Những lý do khiến startup thất bại ngay từ vòng “gọi vốn”

Theo TBCKVN 01/09/2019 04:31

Không phải startup cứ có ý tưởng hay, độc, lạ thì sẽ chắc chắn gọi được vốn. Đối với nhà đầu tư, để xuống tiền ý tưởng đó phải khả thi trong thực tế và mang lại lợi nhuận rõ ràng.

Những lý do khiến startup thất bại ngay từ vòng “gọi vốn”

Những lý do khiến startup thất bại ngay từ vòng “gọi vốn”

Trong chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) đã có nhiều startup bị thất bại ngay từ vòng “gọi vốn”. Vậy lý do nằm ở đâu?

Dưới đây là một số trường hợp, lý do cụ thể bị thất bại khi gọi vốn tại “thương vụ bạc tỷ”:

Chưa hiểu rõ thị trường và ước mơ còn nhỏ bé

Hai bạn trẻ Huy Hào và Hồng Mức mang đến Shark Tank Việt Nam sản phẩm đất sạch hữu cơ của công ty Inos Nguyễn Phan. Sản phẩm của 2 bạn trẻ đến từ Cà Mau được chế biến từ bùn thải của các công ty chế biến thủy sản. Loại đất này có thể dùng để trồng cây trực tiếp luôn, không cần bổ sung phân bón, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Khi Shark Hưng hỏi về kế hoạch mở rộng phát triển sản phẩm và đưa ra ví dụ công ty Nhật đang làm phân bón cho cây cảnh từ cá, các Founder cho biết đây cũng là điều mong ước của các bạn. Tuy nhiên, so với năng lực hiện tại, thì đó là điều quá sức.

Shark Vương rất thích sản phẩm này và đánh giá cao vì những tác động tích cực đến môi trường. Tuy nhiên ông quyết định không rót vốn và đưa ra lời khuyên đối với 2 bạn trẻ: Phải tìm hiểu quy mô thị trường. Khi biết thị trường có kích cỡ bao nhiêu thì các Shark mới đầu tư được.

Còn Shark Hưng cho rằng 2 nhà sáng lập chưa đủ tầm nhìn, chưa có ước mơ đủ lớn. “Khi ước mơ bé, các bạn đó ngồi đã chật rồi nên chúng tôi không còn chỗ”, Phó Chủ tịch CEN Group chia sẻ.

Giữa các nhà đồng sáng lập có vấn đề

HappyTrees – công ty với nhiều sản phẩm nổi bật như dâu tây Đà Lạt, cà chua thân gỗ Tamarillo, Air Bonsai, và đặc biệt là cà trái cây - gây ấn tượng với các Shark ngay ở phần đầu của buổi gọi vốn.

Từ chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất đến tâm huyết của nhà đồng sáng lập đều được các nhà đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên, qua phần trả lời câu hỏi của các Shark, start-up này lại bộc lộ một vấn đề khá nghiêm trọng – đó là không hạch toán rõ ràng tài sản của công ty, bản thân nhà đồng sáng lập cũng không biết rõ mình đang nắm giữ bao nhiêu cổ phần.

“Hai người đang có một cái gì đó mà chúng ta không biết. Lý do chính một công ty khởi nghiệp không thành công là vấn đề giữa những người đồng sáng lập”, Shark Linh bình luận và quyết định không đầu tư cho HappyTrees.

Lơ mơ về tài chính, lời lãi không cụ thể

Trong tập đầu tiên của Shark Tank Việt Nam, Ekid Studio – công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực đồ chơi thông minh xuất hiện với mong muốn gọi vốn 5 triệu USD cho 25% cổ phần.

Người sáng lập start-up này cho biết trong 1 năm hoạt động Ekid đã bán được 20.000 sản phẩm ra thị trường Việt Nam với doanh thu 300.000 USD. Anh cũng tiết lộ việc kinh doanh đang có lãi nhưng không thể chia sẻ cụ thể với các nhà đầu tư được.

Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch Sunhouse cho rằng, “Không ai làm về tài chính mà không tính được lỗ lãi. Thông số tài chính vô cùng quan trọng để ra quyết định. Nếu thất bại thì nhà đầu tư có cơ sở gì thu lại vốn”.

Dù rất thích ekip của Ekid Studio, ông Phú vẫn quyết định không đầu tư. Tương tự, Shark Thái Vân Linh - Giám đốc vận hành & chiến lược Quỹ đầu tư VinaCapital chia sẻ, với một người có kinh nghiệm kinh doanh như Founder của Ekid, không thể không rõ về những con số tài chính.

Trên thực tế, đây cũng là điểm yếu của rất nhiều dự án khi đến gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam.

“Một số start-up hay chú ý về sản phẩm và marketing nhưng khi nói về con số tài chính lại rất lơ mơ. Lỗ lãi các em không nhớ nhưng lại đang định giá công ty lên đến 75 tỷ đồng. Các em phải hệ thống hóa lại hệ thống kế toán, 'ngon lành' rồi mới mời công ty tư vấn vào định giá được", Shark Trần Anh Vương – CEO Sam Holdings nói về lý do ông không đầu tư cho hệ thống đậu nành chuẩn hữu cơ Soya Garden.

Định giá công ty quá cao

Bên cạnh việc không tiết lộ lợi nhuận, Ekid Studio cũng thất bại trong việc gọi vốn bởi định giá công ty quá cao. Shark Phú cho rằng nếu số tiền gọi vốn của start-up này là 1 triệu USD thì mọi chuyện đơn giản hơn nhiều.

Trong khi đó Shark Linh thẳng thắn đưa ra nhận xét, “Em đã đưa ra một giá trị công ty quá đáng để không thể đầu tư. Em chỉ muốn lên chương trình để thấy được em phát sóng. Vì vậy, chị thấy em đang phí thời gian của chúng ta”.

Tương tự, start-up Adam Muzic của Đoàn Nhược Quý cũng bị các Shark từ chối vì định giá công ty quá phi lý. Start-up này kiếm tiền từ hoạt động giảng dạy và sản xuất các sản phẩm âm nhạc nhằm mục đích quảng bá cho các doanh nghiệp. Trong nửa đầu năm, Adam Muzic thu được 500 triệu đồng, tức chưa đầy 100 triệu mỗi tháng. Tuy nhiên, công ty mạnh dạn gọi vốn 7 tỷ đồng cho 5% cổ phần vì nghĩ rằng giá trị công ty vào khoảng 140 tỷ đồng.

Đưa ra lời khuyên về việc định giá công ty, Shark Lê Đăng Khoa nhấn mạnh, “Khi nói về giá trị tương lai của doanh nghiệp, trước tiên phải liên kết với giá trị hiện tại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những lý do khiến startup thất bại ngay từ vòng “gọi vốn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO