Những tài năng công nghệ đưa Việt Nam lên bản đồ khởi nghiệp thế giới

Theo South China Morning Post 08/02/2019 04:15

Nhiều doanh nhân trẻ người Việt hoặc gốc Việt đang mang tới sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực khởi nghiệp từ an ninh mạng đến học ngoại ngữ.

Lớn lên tại Việt Nam cùng với những chương trình truyền hình và phim Mỹ, Văn Đinh Hồng Vũ luôn mơ ước được sinh sống tại Mỹ. Chuyển đến California và học tại Đại học Stanford vào năm 2009, cô gần như bị bỏ lại phía sau bởi kỹ năng tiếng Anh, theo South China Morning Post (SCMP).

"Tôi phát biểu trong lớp, nhưng giáo sư gần như không hiểu tôi nói gì. Ngay cả khi tôi có những ý tưởng tốt, chúng cũng không nhận được sự quan tâm. Tôi đã mất khá nhiều tự tin vào những năm đó", Vũ nói. Những trải nghiệm ấy đã tạo cảm hứng cho cô tạo nên ứng dụng Trợ lý nói Tiếng Anh sau khi trở về Việt Nam.

Ra mắt thị trường từ năm 2015, Elsa ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo giúp những người học tiếng Anh cải thiện khả năng phát âm. Ứng dụng này sau đó huy động được 3,2 triệu USD từ Monk’s Hill Ventures - một công ty đầu tư khởi nghiệp tập trung vào các startup khu vực Đông Nam Á.

"Tôi đã thực hiện khảo sát và 90% số người được hỏi nói rằng họ cảm thấy lo về khả năng nói và không có giải pháp thực sự nào giúp họ giải quyết những thách thức này", Vũ nói. Theo cô ước tính, 1,5 tỷ người trên toàn cầu đang học tiếng Anh bất cứ lúc nào.

Văn Vũ - nhà sáng lập ứng dụng học tiếng Anh Elsa.

Văn Vũ - nhà sáng lập ứng dụng học tiếng Anh Elsa.

Giống như Vũ Văn, câu chuyện của người sáng lập startup người Mỹ gốc Việt Roy Nguyễn liên quan đến việc trở về quê hương để giải quyết các vấn đề thị trường mới nổi.

"Vào năm 2013, tôi đi khắp Việt Nam và chứng kiến nhiều người không có khả năng tiếp cận tài chính từ các tổ chức tài chính", anh nói. Tương tự , các nghệ nhân địa phương tài năng và các doanh nhân trẻ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về tiếp cận vốn".

Một năm sau, anh ra mắt Huy Dong, một dịch vụ fintech. Sau đó, startup này hợp tác với SparkLabs (một chương trình tăng tốc khởi nghiệp của Hàn Quốc) để đưa ra một sáng kiến khởi nghiệp do chính quyền địa phương điều hành.

Theo SCMP, khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam không bị tác động nhiều bởi khủng hoảng kinh tế, đạt mức tăng trưởng trung bình 6% và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việt Nam cũng được coi là một trong những nước có cơ cấu dân số trẻ đạt mức cao trên thế giới, độ tuổi dưới 35 chiếm 60% dân số. Những yếu tố này đưa Việt Nam trở thành một trong những môi trường khởi nghiệp sôi động trong khu vực và quốc tế.

Eddie Thai - Giám đốc quỹ đầu tư 500 Startups Việt Nam cho rằng Việt Nam là thị trường hấp dẫn so với các thị trường mới nổi khác.

"Ở các nước khác của Đông Nam Á như Malaysia và Singapore, hệ sinh thái khởi nghiệp đã hoàn thiện. Giờ đến lượt Việt Nam, nơi nổi lên nhờ nền kinh tế, nhân khẩu học và những tài năng trẻ", ông nói.

Chi phí bỏ ra cho kỹ sư công nghệ Việt thấp hơn 40% so với Trung Quốc và Ấn Độ. Với khoảng 250.000 kỹ sư, số lượng việc làm công nghệ tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong ba năm qua.

Theo ông, nhiều công ty khởi nghiệp mà quỹ này đầu tư mang tới giải pháp cho các vấn đề thị trường mới nổi của Việt Nam như Productify - nền tảng xây dựng các ứng dụng tài chính; Detexian - giải pháp cung cấp an ninh mạng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và Elsa - ứng dụng học tiếng Anh...

"Các công ty khởi nghiệp Việt Nam đặc biệt phù hợp để giải quyết các vấn đề của thị trường mới nổi", Eddie nói. Ông kỳ vọng sẽ thấy sự phát triển lớn trong các ngành fintech (công nghệ tài chính), thương mại điện tử, vận tải và logistics, giáo dục và chăm sóc sức khỏe trong vài năm tới.

Sự khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và Thung lũng Sillicon là quy mô của các công ty khởi nghiệp, theo Văn Vũ.

"Chúng tôi mới thành lập cách đây vài năm và không có nhiều công ty lớn đã vươn ra toàn cầu, cũng chưa có nhiều khoản đầu tư quốc tế như ở Thung lũng Silicon. Dù đang phát triển nhanh, chúng tôi vẫn còn trẻ và cần nhiều câu chuyện thành công hơn nữa để đưa đất nước lên bản đồ khởi nghiệp thế giới", Văn Vũ khẳng định.

Roy Nguyễn cho rằng, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đang cố gắng tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Tuy vậy, ông nhận định việc nhân rộng mô hình Thung lũng Silicon không phải là lựa chọn thực tế đối với Việt Nam.

"Nhìn chung, Việt Nam mang đến nhiều cơ hội, song cũng bộc lộ một số nhược điểm như văn hóa không thích rủi ro, độc quyền địa phương và hệ sinh thái khởi nghiệp bị phân tán", Roy cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những tài năng công nghệ đưa Việt Nam lên bản đồ khởi nghiệp thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO