Trong 13 dự án thua lỗ, đắp chiếu, có nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc quyết toán hợp đồng EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) với các nhà thầu Trung Quốc.
Đơn cử, Nhà máy đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 6.000 tỉ đồng, đội vốn lên 10.000 tỉ đồng. Vốn vay chủ yếu từ ngân hàng Trung Quốc, nhà thầu Hoàn Cầu (Trung Quốc). Tính đến hết năm 2016, thua lỗ của Nhà máy đạm Ninh Bình đã lên đến 3.314 tỉ đồng. Dù đã có 16 lần đàm phán với nhà thầu Trung Quốc nhưng nhiều vấn đề vẫn chưa được chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất giải quyết.
Hay với Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên được triển khai từ năm 2007, nhà thầu EPC là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC). Từ đó đến nay nhà thầu này không thực hiện thi công. Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang xây dựng dở dang và phải dừng thi công do phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu EPC là Tổng Công ty xây lắp dầu khí (PVC).
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên tranh chấp, vướng mắc tại hợp đồng EPC của dự án giữa chủ đầu tư và nhà thầu là Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) là nguyên nhân chính dẫn đến dự án bị kéo dài làm gia tăng tổng mức đầu tư và khó khăn trong thu xếp nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án.
Tương tự, dự án Nhà máy đầu tư sản xuất Xơ sợi polyester Đình Vũ vướng mắc, tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu EPC vẫn chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến chưa quyết toán được dự án.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bình luận, chuyện các dự án ở Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận bị chậm tiến độ, đội vốn không phải là mới. Nhà thầu Trung Quốc rất khôn khi đưa vào những thiết bị lạc hậu, tìm cách kéo dài tiến độ dự án, chưa kể những góc khuất đằng sau của nhóm lợi ích.
Bên cạnh đó, tổng thầu EPC Trung Quốc thường chọn việc nào dễ làm trước, việc khó để lại, đến khi chậm rồi đặt điều kiện này kia. Thậm chí họ chỉ cung cấp thiết bị đơn giản cho các nhà thầu phụ Việt Nam lắp đặt, còn những thiết bị chính thì họ không bàn giao.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đánh giá, các dự án do Trung Quốc làm chất lượng thiết bị không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế. Nhà thầu Trung Quốc thường xuyên thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thay đổi hoặc bổ sung nhà cung cấp do đó, giá hợp đồng bị đội lên
Từng nói về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ, không thể nói nhà thầu Trung Quốc ở đâu cũng làm ẩu. Ẩu là do mình cho phép ẩu, mình có sai sót, mình kém. Bởi vì, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có "món võ truyền thống" là đút lót và mua chuộc bằng tiền, quà cáp. Nếu chúng ta nghiêm túc và có trình độ chuyên môn cao, có sự giám sát chặt chẽ, có lẽ họ đã không làm được như vậy. Theo ông Doanh, cùng là nhà thầu Trung Quốc nhưng nếu ở châu Âu, ở Mỹ sẽ rất khác ở Việt Nam.
Trong khi, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, thứ nhất, gọi thầu, xét thầu, rồi lựa chọn nhà thầu là doanh nghiệp Trung Quốc mà chưa hẳn có khả năng về công nghệ hoặc ít kinh nghiệm. Thứ hai, do không có tiền nên đi vay mượn Trung Quốc rồi bị lệ thuộc vào yêu cầu của bên cho vay vốn nên không có thế để yêu cầu doanh nghiệp họ làm cho đúng. Thứ ba, do cung cách quản lý, giám sát của chúng ta còn nhiều lỗ hổng.
Trong quá trình thi công 13 dự án nghìn tỷ thua lỗ thuộc Bộ Công Thương, hầu hết các gói thầu EPC đều có phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Nhiều dự án mặc dù đã kết thúc nhưng vẫn chưa thanh lý được hợp đồng, quyết toán dự án.