Lần đầu có lãi sau cổ phần hóa, Vinafood 2 nhắm kim ngạch xuất khẩu 163,3 triệu USD

L.MỸ 09/04/2023 18:00

Vinafood 2 muốn được tăng hạn mức tín dụng, tăng hiệu quả sử dụng vốn và thúc đẩy thanh lý tài sản để thu hồi, thoái vốn các khoản đầu tư theo Đề án tái cơ cấu lại doanh nghiệp.

>>Giá trị lúa gạo tăng, tại sao phải giảm sản lượng?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (ĐHĐCĐ) chiều 9/4, lần đầu tiên kể từ khi cổ phần hóa, cổ đông của  “ông lớn” lương thực miền Nam - Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) được nghe một kết quả kinh doanh có lãi.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Vinafood 2 báo cáo tới cổ đông là lần đầu tiên sau cổ phần hóa, đã kinh doanh có lãi

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Vinafood 2 báo cáo tới cổ đông là lần đầu tiên sau cổ phần hóa, đã kinh doanh có lãi

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thực hiện cổ phần hóa vào năm 2018. Tuy nhiên sau cổ phần hóa doanh nghiệp này đã liên tục chìm trong thua lỗ. Năm 2021, Tổng công ty lỗ 352,088 tỷ đồng. Tuy nhiên đến 2022 - “ông lớn” xuất khẩu gạo đã lấy lại “phong độ” và lần đầu tiên có lãi sau cổ phần hóa.

Ông Bạch Ngọc Văn - Phó Tổng giám đốc Vinafood 2 - báo cáo tại Đại hội: trong năm 2022, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đã bán ra hơn 1,1 triệu tấn gạo, đạt 128,89% kế hoạch năm; tổng doanh thu hơn 17,7 nghìn tỷ đồng, đạt 112,73% kế hoạch (trong đó doanh thu của Công ty mẹ là hơn 10 nghìn tỷ đồng, đạt 120,45% kế hoạch); lợi nhuận trên 91 tỷ đồng, đạt 104,11% kế hoạch.

“Như vậy năm 2022 Tổng công ty đã hoàn thành tốt kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 giao, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt cao so với kế hoạch. Hệ số bảo toàn vốn năm 2022 bằng, cũng là năm đầu tiên Tổng công ty có lãi và bảo toàn vốn sau khi cổ phần hóa”- ông Văn chia sẻ.

>> Chiến lược giá cho lúa gạo

Theo Lãnh đạo của Vinafood 2, kết quả thay đổi tích cực này đến từ chủ trương chính sách và chiến lược kinh doanh phù hợp. Trong đó, về chủ trương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đã hỗ trợ Vinafood 2 kiện toàn nhân sự kịp thời; chọn đúng người, đúng thời điểm để giữ vai trò thủ lĩnh tại Tổng công ty. Về chiến lược kinh doanh, Vinafood 2 đã sử dụng con đường mới là tập trung kinh doanh, tập trung đầu tư, tập trung nguồn lực… thay vì phân tán như trước đây. Song song đó có sự ủng hộ của các Ngân hàng thương mại, có hệ thống khách hàng truyền thống quay lại và đặc biệt là Vinafood 2 đã nâng cao năng lực cạnh tranh khi đi vào các thị trường tư nhân. Từ đó giúp Vinafood 2 có lãi sau nhiều năm thua lỗ, ông Văn nhấn mạnh.

Triển vọng ngành lúa gạo năm 2023 khiến Vinafood 2 thuận lợi trong đặt chỉ tiêu kinh doanh tích cực hơn

Triển vọng ngành lúa gạo năm 2023 khiến Vinafood 2 thuận lợi trong đặt chỉ tiêu kinh doanh tích cực hơn

ĐHĐCĐ của Vinafood 2 đã kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, với công ty mẹ đề ra kế hoạch tổng doanh thu 8.700,450 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 2,5 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 163,3 triệu USD. Doanh thu kế hoạch hợp nhất toàn Tổng công ty là 15.325 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100,58 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 1/3, tại Hà Nội, đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có cuộc họp về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và đề án cơ cấu lại Vinafood 2. Tại cuộc họp này, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá nhóm đại diện vốn nhà nước và Hội đồng quản trị của Vinafood 2 đã thực hiện kịp thời những giải pháp linh hoạt, đột phá để cải thiện tình hình, kết quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt quyết liệt trong kiện toàn nhân sự; chủ động trong rà soát, phân loại tài sản; sắp xếp bộ máy doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp không hiệu quả, mất vốn; tăng cường thu hồi công nợ khó đòi... Đối với phương hướng năm 2023, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề nghị Tổng công ty tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Ủy ban trong thời gian qua về tăng cường công tác quản lý vốn, tài sản đầu tư tại doanh nghiệp.

Vinafood 2 cũng nêu các định hướng đề có thể thực hiện kế hoạch đề ra, trên cơ sở tiếp tục thực hiện mô hình quản trị tập trung đã mang lại hiệu quả trong năm 2022. Trong đó, tổ chức sắp xếp, điều chuyển máy móc, thiết bị và khai thác triệt để lợi thế về cơ sở hạ tầng, thương hiệu và kinh nghiệm trong kinh doanh lúa gạo để phát huy nguồn lực toàn Tổng công ty mang lại hiệu quả.

Tổng Công ty tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy; kiện toàn nhân sự lãnh đạo quản lý và người đại diện tham gia quản lý điều hành tại các công ty có vốn góp của Tổng công ty; bố trí, sử dụng lao động phù hợp, đặc biệt nhân sự kinh doanh xuất nhập khẩu có khả năng phát triển thị trường và phát triển hệ thống nhà cung ứng.

Bên cạnh đó, duy trì quan hệ với các khách hàng truyền thống; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng quan hệ khách hàng, thực hiện chính sách bán hàng linh hoạt để phát triển thị trường mới, khách hàng mới. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm sau gạo (bún, phở, bánh tráng, bột...) cùng với ứng dụng công nghệ sạch, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế xanh, nâng cao giá trị sản phẩm, đạt tiêu chuẩn đáp ứng thị trường Châu Âu. Đặc biệt là hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo gắn với việc ứng dụng công truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng tại các vùng lúa nguyên liệu nghệ số tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề tài chính, Vinafood 2 tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ tín dụng với các ngân hàng để tăng hạn mức tín dụng, đảm bảo nhu cầu nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tăng vòng quay vốn để tăng hiệu quả sử dụng vốn và chủ động, linh hoạt sử dụng vốn trong điều kiện ngân hàng thắt chặt tín dụng. Đẩy nhanh việc thanh lý tài sản không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được để thu hồi vốn, thoái vốn các khoản đầu tư theo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp được phê duyệt để tập trung nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả.

Vinafood 2 hiện đã có mặt giao dịch trên sàn UpCOM với mã cổ phiếu VSF. Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/4 trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ phiếu VSF đã xanh sàn với mức tăng tới +7,58%, chốt tại 7.100đ/cp. 

Năm 2023, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngành lúa gạo Việt Nam có nhiều triển vọng tích cực, đặc biệt là xuất khẩu gạo được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Trong khi đó, những tác động, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ở một số nước sản xuất lúa gạo có thể sẽ giảm nguồn cung. Trong khi nhu cầu không giảm, thị trường gạo sẽ nhộn nhịp hơn. Với tiền đề trên, cộng hưởng cùng thị trường nội địa ổn định, sự mở cửa của Trung Quốc hậu Covid-19 cũng giúp tăng nguồn cung; song song là chính sách hỗ trợ tín dụng cho ngành lúa gạo của NHNN, các doanh nghiệp ngành lúa gạo sẽ được hưởng lợi.

Được biết gần nhất vào 23/3, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện một số nội dung đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc, gạo.

Theo Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.

Có thể bạn quan tâm

  • Thái Bình: Phấn đấu xây dựng 5 thương hiệu lúa gạo Quốc gia

    Thái Bình: Phấn đấu xây dựng 5 thương hiệu lúa gạo Quốc gia

    03:45, 13/03/2023

  • Thái Bình liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa gạo

    Thái Bình liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa gạo

    01:54, 03/03/2023

  • Giá trị lúa gạo tăng, tại sao phải giảm sản lượng?

    Giá trị lúa gạo tăng, tại sao phải giảm sản lượng?

    00:39, 26/11/2022

  • Năm 2023 - một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo và mía đường

    Năm 2023 - một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo và mía đường

    01:00, 25/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lần đầu có lãi sau cổ phần hóa, Vinafood 2 nhắm kim ngạch xuất khẩu 163,3 triệu USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO