Tại Việt Nam, dự báo tỷ lệ thanh niên thất nghiệp sẽ tăng lên mức 10,8% và 13,2% trong năm 2020, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong 3 tháng hay 6 tháng.
Bên cạnh các kỹ năng mềm được đánh giá cao, các nhà tuyển dụng hiện nay cũng tìm kiếm các ứng viên sở hữu khả năng làm việc linh hoạt, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế, khoảng 305 triệu việc làm toàn thời gian trên thế giới đã biến mất kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, chủ yếu trong các ngành sản xuất, hàng không, bán lẻ. Trong đó, những người trẻ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
Báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Phát triển châu Á cũng dự báo thanh niên (người trong độ tuổi 15 - 24) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với người lớn trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và sẽ chịu chi phí kinh tế, xã hội cao hơn trong dài hạn.
Tại Việt Nam, dự báo tỷ lệ thanh niên thất nghiệp sẽ tăng lên mức 10,8% và 13,2% trong năm 2020, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong 3 tháng hay 6 tháng.
Tuy nhiên, những điểm sáng cũng đang dần xuất hiện. Đơn cử tại Mỹ, các doanh nghiệp đã tạo ra khoảng 1,8 triệu việc làm trong tháng 7 dù tốc độ chậm hơn hay các doanh nghiệp Trung Quốc cũng gia tăng tuyển dụng. Chi tiêu bán lẻ tăng trưởng tại khu vực đồng Euro cũng có thể tạo ra nhiều việc làm hơn trong thời gian tới.
Mạng xã hội tuyển dụng hàng đầu LinkedIn phân tích dữ liệu và cho biết một số kỹ năng được các nhà tuyển dụng mong muốn tìm kiếm nhất, trong đó kỹ năng mềm được đánh giá cao nhất. Kết quả này cũng cho thấy điều tương tự với các nghiên cứu trước đó được thực hiện bởi Deloitte hay Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Kỹ năng đầu tiên nằm trong danh sách mong muốn của nhiều nhà tuyển dụng là kỹ năng giao tiếp. Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã tăng cường việc sử dụng các phần mềm làm việc từ xa, từ đó gia tăng nhu cầu về giọng nói và biểu đạt phù hợp. Điều này không chỉ đúng với nhân viên mà còn đúng với cả những người sử dụng lao động, WEF đưa thông tin trong bài viết mới đây.
LinkedIn cho biết ngoài các tín hiệu về lời nói, các nhà tuyển dụng còn tìm kiếm "ngôn ngữ kỹ thuật số", có nghĩa là ứng viên liệu có đang tạo ra ấn tượng phù hợp với giọng điệu được thể hiện qua email và tin nhắn.
Kỹ năng cần thiết thứ hai là giải quyết vấn đề. Không chỉ đơn giản là bài tập xây dựng đội nhóm như dựng lên một cây cầu nhờ cốc xốp và đoạn dây, giải quyết vấn đề nằm ở khả năng xác định một nhiệm vụ, chia nhỏ thành các phần và xử lý chúng cũng như gắn chặt với nhiệm vụ và thực hiện các nghiên cứu liên quan.
Các kỹ năng khác được giới tuyển dụng tìm kiếm nhiều tiếp theo là kỹ năng phân tích, khả năng lãnh đạo – bao gồm việc có thể lập được danh sách rõ ràng các vấn đề ưu tiên theo thứ tự, đưa ra sự lựa chọn duy nhất trong các tình huống.
Điều này càng trở nên cần thiết hơn trong bối cảnh các doanh nghiệp trên khắp thế giới phải đối mặt và đưa ra những lựa chọn khó khăn, từ lập ngân sách đến thay đổi số lượng nhân viên, dưới sức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search Việt Nam, các nhà tuyển dụng tại Việt Nam thời gian qua đã gia tăng yêu cầu đối với một số kỹ năng ở các ứng viên trong thời kỳ mới.
Bên cạnh các chỉ số IQ, EQ cùng kinh nghiệm liên quan, những người sử dụng lao động mong muốn nhân viên hiện nay có khả năng ứng dụng, vận dụng công nghệ để từ đó gia tăng hiệu quả công việc và có động lực làm việc phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp.
Nhu cầu có được các kỹ năng mới và vấn đề làm việc linh hoạt đã nổi lên trong đại dịch. Theo khảo sát của Adecco Việt Nam mới đây, 7/10 nhà lãnh đạo nhân sự cho biết giải quyết vấn đề và tính tự giác là hai kỹ năng mới được tìm kiếm ở các ứng viên tương lai. Hơn nữa, các tập đoàn lớn cũng đánh giá rất cao những nhân tài với khả năng lãnh đạo thông qua chuyển đổi kỹ thuật số.
Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc văn phòng Hà Nội của Adecco Việt Nam, cho biết những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải trong thời gian Covid-19 là tính tự giác và giao tiếp khi làm việc từ xa, cũng như những thay đổi chưa từng có trong kế hoạch kinh doanh và quy trình công việc.
Phản ứng nhanh của doanh nghiệp về đào tạo và cung cấp các phần mềm, thiết bị kỹ thuật số sẽ đảm bảo người lao động khả năng quản lý công việc từ xa trong đợt bùng phát thứ hai của đại dịch này.