đưa ra nhiều quy định mới đối việc phát hành riêng lẻ TPDN, có thể kể đến như: Quy định về số lượng nhà đầu tư (NĐT) không chuyên được tham gia; Nâng cao yêu cầu về hệ số nợ TPDN/vốn chủ sở hữu khi phát hành riêng lẻ TPDN theo hướng doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dự nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt quá năm (05) lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Khoảng cách giữa các đợt phát hành: quy định đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng; Trần lãi suất: không vượt quá mức lãi suất quy định tại Điều 468 Luật Dân sự năm 2015 (20%/năm); Bổ sung nghĩa vụ của tổ chức lưu ký và tổ chức tư vấn phát hành...

Có thể bạn quan tâm

  • “Giải mã” đà giảm lãi suất trái phiếu Chính phủ

    11:01, 12/04/2020

  • Cửa kiếm tiền qua quỹ trái phiếu

    09:00, 26/03/2020

  • Vietcombank phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ trong năm 2020

    23:04, 19/03/2020

  • Giãn lộ trình tất toán trái phiếu VAMC

    16:00, 29/02/2020

Nếu Dự thảo Nghị định được thông qua, hành lang pháp lý cho phát hành TPDN sẽ được siết chặt để hạn chế tình trạng lách các kẻ hở trong hoạt động phát hành (ví dụ chọn hình thức phát hành riêng lẻ nhưng thực tế "chia nhỏ để là phát hành đại chúng; hay doanh nghiệp đua tăng lãi suất huy động quá mức...), tăng tính hấp dẫn lẫn thanh khoản cao của trái phiếu trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những doanh nghiệp bất động sản nào dẫn đầu phát hành trái phiếu quý I/2020?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO