Mặc dù mùa mưa bão cận kề, nhưng hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội còn tồn tại nhiều điểm vi phạm pháp luật về an toàn đê. Thậm chí có những vi phạm đã tồn tại một thời gian dài mà vẫn chưa thể xử lý.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc dư luận.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do các cấp chính quyền mới chỉ dừng ở việc ra văn bản đôn đốc, chỉ đạo. Còn việc xử lý, tổ chức cưỡng chế, giải tỏa vi phạm theo thẩm quyền và theo Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm trên địa bàn Thành phố lại chưa được các cấp chính quyền cơ sở thực hiện.
Dọc theo các tuyến đê thuộc các địa phương như Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Ðan Phượng… chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều kiểu vi phạm về xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình trong phạm vi an toàn đê điều. Tại nhiều điểm, hành lang đê còn bị chiếm dụng để dựng lều quán, nhà xưởng, tập kết vật liệu xây dựng (VLXD).
Ðiển hình cho những vi phạm này là ở khu vực huyện Sóc Sơn. Theo quan sát, ven tuyến đê sông Cầu trên địa bàn từ xã Tân Hưng đến xã Việt Long tồn tại hàng loạt các bãi tập kết VLXD lấn chiếm hành lang bảo vệ đê. Tất cả các bãi tập kết này đều không được cơ quan chức năng cấp phép.
Cụ thể, nằm ngay bên ngoài đường đê Lương Phúc, thuộc địa phận thôn Cốc Lương, xã Tân Hưng (Sóc Sơn, Hà Nội) là bãi tập kết VLXD của ông Nguyễn Đình Ban, bãi tập kết này rộng tới hàng nghìn m2, lấn chiếm hành lang đê nghiêm trọng. Đáng nói, hoạt động sai phạm tại đây đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương lại “bất lực”, không hề có biện pháp xử lý.
Tương tự, tại khu Soi Vạn, thôn Lương Phúc, xã Việt Long. Diện tích bãi tập kết VLXD của ông Nguyễn Văn Vinh khoảng 3000m2, bao gồm một phần đất nông nghiệp do UBND xã Việt Long quản lý (khoảng 1800m2) và một phần đất nông nghiệp do ông Nguyễn Văn Vinh nhận chuyển nhượng của các hộ dân thuộc địa bàn thôn Lương Phúc, xã Việt long (khoảng 1200m2). Các hoạt động tại đây bị phản ánh là ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân địa phương, nhưng chính quyền xã Việt Long cũng “bất lực” khi không thể xử lý sai phạm.
Thậm chí, UBND huyện Sóc Sơn cũng từng ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu xử lý dứt điểm trước ngày 30/4/2020. Thế nhưng đến nay, bãi tập kết VLXD này vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức pháp luật…
Có thể bạn quan tâm
09:01, 28/04/2020
06:30, 29/04/2020
11:20, 20/04/2020
12:25, 27/04/2020
Có thể nói, hệ thống đê điều được xem là tấm lá chắn giúp bảo vệ mùa màng, làng mạc, tính mạng và tài sản của người dân trước các trận lũ lụt bất thường. Bởi thế, việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những con đê, nhất là những tuyến đê bao xung yếu luôn là ưu tiên số một. Song, những gì đang diễn ra khiến dư luận và người dân hết sức bất an về sự an toàn đê điều tại những địa phương này.
Hệ quả từ những vi phạm đó chính là số vụ sạt lở đê, kè ở Hà Nội tăng dần theo từng năm với mức độ nghiêm trọng ngày một lớn hơn. Ta có thể thấy rõ những con số đã công khai trên báo đài, từ năm 2015 xảy ra 15 vụ, năm 2016 xảy ra 47 vụ. Ðặc biệt vào năm 2017, Hà Nội xảy ra sự cố đê Bùi 2 trên địa bàn huyện Chương Mỹ để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cũng theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố cũng tiếp tục phát sinh thêm nhiều sự cố đê điều. Như sự cố sạt lở kè Chu Minh, kè Cam Thượng tại huyện Ba Vì; cống Cẩm Ðình, mái kè Cẩm Ðình, cơ kè Xuân Phú trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Ðáng chú ý, các sự cố trên khá phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội.
Thiên tai vốn khó lường, vì vậy, bên cạnh việc chủ động bảo đảm an toàn hệ thống đê điều của Thủ đô với các phương án phòng ngừa, ứng phó, thì việc làm cấp thiết là phải tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm một cách triệt để, dứt điểm, để hệ thống đê điều của Hà Nội thật sự là những tấm lá chắn vững vàng bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân trước những thiên tai bất thường, đặc biệt là mùa mưa lũ tới đây.