Theo quan điểm phong thuỷ, những núi, đồi cao thường là nơi hội tụ linh khí, hấp thụ được nhiều năng lượng từ đất trời.
Các ngôi chùa được xây trên núi cao càng được xem là điểm hội tụ khí thiêng. Bởi vậy, rất nhiều nhiều người chọn đi lễ đầu năm tại các ngôi chùa trên đỉnh núi để đón nhận linh khí và vận may trong năm mới.
Fansipan, Lào Cai
Được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, và là một huyệt đạo thiêng của nước Việt, đỉnh Fansipan được nhiều người lựa chọn đến vào dịp đầu xuân tại miền Bắc để gửi gắm nguyện ước tại nơi đỉnh trời. Tại đây, du khách sẽ chiêm bái Đại tượng Phật A Di Đà lớn bậc nhất Đông Nam Á cùng quần thể các ngôi chùa linh thiêng, nhận thẻ bình an và gieo quẻ đầu năm như một cách đón chờ những món quà may mắn của năm mới.
Không chỉ đón nhận năng lượng từ đất trời tại ngọn núi hùng vĩ này, du khách còn được tham dự nghi thức “Mở Cổng Trời” tại Thanh Vân Đắc Lộ vào ngày đẹp 31/01/2025 (Mùng 3 Tết). Nhiều người tin rằng lễ hội là thời khắc đầu tiên trong năm mới để đón lộc xuân, sức khoẻ và tài lộc.
Dịp lễ hội này, du khách cũng sẽ được hoà vào những trải nghiệm Tết vùng cao vô cùng độc đáo và đa dạng tại Fansipan, và hoà vào phiên chợ vùng cao náo nhiệt tại Bản Mây dưới chân núi.
Núi Bà Đen, Tây Ninh
Nếu như ở Bắc bộ, các huyệt đạo thiêng như Fansipan (Sa Pa), núi Nưa (Thanh Hoá) hay núi Đá Chông (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) được rất nhiều người dân lựa chọn để đi xin lộc đầu năm, thì tại Nam bộ, núi Bà Đen có độ cao 986m được xem là ngọn núi hội tụ linh khí đất trời và linh thiêng bậc nhất. Điểm đến tâm linh này được xem là sánh ngang với các thánh địa Phật giáo trên thế giới khi vào tháng 5/2025, hàng nghìn đại biểu từ hơn 80 quốc gia trên thế giới sẽ đến chiêm bái và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa trong dịp đại lễ Vesak 2025.
Vào những ngày đầu xuân năm mới, mỗi ngày ngọn núi cao nhất Nam bộ đón hàng chục đến hàng trăm ngàn lượt khách đến hành hương tại chùa Bà gắn liền với Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen) – một huyền thoại về sự linh thiêng, cứu độ chúng sinh. Cũng tại đây, du khách chiêm bái các công trình tâm linh kỳ vĩ trên đỉnh núi như tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á- hiện thân của lòng từ bi, hay tượng Di Lặc Bồ Tát lớn hàng đầu thế giới tượng trưng cho hạnh hỉ xả và niềm vui trong những ngày đầu năm.
Bà Nà, Đà Nẵng
Đỉnh núi Bà Nà ở độ cao 1.487m so với mực nước biển được xem là nơi đón nhận được rất nhiều nhiều năng lượng đất trời và là ngọn núi linh thiêng bậc nhất tại khu vực Trung bộ.
Tọa lạc trên đỉnh núi Chúa là một quần thể các công trình tâm linh linh thiêng. Nằm trên đỉnh cao nhất của Bà Nà, đền Lĩnh Chúa Linh là nơi tôn thờ Bà Chúa linh thiêng của cả vùng núi. Trong tâm thức của người dân Đà Nẵng, Mẫu Thượng Ngàn là một biểu tượng linh thiêng luôn sẵn sàng che chở, phù hộ và ban phước lành cho người dân bao đời nay.
Bên cạnh đó, chùa Linh Ứng tại đỉnh Bà Nà cũng được rất nhiều người lựa chọn đến dịp đầu xuân bởi sự linh thiêng. Cùng với kiến trúc Việt cổ đặc sắc, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tọa trên đài sen uy nghi, tráng lệ mang đến không gian trang nghiêm và thanh tịnh cho ngôi chùa. Đây là nơi để người dân thường tìm đến để cân bằng thân, tâm, trí cũng như đón nhận không khí trong lành trong những ngày đầu xuân.
Đồi Ba Đèo, Hạ Long
Quảng Ninh cũng là một địa chỉ được rất nhiều người lựa chọn đi lễ trong dịp Tết với nhiều điểm đến tâm linh nổi tiếng như Yên Tử, đền Cửa Ông, chùa Cái Bầu… Tại Hạ Long, Bảo Hải Linh Sơn Tự trên đồi Ba Đèo gần đây là một điểm đến được đặc biệt yêu thích bởi khí hậu trong lành, khung cảnh hùng vĩ và không gian thanh tịnh, đúng như tên gọi mang ý nghĩa “ngôi chùa linh thiêng nằm giữa đồi thông xanh mát”.
Bảo Hải Linh Thông Tự cũng là quần thể tâm linh đầu tiên tại Việt Nam sở hữu hệ thống tượng đồng hết sức quy mô. Toàn bộ 66 pho tượng đồng tại đây đều được tạo tác theo nguyên mẫu thờ tại các chùa cổ Việt Nam ở Bắc Bộ.
Dịp Tết năm nay, du khách đến đây sẽ tìm thấy sự an yên với những trải nghiệm như xóc quẻ, thưởng trà, xin chữ thư pháp… Đặc biệt ngày Mùng 5 Tết, không khí hội xuân sẽ được tổ chức rộn rã tại đây với các trải nghiệm tâm linh độc đáo như giao lưu văn hoá Phật pháp, ăn chánh niệm, thiền buông thư, thiền chuông xoay, thiền hoa đăng cầu may…
Long Đọi Sơn, Hà Nam
Cách Hà Nội hơn một tiếng chạy xe, Hà Nam nổi tiếng với rất nhiều ngôi chùa cổ mang vẻ đẹp thanh bình, an yên. Điểm đến tâm linh nổi tiếng bậc nhất phải nhắc đến chùa Long Đọi Sơn có tuổi đời gần 1.000 năm, toạ lạc trên đỉnh núi Đọi Sơn. Theo sử sách ghi lại, giữa địa hình đồng bằng của xã Đọi Sơn, có một ngọn núi nhìn từ xa trông giống một con rồng lớn hướng về phía kinh thành Thăng Long nên được gọi là Long Đọi Sơn.
Từ xa xưa tín ngưỡng dân gian đã coi Đọi Sơn là ngọn núi thiêng, và thuyết phong thủy nói rằng nơi đây đất phát nghiệp bá vương. Bởi vậy, rất nhiều người đến Long Đọi Sơn vào dịp đầu xuân để gửi gắm ước nguyện về may mắn, tài lộc và công danh trong năm mới. Trong dịp Tết, lễ hội truyền thống chùa Long Đọi Sơn được tổ chức quy mô cũng là thời điểm để nhân dân hoà vào không khí linh thiêng và nhiều trải nghiệm văn hoá tâm linh độc đáo.