Mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết với nhà phát triển bất động sản China Evergrande của Trung Quốc sau một loạt những cảnh báo về thu nhập.
Mới đây, Chủ tịch tỷ phú của nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, China Evergrande, ông Hui Ka Yan đã thừa nhận công ty của mình phải đối mặt với rủi ro vỡ nợ và kiện tụng từ các chủ nợ.
Theo đó, lợi nhuận ròng của China Evergrande trong sáu tháng đầu năm nay giảm đến 29% do thua lỗ trong hoạt động bán bất động sản và liên doanh sản xuất ô tô điện. Đáng chú ý, đây là năm thứ ba liên tiếp nhà phát triển báo cáo lợi nhuận sụt giảm và thu nhập thấp nhất trong vòng 5 năm trong bối cảnh căng thẳng thanh khoản kéo dài.
Trên thực tế, China Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc đang phải đối mặt với những thử thách nghiêm trọng nhất trong lịch sử tồn tại của công ty. Áp lực về doanh số bán hàng không như kỳ vọng, thêm vào đó các khoản thanh toán trị giá hàng tỷ đô la liên quan đến phát triển bất động sản đã quá hạn và một số dự án nhà ở của họ đã bị đình chỉ.
“Sự sụt giảm lợi nhuận trong nửa đầu năm 2021 chủ yếu do giá bán bất động sản giảm và chi phí tăng trong nửa đầu năm”, tỷ phú sáng lập kiêm chủ tịch Hui Ka Yan cho biết một cách đơn giản trong hồ sơ.
Nhưng mọi thứ không chỉ đơn giản như ông Hui đã chia sẻ!
Một nguồn tin cho rằng, nếu nỗ lực giảm nợ của China Evergrander không hiệu quả, "các vấn đề thanh khoản có thể xấu đi, có thể dẫn đến các khoản nợ không trả được và các vụ kiện tụng có thể gây ra ảnh hưởng bất lợi nghiêm trọng đến tập đoàn này".
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 19 tháng 8, cho biết họ đã triệu tập các giám đốc điều hành hàng đầu của Evergrande và kêu gọi họ “tích cực phân tán rủi ro nợ”.
Hồi tháng 8 năm 2020, đứng trước rủi ro quá lớn của các nhà đầu tư phát triển BĐS, PBOC đã thiết lập “3 giới hạn đỏ” về nợ với các doanh nghiệp này, đảm bảo họ sẽ phải cắt giảm tỷ lệ nợ về mức giới hạn vào ngày 1/2/2021: (i) tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản không bao gồm các khoản thu ứng trước không được vượt quá 70%; (ii) tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 100%; và cuối cùng (iii) lượng tiền mặt đối ứng với các khoản nợ ngắn hạn (chính là chỉ số đo lường khả năng thanh toán tức thời) là 1 - 1.
Theo Viện nghiên cứu Beike, tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của China Evergrande hiện ở mức 99,8%. Tỷ lệ nợ trên tài sản của họ, không bao gồm các khoản thu trước, ở mức 81%. Dự trữ tiền mặt của họ chỉ còn 0,67 lần khoản vay ngắn hạn.
Có thể thấy, China Evergrande đang nằm trong 2/3 “ranh giới đỏ” mà giới chức nước này đã đặt ra. Điều này đang cho thấy mức độ cực kỳ nguy hiểm của họ!
China Evergrande cho biết, họ có thể bán các đơn vị tài sản cho các nhà cung cấp và nhà thầu để bù đắp một số khoản thanh toán chưa thanh toán. Lợi nhuận tạm thời đạt 10,49 tỷ nhân dân tệ (1,62 tỷ đô la Mỹ), trong khi doanh thu trong sáu tháng đầu năm giảm 17% xuống 222,7 tỷ nhân dân tệ so với một năm trước đó.
Và giờ đây, “nợ ngập cổ” khiến China Evergrande phải tìm mọi cách xoay sở để tồn tại trong “cuộc chiến sống còn của mình”. Họ đang gấp rút bán tài sản để sửa chữa bảng cân đối kế toán sau nhiều năm mở rộng một cách tràn lan và thiếu kiểm soát.
Trước đây, Evergrande đã từng chuyển hướng sang sản xuất xe điện, quản lý tài sản và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Họ thậm chí còn có ý định lấn sân cả mảng thể thao khi tài trợ cho Câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu trong giải Super League Trung Quốc.
Evergrander đang thảo luận với các bên thứ ba để bán cổ phần của mình trong các đơn vị quản lý tài sản và ô tô điện của mình. Công ty cũng đang tìm cách bán Trung tâm China Evergrande 26 tầng ở Wan Chai, nơi đóng vai trò là trụ sở chính ở Hồng Kông cho Yuexiu Property ở đại lục, hãng tin Bloomberg mới đưa tin vào tuần trước.
Nhưng kể cả như vậy, tương lai của nhà phát triển BĐS lớn nhất Trung Quốc vẫn là “vô cùng đen tối”!
Cổ phiếu của China Evergrande đã giảm 69% trong năm nay, các đơn vị quản lý bất động sản và ô tô điện của họ giảm lần lượt 82 và 35%. Trong khi đó, trái phiếu mệnh giá bằng đô la của công ty đang giao dịch ở mức 40 đến 52% mệnh giá của chúng, cho thấy sự xói mòn niềm tin của các chủ nợ trong và ngoài nước về khả năng trả nợ đến hạn của công ty.
Chưa hết, theo dữ liệu của Bloomberg, tập đoàn này có 14 tỷ USD trái phiếu đang lưu hành, và bị xếp hạng “rác” - Junk Bond, một xếp hạng bị đánh giá là đang ở gần với mức bị coi là rủi ro vỡ nợ nghiêm trọng.
Ivan Li, giám đốc quỹ tại Loyal Wealth Management có trụ sở tại Thượng Hải, cho rằng: “Triển vọng cho Evergrande rất bi quan. Có thể họ sẽ chỉ là tồn tại chứ không còn phát triển được nữa. Thêm vào đó, chính phủ dường như đang cố gắng hạ nhiệt toàn bộ thị trường bất động sản. Tại thời điểm này, không có bất kỳ nhà đầu tư lý trí nào nói Evergrande là đáng mua”.
Có thể bạn quan tâm