Doanh nghiệp

Niềm tin kinh doanh phục hồi, doanh nghiệp lạc quan hơn

Hạnh Lê 06/07/2025 02:48

Niềm tin kinh doanh phục hồi, các doanh nghiệp ở cả khu vực FDI, nhà nước và tư nhân đều lạc quan dự báo sản xuất quý III tốt hơn.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) thực hiện cho thấy: dự kiến sang quý III năm nay, có 37,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý trước; 43,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

det may
Nhiều doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo đánh giá xu hướng kinh doanh trong quý III sẽ tốt lên so với quý trước

Trong đó, khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lạc quan nhất với 81% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III tốt hơn và giữ ổn định so với quý trước. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và khu vực doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 80,7% và 79,8%.

Bà Phí Thị Hương Nga - Trưởng ban Ban Thống kê công nghiệp và xây dựng (Cục Thống kê) cho biết: những tháng tới là giai đoạn quan trọng cho tăng trưởng sản xuất để chuẩn bị nhu cầu tiêu dùng cho các kỳ nghỉ lễ lớn ở Mỹ, châu Âu. Ở trong nước, việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, giảm bớt tầng nấc trung gian và các thủ tục hành chính cũng giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái được thực hiện quyết liệt sẽ kích thích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất…

Bên cạnh các thuận lợi trên, đại diện Cục Thống kê nhận định, các hoạt động sản xuất công nghiệp chịu tác động từ giá dầu, khí quốc tế biến động và chính sách thương mại có thể gây áp lực lên chi phí sản xuất hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

bieu do
Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (Nguồn: Cục Thống kê)

Sự chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, sạch, ứng cung công nghệ thông tin trong sản xuất nhằm chuyển hướng thị trường, nâng cao giá trị nội bộ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, điều này tạo áp lực không nhỏ với các doanh nghiệp.

Từ góc độ doanh nghiệp, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh, trong thời gian qua, các doanh nghiệp cho biết, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động. Các yếu tố khác là khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp (30,8%), khó khăn về tài chính (24,5%), không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp (23,2%), không đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu (21,9%)…

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng còn lại của năm, Trưởng ban Ban Thống kê công nghiệp và xây dựng Phí Thị Hương Nga cho biết thêm: dù tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất đã giảm 1,7 điểm phần trăm so với quý I/2025 song vẫn còn 38,7% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Có 31,8% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ hữu hiệu hơn nhằm ổn định giá nguyên vật liệu và giá năng lượng, đặc biệt là việc tăng giá điện liên tục từ tháng 10/2024 đến nay đã gia tăng gánh nặng lên chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, có 25,9% doanh nghiệp kiến nghị cần thực hiện phần việc này đồng bộ hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Niềm tin kinh doanh phục hồi, doanh nghiệp lạc quan hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO