Các cơ quan xếp hạng tín dụng lớn trong tuần này đã hạ bậc công ty phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc Evergrande, do nhiều lo ngại xung quanh vấn đề thanh khoản.
Mới đây, Fitch Ratings, một trong ba “ông lớn” xếp hạng tín dụng toàn cầu, hai đơn vị kia là Moody's và Standard & Poor's, đã hạ China Evergrande hai bậc từ B xuống CCC +, bởi lo ngại những diễn biến tiêu cực xung quanh Evergrande có thể làm suy yếu lòng tin của nhà đầu tư.
Xếp hạng CCC + có nghĩa là có “khả năng thực sự” xảy ra vỡ nợ, trong khi xếp hạng B trước đó mang ý nghĩa là “có rủi ro vỡ nợ nghiêm trọng”, nhưng biên độ an toàn vẫn còn hạn chế.
Trước đó, vào thứ hai, xếp hạng toàn cầu của S&P (Standard & Poor's ) đã hạ nhà phát triển bất động sản xuống hai bậc, từ B + xuống B-, với lý do “không có khả năng giảm nợ một cách có trật tự”.
“Chúng tôi hạ xếp hạng vì sự suy yếu gần đây trong khả năng tiếp cận nguồn vốn của Evergrande đang dẫn đến những rủi ro đáng kể trong khả năng thực hiện kế hoạch giảm nợ của mình một cách có trật tự. Một môi trường tín dụng thắt chặt đang ngày càng cản trở những nỗ lực như vậy”, S&P cho biết trong một tuyên bố.
Cũng theo S&P, các chương trình khuyến mãi giá tích cực của Evergrande có thể dẫn đến xói mòn tỷ suất lợi nhuận nghiêm trọng và có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận hoạt động của công ty. Cơ quan xếp hạng nói thêm rằng khả năng tiếp cận nguồn vốn ngày càng xấu đi của Evergrande đã bị nhấn mạnh bởi sự cố Ngân hàng Guangfa.
“Việc Ngân hàng Guangfa đóng băng tài sản Evergrande gần đây cũng như các báo cáo rằng các ngân hàng đang giảm tiếp xúc với nhà phát triển củng cố quan điểm của chúng tôi rằng khả năng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng này đang bị thắt chặt”, S&P cho biết.
Có thể nói, Nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc hiện đang “méo mặt” với khoản nợ phải trả lên tới 301 tỷ USD, bao gồm cả khoản nợ bằng đô la Mỹ do các nhà đầu tư ở Hong Kong, London và New York nắm giữ. Kết quả là Evergrande đã trở thành công ty bất động sản “nợ như chúa chổm”.
Trên thực tế, China Evergrande đã đối mặt với hàng loạt mối quan ngại về tính thanh khoản kém cũng như khả năng vỡ nợ kể từ tháng 3 năm 2020. Sau đó, tình hình càng trở nên nghiêm trọng cho Evergrande khi đại dịch bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc khiến các công trình xây dựng trì trệ và chậm tiến độ.
Mặc dù đến nay, Evergrande vẫn “chưa chết”, nhưng họ cũng đang “sống trong sợ hãi”. Một số công ty con trực thuộc tập đoàn đã bỏ lỡ nhiều đợt thanh toán trong năm nay. Đồng thời họ cũng phải đối mặt với khoản thanh toán trái phiếu nước ngoài trị giá 6 tỷ USD sắp đến hạn trong năm 2022, phần lớn trong đó sẽ đáo hạn ngay đầu năm.
Bất kể việc Evergrande đang tính đến phương án huy động vốn thông qua niêm yết, bán cổ phần trong các công ty con hoặc bán bớt tài sản, nhưng tình hình thanh khoản kém đang hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn của họ.
Và gần đây, những tin tức về việc đóng băng tài sản vào tuần trước đã làm tập trung sự chú ý vào những rắc rối về nợ của công ty. Điều đó đã đưa giá cổ phiếu của họ xuống mức thấp nhất trong 4 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu của Evergrande đã giảm hơn 60%.
Mặc dù sau đó xung đột với ngân hàng Guangfa đã được giải quyết nhưng theo quan điểm của giới phân tích, điều đó chỉ càng đào sâu thêm “sự mong manh trong tình hình tài chính và uy tín của công ty”.
Cuối cùng, vấn đề của Evergrande ngày càng trở nên trầm trọng hơn do chính phủ Trung Quốc nỗ lực giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực bất động sản. Bắc Kinh tìm cách giảm đòn bẩy giữa các nhà phát triển bất động sản và kiểm soát sự gia tăng nhanh chóng của giá nhà thông qua chính sách “ba ranh giới đỏ”, hạn chế việc vay nợ bằng tiền mặt, nợ ròng đối với vốn chủ sở hữu và nợ đối với tài sản.
Đồng thời, các nhà chức trách Trung Quốc trong những tháng gần đây đã cố gắng hạ nhiệt thị trường bất động sản đang nóng của nước này bằng những hạn chế mới, đặc biệt là hạn chế cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Có thể China Evergrande không phải là trái tim của nền kinh tế Trung Quốc, song, với vô số công ty con và ít nhất cũng là một kênh khổng lồ mà qua đó, dòng vốn mà chính phủ trung ương bơm ra để nuôi nền kinh tế, người ta đang đặt ra một câu hỏi rằng: Nếu China Evergrande phải chết thì hệ lụy sẽ ra sao với nền kinh tế nước này?
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc họp khẩn bàn "giải cứu" thị trường chứng khoán
19:56, 29/07/2021
Các công ty Edtech Trung Quốc tiếp tục “tắm máu”
04:33, 26/07/2021
“Bom nợ” doanh nghiệp Trung Quốc phát nổ
09:31, 23/07/2021
Trung Quốc có thể vượt Mỹ? (Bài cuối)
06:15, 15/07/2021
Doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc khó tìm đường IPO tại Mỹ
04:55, 15/07/2021