Những ngân hàng nào đang tài trợ vốn cho các dự án lớn tại Thủ Thiêm?

DƯƠNG THUỲ 20/12/2021 11:30

Vụ đấu giá 4 lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm - TP Hồ Chí Minh cao gấp 7 lần giá khởi điểm đang tạo tâm điểm nóng. Đây là khu vực đang có nhiều dự án lớn, được sự tài trợ của nhiều ngân hàng.

Thị trường địa ốc TP HCM sẽ lập mặt bằng giá mới sau vụ đấu giá đất kỷ lục?

4 khu đất được đấu giá có tổng diện tích hơn 30.000 m2, thuộc khu chức năng số 3 và số 4 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phường An Khánh, TP Thủ Đức. (Ảnh: Google Maps).

4 khu đất được đấu giá có tổng diện tích hơn 30.000 m2, thuộc khu chức năng số 3 và số 4 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phường An Khánh, TP Thủ Đức. (Ảnh: Google Maps).

Từ vụ đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm

Bốn lô đất có diện tích tổng cộng hơn 30.000 m2 ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM) được đấu giá thành công với mức cao gấp 7 lần giá khởi điểm. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng cho ngân sách TP HCM sắp có nguồn thu lớn, lên tới 37.350 tỉ đồng. Được biết 04 đơn vị là các doanh nghiệp tham gia vụ đấu giá này trong đó có thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Cụ thể và đáng chú ý, lô 3-12 rộng 10.000 m2 được Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trả đến 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần so với mức khởi điểm. Mức giá đất bình quân 2,45 tỷ đồng/m2 tạo ra kỷ lục mới về giá bất động tại Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Nhung - Đoàn Luật sư Hà Nội thì theo quy định pháp luật hiện nay, sau khi có kết quả trúng đấu giá đất, người trúng đấu giá phải thực hiện nghĩa vụ tài chính và làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với lô đất trúng đấu giá.

Theo quy chế cuộc đấu giá tài sản, với 4 lô đất được Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản TP HCM ban hành, 5 ngày sau khi đấu giá thành, người đấu giá phải ký hợp đồng mua bán tài sản đó. Sau thời hạn này, nếu người trúng đấu giá không thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán tài sản thì xem như từ chối kết quả đấu giá và mất tiền đặt trước (20% giá khởi điểm lô đất).

Nếu quá thời hạn 180 ngày kể từ khi ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất mà người trúng đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ tiền mua tài sản đấu giá thì bị coi là vi phạm hợp đồng. Khi đó, Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản TP HCM sẽ thông báo về việc không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá để Trung tâm Phát triển quỹ đất báo cáo Sở Tài nguyên - Môi trường trình UBND TP HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.

Có thể nói kết quả đấu giá nêu trên là thành công lớn của thành phố khi thu hút được nhiều doanh nghiệp tên tuổi tham dự, không chỉ doanh nghiệp bất động sản TP HCM mà các tập đoàn lớn ở phía Bắc cũng trúng đấu giá.

Sự "gặp gỡ" của ngân hàng và những dự án "đắt giá" 

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện Quận 1, TP HCM, có tổng diện tích 657 ha, được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của TP HCM với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố. Dự án được chia ra làm 8 phân khu chức năng riêng biệt. Trong đó phần lớn diện tích hai phân khu số 5 và 6 nằm ở trung tâm khu đô thị đã được Công ty Đại Quang Minh phát triển các khu biệt thự, liền kề và nhà ở kết hợp thương mại. 

Hợp tác chiến lược giữa Quốc Lộc Phát - SonKim Land và Vietcombank

Hợp tác chiến lược giữa Quốc Lộc Phát - Sơn Kim Land và Vietcombank. Ảnh: Sơn Kim Land

Các phân khu còn lại từ số 1 đến số 4, được chia làm nhiều lô đất, trong đó nhiều lô đã có chủ theo hình thức BT hoặc giao đất. Hiện phần lớn diện tích các khu này hiện nay vẫn là những bãi đất trống. Một dự án lớn cũng được triển khai hoàn thiện tại Thủ Thiêm là The Metropole Thủ Thiêm (Khu phức hợp Sóng Việt) của Quốc Lộc Phát hợp tác phát triển cùng Sơn Kim Land và nhà đầu tư Hồng Kông. Dự án này ngay từ khởi đầu, có sự tài trợ đồng hành của Vietcombank. 

Theo đó, Quốc Lộc Phát, Sơn Kim Land và Vietcombank đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược từ năm 2018 để phát triển dự án The Metropole Thủ Thiêm; Quốc Lộc Phát là chủ đầu tư, Sơn Kim Land là đơn vị phát triển dự án cùng Vietcombank là đơn vị tài trợ vốn đầu tư dự án và bảo lãnh thực hiện dự án, đồng thời là đơn vị tài trợ cho người mua nhà tại dự án.

Trên thị trường, Vietcombank là "ngôi sao cô đơn" trên đỉnh lợi nhuận trong gần 3 năm trở lại đây. Theo BCTC quý III/2021, Vietcombank tiếp tục giữ ngôi quán quân lợi nhuận ngân hàng với lãi trước thuế tăng 20% lên 19.300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh vượt 1%. 

Thu nhập lãi thuần 9 tháng qua cũng tăng 22%, thu từ dịch vụ tăng 40%, lãi thuần ngoại hối tăng 8%, lãi khác giảm nhẹ. Do đó, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank tăng trên 20% lên 41.840 tỷ.

Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng lần lượt 15% và 33% so với cùng kỳ, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 20%.

Tính đến hết tháng 9, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng tăng 11% so với đầu năm lên 936.340 tỷ, tiền gửi huy động chỉ tăng 7% đạt 1,08 triệu tỷ.

Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 0,62% hồi đầu năm lên 1,15%. Bên cạnh đó, nợ nghi ngờ (tuy chưa vào diện nợ xấu nhưng quá hạn từ 10 ngày đến dưới 90 ngày) cũng tăng mạnh 125% so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm về mức 240% nhưng vẫn thuộc top cao nhất hệ thống.

Ngoài ra, liên quan đến Quốc Lộc Phát, được biết, ngân hàng OCB của Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn cũng có mối quan hệ hợp tác cùng Quốc Lộc Phát và Sơn Kim Land. Điển hình là cuối năm 2019, OCB đã tham gia tài trợ 400 tỷ đồng cho Sơn Kim Land qua 2 đợt phát hành trái phiếu. Ngân hàng cũng nhận cầm cố thế chấp tài sản, cổ phiếu đảm bảo cho khoản vay của đối tác dự án. 

Đưa tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư ngoại tại OCB lên 30%

Báo cáo 9 tháng đầu năm cho thấy kết quả kinh doanh của OCB cho thấy, tính đến cuối quý III/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 167.596 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái; huy động vốn trên thị trường 1 đạt 119.702 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ; dư nợ cho vay trên thị trường 1 đạt 99.045 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ.

OCB cũng là một trong những ngân hàng có sự gắn bó với các dự án lớn trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm

OCB cũng là một trong những ngân hàng gắn bó với các dự án lớn trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: OCB

Hiện ngân hàng tập trung đẩy mạnh chất lượng tài sản hơn là quy mô, vì vậy, nhà băng này đã chủ động tận dụng nguồn vốn dài hạn chất lượng với chi phí vốn thấp hơn từ ủy thác đầu tư và phát hành giấy tờ có giá để hỗ trợ doanh nghiệp. Tổng doanh thu thuần của OCB trong quý III/2021 tiếp tục tăng khá mạnh 23,3% so với cùng kỳ, đạt 6.246 tỷ đồng, trong đó thu thuần từ lãi và thu thuần ngoài lãi đều tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.

Những yếu tố khả quan từ hoạt động kinh doanh giúp lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ tính đến cuối Quý III/2021.  Dù bị tác động bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tại OCB bị ảnh hưởng, nhưng ngân hàng vẫn kiểm soát tốt chất lượng tín dụng. Tỉ lệ nợ xấu  của OCB tiếp tục giảm từ mức 2,15% của cùng kỳ năm ngoái về chỉ còn 1,51%.

Gần đây, vẫn chỉ nói riêng với dự án Khu phức hợp Sóng Việt, những chuyển động đầu tư cũng đang tạo sóng. Trong đó, có nguồn tin cho biết Công ty Địa ốc Phúc Đạt (Phúc Đạt Land) vừa phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ là nhà đầu tư mới tham gia dự án. Loại trái phiếu Phúc Đạt Land phát hành có kỳ hạn 48 tháng, lãi suất áp dụng cho hai kỳ tính lãi (3 tháng/lần) đầu tiên là 6,3%/năm;  sử dụng để mua phần vốn góp tại Công ty TNHH Gateway Berkeley. Đây là công ty nắm giữ 99,9% vốn điều lệ của Công ty TNHH Đầu tư TTSV. Trong khi đó, TTSV hiện đang nắm giữ 78 triệu cổ phần của Quốc Lộc Phát. 

Theo đó cũng xuất hiện tên đơn vị thu xếp phát hành lô trái phiếu này là Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPBS) và Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) là bên nhận tài sản bảo đảm. Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu là quyền sử dụng đất của Công ty Quốc Lộc Phát có diện tích 11.369 m2 (tại lô đất số 1-17) thuộc dự án phát triển Khu phức hợp Sóng Việt trong Khu đô thị Thủ Thiêm.

Sóng Việt chỉ là một trong số những dự án lớn đình đám tại khu vực này có sự tham gia của các ngân hàng. Trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện còn hàng loạt dự án lớn gắn bó cùng tên tuổi các chủ đầu tư địa ốc lẫn tên tuổi các nhà băng như BIDV, VPBank hay ViettinBank… Trong đó, không thể không kể đến dự án Khu đô thị Sala của chủ đầu tư Đại Quang Minh, có sự đồng hành tài trợ nổi bật hàng nghìn tỷ đồng của BIDV.

Giới đầu tư kỳ vọng sau đợt đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm, nếu thực sự thành công theo nghĩa chủ đầu tư không... phút chót bỏ cọc (kỹ quỹ) và từ chối không nộp nghĩa vụ để hoàn tất trúng thầu, sẽ còn có nhiều dự án "ngoài tưởng tượng" - chỉ mới tính theo mức giá đấu thầu, xuất hiện tại đây. Theo đó, tất nhiên không thể thiếu sự đồng hành tài trợ của các ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch HĐQT OCB nhận giải Doanh nhân xuất sắc châu Á 2021

    Chủ tịch HĐQT OCB nhận giải Doanh nhân xuất sắc châu Á 2021

    10:24, 01/12/2021

  • Vietcombank chia cổ tức bằng tiền 12% vào đầu năm 2022

    Vietcombank chia cổ tức bằng tiền 12% vào đầu năm 2022

    10:55, 15/12/2021

  • BIDV trình kế hoạch phát hành tối đa 1.037 tỷ cổ phiếu trả cổ tức

    BIDV trình kế hoạch phát hành tối đa 1.037 tỷ cổ phiếu trả cổ tức

    16:17, 06/12/2021

  • Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm: Mục tiêu bình ổn thị trường nhà ở bị đe dọa

    Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm: Mục tiêu bình ổn thị trường nhà ở bị đe dọa

    20:42, 14/12/2021

  • Thấy gì từ cuộc đấu giá đất “vô tiền khoáng hậu” tại Thủ Thiêm?

    Thấy gì từ cuộc đấu giá đất “vô tiền khoáng hậu” tại Thủ Thiêm?

    10:00, 12/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những ngân hàng nào đang tài trợ vốn cho các dự án lớn tại Thủ Thiêm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO