Tính đến hết thời hạn đăng ký tham gia là 16h ngày 8/3, SCIC đã nhận được 2 hồ sơ đăng ký tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần BMP gồm 1 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và 1 cá nhân trong nước.
Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo kết quả đăng ký tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần của SCIC tại CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP).
Sẽ về tay người Thái?
Theo đó, tính đến hết thời hạn đăng ký tham gia là 16h ngày 8/3, SCIC đã nhận được 2 hồ sơ đăng ký tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần BMP gồm 1 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và 1 cá nhân trong nước. Tổng số lượng cổ phần đăng ký mua là 24.179.906 đơn vị, ứng với 100,1% tổng số lượng cổ phần chào bán.
Thời gian nộp phiếu tham dự chào bán từ 9h đến 14h ngày 9/3 và buổi đấu giá được tổ chức vào 14h30 tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE).
Số lượng cổ phần chào bán là 24.159.906 đơn vị, với mức giá khởi điểm 96.500 đồng/cp SCIC dự thu tối thiểu 2.331 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 2/3, HOSE thông báo đã nhận được đơn đăng ký chào mua công khai của The Nawaplastic Industries (Saraburi) - một công ty thành viên của Tập đoàn SCG của Thái Lan đối với cổ phần BMP được SCIC chào bán cạnh tranh. Saraburi đăng ký mua toàn bộ 24,1 triệu cp, tương đương 29,51% vốn của BMP được đem ra chào bán. Saraburi hiện đang sở hữu 20,4% vốn của BMP, tương đương gần 16,6 triệu cp. Nếu thực hiện chào mua thành công, Saraburi sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ tại Nhựa Bình Minh lên 49,91% vốn, tương đương 40,7 triệu cp.
Như vậy, Saraburi gần như không có đối thủ đáng gờm trong cuộc chiến mua cổ phần BMP trong đợt chào bán này. Khối lượng đăng ký mua của nhà đầu tư còn lại chỉ 20.000 cổ phiếu.
Câu chuyện của BMP khiến người ta liên tưởng đến câu chuyện cổ phần hóa Sabeco hồi cuối năm 2017. Khi chào bán cạnh tranh cũng chỉ có 2 nhà đầu tư (một tổ chức, một cá nhân) đăng ký tham gia. Kết quả là Sabeco đã về tay công ty Việt được đầu tư gián tiếp bởi nhà đầu tư Thái Lan. Tuy nhiên, phải đợi qua 14h30 chiều nay (9/3), câu chuyện mới ngã ngũ.
Nhựa Bình Minh có gì?
Nhựa Bình Minh là công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nhựa, sản phẩm chủ chốt nhựa vật liệu xây dựng (ống nhựa PVC, ống nhựa PPR ống nhựa HDPE)…Trên thị trường chứng khoán cổ phiếu BMP hiện đang giao dịch ở mức 85.000đ/cổ phiếu.
Hiện tại Nhựa Bình Minh có điểm cộng đó là doanh nghiệp có thị phần nhựa dân dụng lớn nhất khu vực phía Nam.
Bên cạnh đó, BMP còn có tình hình tài chính mạnh và kết quả kinh doanh tốt. Báo cáo hợp nhất quý IV/2017 do Công ty công bố cho thấy, doanh thu thuần của BMP đạt gần 1.206 tỷ đồng, tăng 45% so năm 2016. Lũy kế cả năm 2017, Công ty đạt doanh thu 4.057 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra.
Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của BMP không thay đổi nhiều so sới hồi đầu năm, đạt mức 2.865 tỷ đồng. Riêng khoản mục tiền và tiền gửi đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Về tài sản cố định hữu hình, Nhựa Bình Minh cũng đã khấu hao tới 772,1 tỷ đồng trên tổng giá trị đầu tư ban đầu là 1.131,4 tỷ đồng. Đây là lợi thế lớn cho công ty có thể tăng lợi nhuận trong tương lai, khi khấu hao cơ bản hoàn thành.
Thách thức của BMP
Cũng phải nhìn nhận một điều, doanh thu tốt không có nghĩa lợi nhuận cũng tốt mà ngược lại, lợi nhuận của BMP lại kém khả quan. Cũng theo báo cáo tài chính quý IV/2017, tuy doanh thu đạt kế hoạch, song giá vốn tăng mạnh nên BMP ghi nhận giảm 26% lợi nhuận trước thuế, chỉ đạt 583 tỷ đồng và tương đương 86% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, BMP cũng phải đối mặt với việc sức mua còn yếu, đặc biệt sức mua trong thị trường ống nhựa xây dựng– sản phẩm chính của BMP liên quan đến thị trường xây dựng – vẫn đang còn khó khăn do bất động sản vẫn “chưa đủ nóng”, thì việc BPM phải chấp nhận đẩy mạnh chi phí quản lí, chi phí bán hàng nhằm tăng doanh thu là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, hiện nay doanh nghiệp này đang đối mặt với một số rủi ro đặc biệt là biến động giá nguyên vật liệu đầu vào. BMP đang phải nhập khẩu phần lớn nguồn nguyên liệu đầu. Do đó, biến động giá nguyên liệu và tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm của BMP. Để hạn chế rủi ro, BMP phải duy trì hàng tồn kho lớn. Tính đến 31/12/2017 tồn kho của BMP ghi nhận ở mức 385 tỷ đồng.
Một thách thức nữa với BMP đó là ngành nhựa không phải là ngành kinh doanh có điều kiện, nên những đối thủ mới có thể gia nhập ngành một cách dễ dàng. Điều này khiến BMP phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Trong đó, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Tiền Phong, Duy Tân,...
Ngoài việc phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, BMP còn phải chịu sự canh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp ngoại với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn doanh nghiệp nội.
Theo nhận định về kết quả kinh doanh của BMP của Công ty cổ phần chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), doanh thu và lợi nhuận của BMP năm 2018 tăng 10%, chủ yếu nhờ sản lượng tăng xuất phát từ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, khả năng quyết định giá bán kém đi khiến công ty không thể chuyển tác động tăng giá đầu vào sang cho khách hàng, điều này sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận gộp giảm.