Những thương vụ thoái vốn nhà nước đình đám năm 2018 (Kỳ 1): Vinafood 2 có cơ "đổi vận"?

Diendandoanhnghiep.vn Là doanh nghiệp có quy mô lớn và đang quản lý quỹ đất nông nghiệp “khủng”, nhưng tình hình tài chính kém khả quan có thể là rào cản cho đợt IPO này của Vinafood 2.

Ngày 14/03/2018 tới đây sẽ diễn ra phiên đấu giá chào bán cổ phần lần đầu của Tổng công ty Lương thực miền Nam – Công ty TNHH MTV (Vinafood 2). Hơn 114,8 triệu cổ phiếu được chào bán với giá khởi điểm 10.100 đồng.

Theo phương án cổ phần hóa, Vinafood 2 có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng do Nhà nước sở hữu 51%, bán cho cổ đông chiến lược 25%, chào bán ra bên ngoài 22,97%, còn lại bán cho nhân viên và công đoàn của Tổng công ty.

Lộ diện nhà đầu tư chiến lược

Tổng công ty Lương thực miền Nam là doanh nghiệp kinh doanh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm chế biến, nông sản và dự trữ, lưu thông lương thực.... Giữ một vị thế lớn trong ngành với có hệ thống phân phối bao phủ khắp các tỉnh khu vực phía Nam song tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh, công tác tìm kiếm và phát triển thị trường mới cũng như chất lượng sản phẩm và chủng loại còn gặp nhiều hạn chế.

Theo bản công bố thông tin, cho đến thời điểm 16 giờ, ngày 27/7/2017, Tổng công ty chỉ nhận được duy nhất 01 bộ Hồ sơ tham gia nhà đầu tư chiến lược của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Trước đó, khi xây dựng Phương án cổ phần hóa chỉ có 02 nhà đầu tư quan tâm và mong muốn làm nhà đầu tư chiến lược là Công ty Cổ phần FPT và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Tuy nhiên, Công ty cổ phần FPT, hồ sơ để xem xét, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không có đủ tính pháp lý (chỉ có hồ sơ photocopy).

Đến thời điểm hoàn thiện Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty Lương thực miền Nam (15/12/2017), Tổng công ty chỉ nhận được hồ sơ của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đề nghị tham gia làm nhà đầu tư chiến lược.

Do đó, để kịp tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vinafood 2 đề xuất lựa chọn công ty cổ phần Tập đoàn T&T làm nhà đầu tư chiến lược để Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2133/QĐ-TTg ngày 29/12/2017 phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam, ông Phạm Quang Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã có văn bản chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thực hiện các bước đúng trình tự theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định trên, trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày phương án cổ phần hóa được phê duyệt sẽ phải thực hiện bán cổ phần. Trong thời gian này sẽ có những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018 nên thông thường các nhà đầu tư cân nhắc, thận trọng hơn trong đầu tư, kinh doanh.

Nỗ lực tái cơ cấu

Lâu nay, Vinafood 2 được xem như doanh nghiệp “sống” nhờ hợp đồng tập trung. Tuy nhiên trước sức ép của quá trình cổ phần hóa, Tổng công ty đang đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp lại các mô hình hoạt động với phương châm gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và rút kinh nghiệm từ những thất thoát, thua lỗ vừa qua để khắc phục.

Cách đây không lâu, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Vinafood 2 đã tiết lộ "kế hoạch dài hơi của Vinafood 2" khi cty đang xây dựng cánh đồng mẫu lớn, kỳ vọng đến năm 2020 chiếm 20% diện tích đồng bằng sông Cửu Long đồng thời sẽ là đơn vị bao tiêu toàn bộ lúa canh tác theo hợp đồng ký kết với nông dân, đứng ra bảo lãnh cho nông dân có nguồn vật tư sản xuất với giá hợp lý và được vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ thêm về dịch vụ hậu cần và kỹ thuật. Việc kết hợp với ngân hàng thương mại không đơn thuần chỉ dừng ở việc cung ứng vốn cho người nông dân trồng lúa mà "thấm" vào toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo, từ khâu sản xuất giống đến khâu gieo trồng, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu.

Như vậy, sau khi nắm trong tay nguồn nguyên liệu lớn, ổn định, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm và trồng theo yêu cầu phù hợp với từng thị trường quốc tế, Vinafood 2 sẽ đi đến giai đoạn tiếp theo là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, nhằm bán được giá cao, thoát khỏi tình trạng cạnh tranh giá rẻ trên nền gạo cấp thấp.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, sự quan tâm của nhà đầu tư với doanh nghiệp ngành gạo còn nằm ở khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, kéo lùi kết quả sản xuất, kinh doanh chung. Đầu năm 2018, Việt Nam trúng thầu trên 140.000 tấn gạo sang Indonesia chủ yếu là Vinafood 2 trúng thầu. Đó cũng là một trong những "điểm cộng" của doanh nghiệp này trước thềm IPO.

"Về lâu dài, nội tại thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp ngành này vẫn gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi giải quyết được bài toán thị trường, có hướng đi mới triển vọng, cổ phiếu ngành gạo mới mong thu hút được nhà đầu tư", vị chuyên gia này nhận định.

Có thoát khỏi lỗ lớn?

Vinafood 2 là doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, tiền thân là Tổng Công ty Lúa gạo miền Nam, được thành lập năm 1976. Hiện có 14 đơn vị thuộc khối mẹ và một đơn vị Văn phòng Tổng Công ty, 12 công ty cổ phần chi phối, 8 công ty liên kết, với gần 2.600 cán bộ, công nhân viên. Đây cũng là đơn vị giữ vai trò chính trong việc đàm phán, bán hàng với các nước nhập khẩu gạo, cũng như mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu cho hạt gạo Việt. Mặc dù vậy, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này trong những năm gần đây lại không mấy tích cực cùng những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, điều hành khiến công tác cổ phần hóa doanh nghiệp này diễn ra rất nan giải, kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Báo cáo tài chính bán niên 2017 của Vinafood 2 cho biết, doanh thu thuần đạt 4.432 tỷ đồng, giảm 30% so với 6 tháng đầu năm 2016. Lợi nhuận gộp chỉ đạt 200 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm 2016. Với kết quả này biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 4,5%. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Vinafood 2 lỗ ròng tới 118 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế tại thời điểm 31/06/2017 là 912 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý II/2017, tổng tài sản Vinafood 2 là 5.121 tỷ đồng, trong đó tổng nợ phải trả là 4.913 tỷ đồng, chiếm gần 96% tổng tài sản. Chiếm 77% tổng nợ phải trả là vay nợ ngắn hạn (đạt 3.770 tỷ đồng). Điều này cho thấy những rủi ro về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đến hạn của Tổng công ty trong thời gian tới.

Theo bản công bố thông tin chào bán cổ phiếu của Vinafood 2, phát hành ngày 2/2/2018, khả năng thu hồi nợ của Vinafood 2 cũng bị đặt nhiều dấu hỏi. Doanh nghiệp này có số nợ phải thu tồn đọng hơn 1.042 tỷ đồng. Trong đó, 437 tỷ đồng nợ phải thu đang trong quá trình xem xét của cơ quan điều tra liên quan đến Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty CP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum, Công ty CP Lương thực Hậu Giang. Kết quả thu hồi phần lớn khoản nợ này phụ thuộc phán quyết của cơ quan pháp luật có thẩm quyền.

Ngoài ra, Vinafood 2 còn tồn tại khoản nợ phải thu 31,3 tỷ đồng đã có bản án, đang trong quá trình thi hành án; khoản nợ phải thu 9,4 tỷ đồng đã khởi kiện đang chờ xét xử và khoản nợ 13,6 tỷ đồng khách nợ đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế/rời khỏi nơi cư trú/khách nợ không còn tài sản để thi hành án. Đáng chú ý khoản nợ phải thu từ Cuba có giá trị 551,4 tỷ đồng. Đây là khoản nợ tồn đọng phải thu bán gạo trả chậm cho Cuba phát sinh trong giai đoạn 1993 - 1996. Công ty cho biết, khoản nợ này đã được ngân sách nhà nước ứng vốn thanh toán. Tuy nhiên, Vinafood 2 vẫn phải theo dõi trên báo cáo tài chính hàng năm dưới dạng phải thu Cuba và phải trả ngân sách nhà nước.

Mặc dù tháng 2/2018 đã gần trôi qua và thời điểm đấu giá đang đến gần, nhưng Vinafood 2 vẫn chưa công bố báo tài chính quý IV/2017. Điều này cũng phản ánh phần nào tính minh bạch của một doanh nghiệp đang muốn trở thành công ty đại chúng.

Vinafood 2 được xem là doanh nghiệp khá phức tạp với các khoản thua lỗ, nếu không được định giá chính xác, minh bạch sẽ rất khó thu hút được nhà đầu tư. Để xác định đích thực giá trị của Vinafood 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán đơn vị này.

Ông Phạm Quang Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tất cả các khoản thua lỗ, những tồn tại về mặt tài chính, nhưng chưa đủ căn cứ và điều kiện để xử lý tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải tiếp tục kế thừa để chuyển sang công ty cổ phần.

Những vấn đề này sẽ được đánh giá rất kỹ lưỡng tại quyết toán vốn khi chính thức bàn giao từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Khi đó các vấn đề được xử lý theo đúng các quy định của pháp luật, ông Hiển cho biết.

Ông cũng khẳng định, nguyên nhân gây thua lỗ cũng như tồn tại tại Tổng công ty đã có quy định của pháp luật, xử lý trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể. Vấn đề cốt lõi là vốn nhà nước phải được bảo toàn và kế thừa sang công ty cổ phần. Trong 3 năm tiếp theo, việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh sau khi cổ phần hóa sẽ tính đến việc khắc phục những tồn tại trước đây.

Những sai phạm ở Vinafood 2 đã được công khai, minh bạch. Vấn đề cần thiết hiện nay là phải sớm cổ phần hóa để thay đổi cách quản trị, điều hành doanh nghiệp. Nếu càng để chậm thì tình trạng hoạt động không hiệu quả càng tăng lên”, ông Hiển đánh giá.

Từ những tồn tại trên, cần nhanh chóng cổ phần hóa Vinafood 2 để tái cơ cấu với mục tiêu tăng cường quản trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trở nên năng động, trách nhiệm, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một điểm hấp dẫn của Vinafood 2 là diện tích đất nông nghiệp doanh nghiệp này đang quản lý và sử dụng. Theo phương án sử dụng đất của Vinafood 2 sau cổ phần hóa, doanh nghiệp này đang quản lý và sử dụng 132 cơ sở nhà, đất (gồm có 174 thửa) với tổng diện tích hơn gần 214 ha. Trong đó, Vinafood 2 đã nhận được sự đồng ý về phương án sử dụng đất cho 110/132 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 201,2 ha và 5/132 cơ sở nhà, đất (tổng diện tích 3,7 ha) chưa được thống nhất do địa phương đề nghị chuyển từ giao đất có thu tiền sử dụng đất sang thuê đất trả tiền hàng năm. Còn lại 17/132 cơ sở nhà, đất (tổng diện tích 8,98 ha) tại TP.HCM, Vinafood 2 chưa nhận được văn bản trả lời về phương án sử dụng đất.

Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Phạm Quang Hiển cho biết, Vinafood 2 cơ bản là đất thuê hàng năm nên đây không phải là giá trị của doanh nghiệp. “Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện định giá tài sản và tất cả các khoản thuộc Tổng công ty đã được định giá”, ông Hiển nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Quang Hiển, Vinafood 2 có trên 10 địa điểm tại Tp. Hồ Chí Minh, nếu thành phố có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích khác hoàn toàn có thể thu lại. Những địa điểm nào các tỉnh, thành tiếp tục cho thuê hay chưa có ý kiến đều được thông tin rõ ràng để các nhà đầu tư biết, tránh nhầm lẫn. Những diện tích đất được các tỉnh, thành phố tiếp tục cho thuê hàng năm sẽ được công bố, đưa thông tin vào phương án cổ phần hóa. Như vậy, thông tin về đất đai được thực hiện rất minh bạch, rõ ràng.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán đầu năm 2018 cũng cho thấy sự phân hóa rõ rệt về đích đến của các nhà đầu tư. Trong khi cổ phiếu của các ngành dịch vụ, tài chính, bất động sản, vận tải, giáo dục, y tế… tăng trưởng thì cổ phiếu ngành nông nghiệp, chế biến thủy hải sản, lương thực - thực phẩm, mía đường, cao su, khoáng sản không biết mùi vị tăng giá, thậm chí còn giảm.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Những thương vụ thoái vốn nhà nước đình đám năm 2018 (Kỳ 1): Vinafood 2 có cơ "đổi vận"? tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714038503 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714038503 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10