Những thương hiệu truyền cảm hứng

BAN BIÊN TẬP 28/01/2020 00:00

Doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế vì doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu cho nền kinh tế, là động lực cạnh tranh sáng tạo để phát triển mạnh mẽ nhất...

Vingroup: Nâng trí tuệ trong sản phẩm của người Việt

Vẫn tiếp tục nuôi ước vọng trở thànhTập đoàn Công nghệ hàng đầu khu vực trong tương lai, Vingroup đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Trong lĩnh vực Thương mại dịch vụ, các thương hiệu như Vinhomes (bất động sản nhà ở), Vincom Retail (bất động sản bán lẻ), Vinpearl (du lịch – nghỉ dưỡng) được công nhận là những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam; Vinmec, VinSchool, VinUni... đang nỗ lực không ngừng để ghi dấu ấn trong ngành y tế và giáo dục. Vinpearl Air cũng cho thấy nỗ lực mở rộng hệ sinh thái các sản phẩm/dịch vụ của tập đoàn. Vingroup cũng đã ghi dấu ấn của mình trong mảng Công nghệ - Công nghiệp ở thị trường Việt Nam và nước ngoài vớihàng loạt sản phẩm được ra mắt:3 mẫu xe ô tô được giao đến tay khách hàng và 8 mẫu điện thoại thông minh Vsmart,5 mẫu smart tivi.

Viettel góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia chuyển đổi số

Theo công bố của Hiệp hội Di động Thế giới (GSMA), Viettel đang là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công công nghệ 5G. Như vậy, với kế hoạchthương mại hóa 5Gvào năm 2020, Viettel sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai 5G.

Brand Finance, công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại Anh, vừa chính thức công bố tổng giá trị thương hiệu của Top 50 Việt Nam năm 2019 đạt 18,9 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, xếp vị trí đầu tiên của Top 50 là Viettel. Thương hiệu này được định giá hơn 4,3 tỷ USD, tăng 20% (tương đương hơn 1,5 tỷ USD) so với năm 2018. Kế sau đó là VNPT, Vinamilk, VinHomes, Sabeco...

Ô tô Trường Hải: biến ước mơ xuất khẩu ôtô Việt thành sự thật

Những ngày cuối năm, lô xe buýt 15 chiếc mang thương hiệu thuần Việt Thaco Bus được xuất khẩu sang Philippines giúp thỏa giấc mơ người Việt có thể làm ra và đưa chiếc xe của mình ra thế giới.Hiện, THACO dẫn đầu thị trường ôtô Việt Nam với doanh số trên 90.000 xe/năm và thị phần trên 30%. THACO Chu Lai đã có tên trên bản đồ sản xuất, lắp ráp ôtô của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, được xem là Trung tâm liên kết Công nghiệp ôtô tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc tốp đầu trong khu vực ASEAN.

Những năm qua, THACO đã xuất khẩu nhiều sản phẩm linh kiện phụ tùng và cơ khí gồm: cản xe, dây điện, nhíp, sàn xe chuyên dụng, xe đẩy hành lý sân bay, áo ghế, két giàn nóng máy lạnh, linh kiện xe bus, linh kiện cơ khí nông nghiệp... sang các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia, Nga, Đức, Úc, Lào, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Kenya... với tổng giá trị xuất khẩu đến nay đạt 26 triệu USD.

Masan: đặt cược vào thị trường bán lẻ và thịt heo

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan khi nói về Masan Nutri-Science trước đây cho biết chiến lược theo đuổi chuỗi giá trị thịt được áp dụng kinh nghiệm từ ngành hàng nước mắm.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển , không chỉ dừng lại ở việc “chiếm trọn” căn bếp Việt, Masan có khát vọng lớn hơn, trở thành “Niềm tự hào Việt Nam” bằng cách đưa nông sản Việt vươn ra thị trường thế giới. Để thực hiện khát vọng này, Masan đã đầu tư nền tảng nông nghiệp công nghệ cao - xu hướng tối ưu nhất mà các cường quốc nông nghiệp trên thế giới đang áp dụng. Mới đây nhất là sáp nhập VinCommerce, VinEco là những bước đi quan trọng để Masan khẳng định tham vọng đưa nông sản Việt tham gia hệ thống cung ứng toàn cầu.

Tháng 3/2019, ông Nguyễn Đăng Quang là một trong 5 tỷ phú của Việt Nam lọt danh sách tỷ phú thế giới năm 2019 do Forbes bình chọn với tổng tài sản 1,3 tỉ USD, xếp hạng 1717.

FLC: Tạo thế chân kiềng trong ngành hàng không

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại một năm nhiều biến động nhưng cũng có nhiều dấu ấn bất ngờ. Top những người giàu nhất có sự trở lại của ông Trịnh Văn Quyết với sự ra mắt của Bamboo Airways và FLCHomes.

2019 là một năm bận rộn của ông Trịnh Văn Quyết khi Bamboo Airways chính thức cất cánh. Trong năm đầu tiên, BamBoo đã mở 34 đường bay nội địa và quốc tế, thực hiện gần 20 nghìn chuyến bay, phục vụ gần 3 triệu lượt hành khách với tỷ lệ đúng giờ trung bình 94%, cao nhất ngành hàng không Việt Nam.

FLCHomes mới ra mắt nhưng đã nắm 1 quỹ dự án lên đến con số 300. Mới đây, FLCHomes công bố lợi nhuận sau thuế 2019 đạt 216 tỷ đồng.

Trở lại với kim chỉ nam của Tập đoàn FLC, không chỉ trong thể thao, ví dụ như trong đầu tư bất động sản, tỉnh nào cứ đầm lầy, cát trắng sa mạc không ai làm thì FLC làm. “Những nơi nào khó khăn, không ai làm, tôi sẽ làm, đó là thương hiệu của FLC”, ông Quyết khẳng định.

Tập đoàn BRG: Thành phố thông minh hơn

Dự án Thành phố Thông minh là dự án có vốnđầu tư nước ngoài do liên danh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo Corpration (Nhật Bản) đầu tư phát triển với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD. Đây là một trong những dự ánbất động sảncó vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Dự án được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân – Nội Bài, chiều dài khoảng hơn 11km, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Toàn bộ dự án sẽ được triển khai theo 5 giai đoạn, giai đoạn cuối dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Theo ý tưởng quy hoạch của Công ty Tư vấn P&T Consultants Pte Ltd (Hồng Kông), dự án sẽ tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội dựa trên ý tưởng chính là "Rồng đón ngọc" với xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay về trung tâm thành phố, đầu Rồng quay về sông Hồng - Hồ Tây.

Vietjet: Tham vọng về hãng bay phục vụ một nửa dân số thế giới

"Chiến lược của chúng tôi là mở rộng mạng bay tới các thị trường trong bán kinh 2.500 dặm. Như thế chúng tôi có thể phát triển các căn cứ, từ đó phục vụ một nửa dân số thế giới", bà Nguyễn Thị Phương Thảo – TGĐ từng chia sẻ tham vọng gần đây.

Chìa khóa thành công của Vietjet là giữ chi phí ở mức thấp và khai thác hiệu quả mỗi chuyến bay. Chi phí vận hành tính theo số ghế cung ứng trên mỗi km (ASK) của Vietjet là 2,3 cent – mức được đánh giá là tốt nhất trong ngành. Chi phí này của AirAisa là 3,1 cent, các hãng hàng không truyền thống của Mỹ có ASK trung bình khoảng 7 cent. Nỗ lực mở rộng của Vietjet mang lại kết quả tốt. Cổ phiếu của công ty đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi IPO năm 2017, đưa vốn hóa thị trường của công ty lên hơn 3 tỷ USD – cao thứ 2 Đông Nam Á chỉ sau Singapore Airlines.

Hòa Phát: thị phần thép số 1 Việt Nam

“Đánh chiếm” thị trường miền Bắc với 34% thị phần, Hòa Phát đang dần khẳng định vị thế “vua thép” khi đặt mục tiêu gia tăng thị phần thép tiêu thụ tại khu vực phía Nam.

Giờ đây, mọi sự chú ý có lẽ sẽ tập trung vào Khu liên hợp gang thép Hoà Phát Dung Quất, bởi đơn giản dự án sẽ tái định hình chân dung Hoà Phát trong những năm tới, lấy được thị phần tại miền Nam và miền Trung. Ngoài ra, dự án cũng được đặt kỳ vọng rất lớn giúp Hòa Phát tự chủ nguồn nguyên liệu là thép cuộn cán nóng, nguyên liệu chính cho sản phẩm thép dẹt (tôn mạ, ống thép). Dự án Dung Quất được kỳ vọng sẽ cung cấp thép cuộn cán nóng với suất đầu tư thấp hơn nhiều so với Formosa và đủ sức cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

CTCP Vĩnh Hoàn: Tìm cửa sáng tại thị trường Trung Quốc

Tháng 9/2018, Vĩnh Hoàn bắt đầu cung cấp các sản phẩm cá tra cho công ty TMall Fresh của Alibaba. Đến nay, giá trị tổng sản phẩm cá tra mà Vĩnh Hoàn cung cấp cho thị trường Trung Quốc thông qua nền tảng trực tuyến này đã lên tới 3 triệu USD.

Bắt tay với Alibaba,Vĩnh Hoànđang dần chuyển từ phương pháp kinh doanh B2B (Bussiness to Bussiness) truyền thống sang kinh doanh B2C (Bussiness to Customer) để cung cấp nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, đồng thời có thể giao tiếp với khách hàng thông qua các nhà bán lẻ.

Đây là bước đi quan trọng của Vĩnh Hoàn trong bối cảnh con đường dẫn đến các thị trường xuất khẩu truyền thống ngày càng bị thu hẹp lại do Mỹ và Châu Âu liên tục nâng mức thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam.

Mới đây, bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch cũng đã đại diện cho Tổng công ty Vĩnh Hoàn ký biên bản ghi nhớ (MOU) của 20 nhà cung cấp thực phẩm tươi sống với Alibaba và Win-Chain.

MOU nhấn mạnh vào việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp đáng tin cậy cho các loại thực phẩm tươi sống quan trọng ở Trung Quốc. Đồng thời, các bên cũng cam kết duy trì môi trường bền vững trong mọi quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ.

Dược Hậu Giang phát triển hội nhập quốc tế trên nền tảng bền vững

Năm 2019, DHG tiếp tục lập “hattrick” trong Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết khi đứng đầu về Giải thưởng quản trị công ty nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn, Top 5 báo cáo phát triển bền vững tốt nhất, Top 10 LargeCap có báo cáo thường niên tốt nhất. Duy trì thứ hạng cao ở các hạng mục bình chọn trong nhiều năm cho thấy, DHG đang vững vàng vượt qua mọi thách thức để liên tục tạo ra các giá trị mới, tăng trưởng bền vững và giữ vững vị thế doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam.

Những nền tảng mà doanh nghiệp đã tạo lập luôn được duy trì và thực hiện nhất quán. Đơn cử, DHG thực hiện hiệu quả bộ 5 nguyên tắc cốt lõi trong quản trị công ty bao gồm: Đảm bảo cơ cấu quản trị hợp lý; đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát; đảm bảo quyền lợi của cổ đông và những người có liên quan; đảm bảo đối xử công bằng giữa các cổ đông; công khai minh bạch mọi hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những thương hiệu truyền cảm hứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO