Ô tô - Xe máy

Những lưu ý quan trọng khi “độ xe" cuối năm

Thanh Trà 04/01/2025 12:11

Cuối năm, nhu cầu "độ xe" tăng cao, nhưng không phải phụ kiện nào cũng cần thiết, có thể gây rủi ro an toàn và vi phạm pháp luật.

Ốp phụ kiện crôm bóng bên ngoài

Việc lắp đặt các phụ kiện mạ crôm như ốp tay nắm, hõm cửa, bệ bước chân hay viền đèn pha đang trở thành xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, lớp crôm này lại dễ bám bụi bẩn, nếu không được vệ sinh đúng cách, có thể gây ảnh hưởng xấu đến lớp sơn xe. Đặc biệt, trong trường hợp va chạm, các cạnh sắc của phụ kiện còn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm nghiêm trọng.

op-tay-nam-xe-fortuner-1536055333.11117.jpg
Phụ kiện mạ crôm tuy đẹp nhưng lại rất nhanh xuống cấp theo thời gian. (Ảnh minh họa)

Ông Lê Văn Tuấn, chủ một trung tâm chăm sóc xe tại Hà Đông (Hà Nội), khuyến cáo người dùng cần cân nhắc kỹ trước khi lắp đặt các loại phụ kiện trang trí hay bảo vệ xe. Ông chia sẻ: "Những món đồ giá rẻ tưởng như làm đẹp cho xe, nhưng thực chất có thể gây hại nhiều hơn lợi. Ban đầu chúng có thể trông bắt mắt, nhưng rất nhanh xuống cấp do sử dụng vật liệu kém chất lượng. Nhiều phụ kiện thậm chí chỉ là chiêu trò của các cửa hàng nhằm "moi tiền" khách hàng, mà không mang lại bất kỳ tác dụng bảo vệ nào cho xe".

Thay màu đèn pha và đèn sương mù

Việc thay đổi màu sắc đèn xe để tạo điểm nhấn hoặc cải thiện tầm nhìn là một hiểu lầm khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu màu đèn không đạt chuẩn, chùm sáng có thể bị lệch, làm giảm hiệu quả chiếu sáng và gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Theo Khoản 13 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi này có thể bị phạt từ 800.000 đến 1.000.000 VNĐ, đồng thời tài xế có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

do-den-xe-o-to-1.jpg
"Độ" đèn xe có thể gây nguy hiểm khi tham gia giao thông và không đạt chuẩn khi đăng kiểm. (Ảnh minh họa)

Chất lượng đèn xe cần được chú ý, theo các lãnh đạo đơn vị đăng kiểm, quy định cũ chỉ kiểm tra chỉ số ánh sáng để xe vượt kiểm tra. Tuy nhiên, theo Thông tư 43/2023, chủ xe phải xuất trình giấy công bố hợp quy hoặc tem chứng nhận hợp quy khi thay đổi cụm đèn chiếu sáng, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và không ảnh hưởng giao thông.

Gioăng cao su viền cửa

Lắp gioăng cao su với mục đích cải thiện cách âm và chống bụi là giải pháp mà nhiều người kỳ vọng, nhưng thực tế hiệu quả lại không như mong đợi. Thậm chí, việc này có thể làm cản trở đường thoát nước của xe, dẫn đến nguy cơ rỉ sét hoặc ố vàng theo thời gian.

gioang-chong-on-1142.jpeg
Đây là bộ phận được nhiều người khuyên không nên lắp đặt sau khi đã trải nghiệm. (Ảnh minh họa)

Trong một bài viết trên diễn đàn Otofun, vấn đề lắp gioăng cao su đã thu hút nhiều ý kiến từ người dùng. Hầu hết đều cho rằng phụ kiện này chỉ mang tính "vô thưởng vô phạt", không giải quyết được các vấn đề như tiếng ồn và bụi bẩn. Một số người còn nhận thấy việc lắp gioăng khiến cửa xe khó đóng hơn, phải dùng lực mạnh hơn, dẫn đến trải nghiệm bất tiện. Nhiều chủ xe, sau một thời gian sử dụng, đã quyết định tháo bỏ vì không thấy hiệu quả như mong muốn.

Thay chốt dây đai an toàn

Một số người thay chốt dây đai an toàn để tránh âm thanh cảnh báo, nhưng hành động này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đặt tính mạng vào nguy hiểm khi xảy ra tai nạn. Theo Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA), dây đai an toàn có thể giảm tới 50% thương vong trong các vụ tai nạn nghiêm trọng. Tại Việt Nam, Chính phủ đã quy định bắt buộc việc thắt dây đai an toàn đối với cả người điều khiển và hành khách. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tài xế không thắt dây đai hoặc chở người không thắt dây sẽ bị phạt từ 800.000 đến 1.000.000 đồng, trong khi hành khách vi phạm bị phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng.

chot-an-toan-gia-123002.jpg
Việc thay thế chốt dây đai an toàn là hành động cực kỳ nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Việc thay thế chốt dây đai an toàn không chỉ làm mất đi một thiết bị bảo vệ quan trọng mà còn gây ra nguy cơ lớn cho cả tài xế lẫn hành khách, vì vậy đây là hành động cần được tránh tuyệt đối.

Đệm hơi cho ghế sau

Phụ kiện đệm hơi thường được sử dụng để tăng sự thoải mái trong các chuyến đi dài, đặc biệt là vào các dịp lễ Tết. Tuy nhiên, người ngồi trên đệm hơi thường bỏ qua việc thắt dây đai an toàn, điều này có thể gây ra những chấn thương nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ.

24a50ee291cd1fe0a5148573c8c96dd9.jpg
Đệm hơi phía sau chỉ nên sử dụng khi xe đã dừng hẳn. (Ảnh minh họa)

Anh Lê Đắc Đại, cựu kỹ thuật viên của Subaru Việt Nam, cho biết: "Đệm hơi lắp cho ô tô chỉ nên sử dụng khi xe đã dừng hẳn, giúp hành khách nghỉ ngơi trong các chuyến hành trình dài hoặc khi dừng chân dã ngoại. Nếu sử dụng khi xe đang di chuyển, người ngồi trên đệm hơi sẽ không được cố định bởi dây đai an toàn, khiến họ gặp nguy hiểm nếu xe phải phanh gấp hoặc chuyển làn đột ngột".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những lưu ý quan trọng khi “độ xe" cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO