Trong số rất nhiều nữ doanh nhân tuổi Tuất, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, bà Thái Hương, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên là những nữ doanh nhân lừng lẫy trên thương thường Việt.
Người tuổi Tuất là những người sinh vào các năm 1922, 1934, 1946, 1958, 1970, 1982, 1994, 2006.
Những người sinh năm Tuất được miêu tả là có tính cách thẳng thắn, thành thực, lanh lợi, khiêm tốn chất phác, trong sáng lương thiện, phân biệt rõ phải trái, phán xét công minh. Họ hào hiệp, chuộng nghĩa khí, biết cách đối nhân xử thế, trung thực với bạn bè. Họ thẳng thắn trong lời nói và việc làm, trực giác sáng suốt, làm việc tinh tế, có thể nhìn nhận cuộc đời một cách lý trí.
Họ làm việc chăm chỉ, cẩn thận nên có thể thu được thành tích. Quan điểm của họ vững vàng, họ không dễ nghe theo ý kiến của người khác.
Chính vì sở hữu những phẩm chất như vậy nên họ cũng là những người dễ thành công trong sự nghiệp. Dưới đây là một số nữ doanh nhân nổi tiếng và giàu có tại Việt Nam hiện tại.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (1970 – Canh Tuất)
Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ doanh nhân, tỷ phú nắm giữ cương vị là tổng giám đốc của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank.
Bà là doanh nhân Việt Nam thứ 2 được Forbes ghi nhận là tỉ phú USD, sau ông Phạm Nhật Vượng, và là nữ tỷ phú đô la đầu tiên, duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á theo xếp hạng của Forbes. Năm 2017, CEO của Vietjet lọt top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí danh tiếng kể trên.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người rất kín tiếng và chỉ "nổi tiếng bất đắc dĩ" khi đầu tư vào hàng không và trở thành "hiện tượng" với sự thành công vượt bậc và những bước tiến thần kỳ.
Là hãng hàng không tư nhân đầu tiên được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, năm 2012 Vietjet bắt đầu bay thương mại sau 5 năm chuẩn bị.
Vietjet Air dưới sự chèo lái của nữ tỷ phú ngày càng đạt được lợi nhuận kinh doanh khổng lồ. Theo báo cáo tài chính năm 2017 mới được công bố, doanh thu thuần đạt gần 42.258 tỷ đồng (tăng 53,7% so với năm 2016) và vượt 0,6% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.755 tỷ đồng (tăng 75,9% so với năm 2016), vượt 26% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 4.527 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 10.065 đồng.
Nhờ việc tăng thêm 17, Vietjet đã mở thêm 22 đường bay mới (có 21 đường bay quốc tế), nâng tổng số đường bay khai thác lên 82 đường (gồm 38 đường bay quốc nội và 44 đường bay quốc tế).
Năm 2017, Vietjet vận chuyển hơn 17,11 triệu hành khách. Doanh thu vận chuyển hàng không đạt 22.577 tỷ đồng (tăng 41,8% so với năm 2016), vượt 4,6% kế hoạch năm.
Ngoài thành công trong lĩnh vực hàng không, bà Thảo còn đạt được nhiều lính vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán…
Bà Thái Hương (1958 – Mậu Tuất)
Bà Thái Hương vốn là “người Nhà nước”. Năm 1990, khi đang làm cán bộ vật tư, bà Hương quyết định nghỉ việc và ra làm riêng để từ đó dấn thân vào lĩnh vực ngân hàng và sản xuất sữa.
Tiên phong trong cuộc cách mạng làm sữa tươi, sữa sạch, bà được mệnh danh là “người đàn bà sữa” quyền lực của Việt Nam. Năm 2008, dự án TH True milk khởi động và chỉ hai năm sau đó đã tạo nên sự thay đổi hoàn toàn trong ngành công nghiệp sữa Việt Nam.
Hiện bà là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vì tầm vóc Việt, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để đáp ứng quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bà cho biết sẽ rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH sau 10 năm gắn bó để điều hành BacA Bank trên cương vị Tổng giám đốc ngân hàng này.
Bà Thái Hương liên tiếp được tạp chí Forbes bình chọn Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á năm 2015, 2016; Top 20 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2016 và Top 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017.
Tuy nhiên, bà từng chia sẻ trên báo chí rằng: “Tôi không muốn người ta gọi mình là người phụ nữ quyền lực. Tôi chỉ muốn là một người phụ nữ của gia đình, nhưng số mệnh buộc tôi phải trở thành một doanh nhân mạnh mẽ”.
Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên (1970 – Canh Tuất)
Bà Thuỷ Tiên từng là nữ diễn viên vang bóng một thời của thập niên 90 trong phim “Vị đắng tình yêu” – bộ phim đoạt giải Bông sen Vàng của liên hoan phim Việt Nam 1993. Tuy nhiên, sau đó, bà bất ngờ từ bỏ màn ảnh để trở thành một tiếp viên hàng không, cơ duyên giúp bà gặp ông Jonathan Hạnh Nguyễn, người chồng của bà hiện nay.
Bà tham gia kinh doanh cùng chồng với việc điều hành hàng loạt siêu thị rồi nhận quản lý 25 công ty gắn liền với việc độc quyền phân phối các thương hiệu thời trang cao cấp của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), doanh thu hàng năm lên tới 500 triệu USD.
Đóng góp của bà được Forbes ghi nhận khi bình chọn là một trong những doanh nhân nữ đáng chú ý nhất của thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam.
Sau khi lấy ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bà Thủy Tiên bỏ nghề tiếp viên hàng không, bước vào nghiệp kinh doanh. Đến nay, bà đang quản lý 25 công ty gắn liền với việc độc quyền phân phối các thương hiệu thời trang cao cấp, doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm triệu USD.