Ninh Bình: Dự án trọng điểm sau 16 năm vẫn “án binh bất động”

LAN VŨ 31/05/2023 00:03

Sau 16 năm thực hiện, dự án Trường Đại học Hoa Lư (Ninh Bình) với số tiền ngân sách đã chi ra trên 240 tỷ đồng đang bị bỏ hoang với nhiều công trình dở dang, xuống cấp nghiêm trọng.

>>>Quảng Ninh: Người dân “sống mòn” bên dự án treo

>>>Nhiều cách xử lý dự án treo

Dự án nhiều năm đắp chiếu

Dự án Trường Đại học Hoa Lư được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt đầu tư và triển khai xây dựng từ tháng 7 năm 2007, trên tổng diện tích 25ha tại xã Ninh Nhất với tổng mức đầu tư trên 488 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Dự kiến Trường Đại học Hoa Lư hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2016. Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án vẫn “án binh bất động”. Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã có quyết định điều chỉnh, cắt giảm quy mô dự án Trường Đại học Hoa Lư từ 25ha xuống còn 15ha, trong đó cắt 7,9ha đất từ dự án này để bán đấu giá đất ở.

Khung cảnh “hoang tàn” của dự án Đại học Hoa Lư, liệu những công trình dở dang này có đủ điều kiện để xây dựng tiếp hay phải đập bỏ ?

Khung cảnh “hoang tàn” của dự án Đại học Hoa Lư, liệu những công trình dở dang này có đủ điều kiện để xây dựng tiếp hay phải đập bỏ?

Nằm cách đó không xa là Dự án khu ký túc xá sinh viên tập trung tỉnh Ninh Bình được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tại quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 4/9/2009 cũng đang nằm “đắp chiếu”. Dự án này được đầu tư xây dựng trên diện tích 11,29ha với 4 dãy nhà 5 tầng và các công trình phụ trợ khác nhằm đáp ứng chỗ ở cho 7.680 sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Tổng mức đầu tư của dự án là 862 tỉ đồng, trong đó 835 tỉ đồng sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, còn lại là ngân sách địa phương, thời gian hoàn thành dự án là năm 2013. Hai dự án này được xem là những dự án trọng điểm của tỉnh Ninh Bình nhằm ươm mầm nhân tài cho vùng đất Cố đô.

Khuôn viên dự án giờ là nơi người dân thả bò.

Khuôn viên dự án giờ là nơi người dân thả bò.

Trưởng thôn Hậu, ông Hà Đăng Khải dẫn chúng tôi đi thăm các hộ dân trong làng, chứng kiến từng gian nhà trọ dột nát, tàn tạ mà không khỏi xót xa. Ngoài khuôn viên dự án, một tòa nhà chừng 10 tầng, gạch đỏ lốm đốm phủ rêu xanh được xây dựng dở dang nằm “trơ xương”, xung quanh cỏ mọc hoang dại, người dân tranh thủ trồng rau, chăn bò … đường vào sình lầy, phân bò ngập ngụa, những chiếc máy công trình bị “bỏ rơi” giữa mưa nắng, từng thanh thép rỉ sét đen đúa chỉ lên trời như khung cảnh hoang tàn của ngày tận thế.

Vị trưởng thôn ưu tư chia sẻ, thôn Hậu có tới 80% hộ dân làm nông nghiệp, tuy vậy khi có dự án mọi người đều đồng lòng trả đất với hy vọng có trường học thì sẽ cho thuê được nhà trọ, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nhưng dự án bỏ hoang 16 năm nay khiến người dân không có thu nhập, kiệt quệ. Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, ông đã nhiều lần thay mặt cử tri có ý kiến với Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Bình về cuộc sống khó khăn của người dân khi dự án Đại Học Hoa Lư bị bỏ dở, dân thiếu kế sinh nhai, môi trường ô nhiễm nhưng lần nào “các ông” cũng khất lần, năm nọ sang năm kia.

Người dân mất ruộng, cùng cực, thiếu kế sinh nhai

>>>Đà Nẵng sẽ thu hồi 56 dự án treo

>>>Gắn trách nhiệm địa phương trong xử lý dự án treo

“Dân có ruộng dập dìu hợp tác, Lúa mượt đồng ấm áp làng quê…” , mượn hai câu thơ của Tố Hữu, ông Hà Huy Dân - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ninh Nhất ngồi bần thần, nhớ về Hợp tác xã nông nghiệp Kỳ Vĩ một thời bội thu, thóc lúa đầy bồ. Giờ đây tất thảy những thửa đất canh tác “bờ xôi, ruộng mật” đó đã nhường cho dự án Đại Học Hoa Lư đang bị bỏ hoang.

Đường vào dự án sình lầy, ô nhiễm

Đường vào dự án sình lầy, ô nhiễm

Ông Hà Huy Dân kể cho chúng tôi, trước đây ông nguyên là Chủ tịch Hợp tác xã Kỳ Vỹ, từ khi có Hợp tác xã, năng suất trồng lúa được nâng cao. Lúa chín tháo nước, máy gặt xong thì công nông trở về tận sân phơi, sản lượng ước đạt 2,7 tạ mỗi sào, cuộc sống người dân làng Kỳ Vỹ chưa bao giờ sướng đến vậy. Khoảng giữa năm 2007, sau khi người dân thôn Tiền, thôn Hậu, xã Ninh Nhất thu vụ lúa chiêm cuối cùng thì nhà nước thu hồi ruộng để thực hiện dự án du lịch của Doanh nghiệp Xuân Trường và dự án Đại Học Hoa Lư, kể từ đó bà con không còn ruộng…

“Dự án Đại học Hoa Lư mà thành công thì người làng Kỳ Vỹ chúng tôi sướng như tiên. Trẻ thì đi làm công nhân, người già ở nhà có mấy phòng trọ cho thuê. Có học sinh đến, rau mầu thực phẩm làm ra bán được giá, tháng kiếm vài triệu ngon ơ …” ông Huy cao giọng trong nỗi bức xúc và tiếc nuối.

Dãy nhà trọ của người dân thôn Hậu, xã Ninh Nhất,p/không có người thuê nay đã xuống cấp.

Dãy nhà trọ của người dân thôn Hậu, xã Ninh Nhất, không có người thuê nay đã xuống cấp.

Anh Lê Trần Bình sinh năm 1968 tại thôn Tiền cho biết, nhà anh bị thu hồi 3 sào ruộng, số tiền đền bù có được, anh đem xây 6 gian nhà trọ với mong mỏi có thu nhập từ việc cho sinh viên thuê. Dự án trường Đại học bỏ hoang, không có sinh viên, không có người thuê trọ, mấy gian nhà trọ nay đã dột nát xuống cấp. Khi thu hồi đất thực hiện dự án, Tỉnh hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp bằng tiền, tiền đã tiêu hết, hiện nay anh Bình đã ngoài 50 tuổi xin việc không công ty nào nhận. Ruộng không còn, hai vợ chồng buôn bán lặt vặt, gạo chợ nước sông, cuộc sống muôn vàn khó khăn…

Cùng cảnh ngộ, ông Lê Văn Sinh 65 tuổi tại thôn Hậu chua chát kể: "gia đình tôi bị thu hồi 1 mẫu ruộng. Lúc làm dự án họ vẽ nào làm đường, lập chợ, hỗ trợ người dân tìm việc làm mới vào khu du lịch… nhưng khi giải quyết (thu hồi đất) xong, dự án bỏ hoang, dân chúng tôi làm nhà trọ từ năm 2007 để “hóng”, trường không có lấy đâu học sinh thuê trọ".

Máy công trình bị “bỏ rơi” trong dự án

Máy công trình bị “bỏ rơi” trong dự án

Ông Lê Văn Sinh là Cựu chiến binh Lữ đoàn 168 Quân khu 2, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới năm 1979. Nay đã giải ngũ, không có trợ cấp, không có lương hưu, chẳng còn thu nhập nào khác. Đối với ông, 400 ngàn đồng tiền đóng bảo hiểm hàng năm đã là một khoản phải tính toán, cuộc sống mưu sinh những ngày tháng phía trước… vô định.

Được biết, dự án Xây dựng Trường Đại học Hoa Lư là một trong 16 công trình trọng tâm được tỉnh Ninh Bình xác định cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Bình đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Tĩnh: “Tắc” giải phóng mặt bằng, nhiều dự án đắp chiếu

    Hà Tĩnh: “Tắc” giải phóng mặt bằng, nhiều dự án đắp chiếu

    00:59, 25/02/2022

  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có quy định đối với “dự án treo”

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có quy định đối với “dự án treo”

    13:00, 12/03/2023

  • Quảng Ninh: Người dân “sống mòn” bên dự án treo

    Quảng Ninh: Người dân “sống mòn” bên dự án treo

    03:00, 29/10/2022

  • Nhiều cách xử lý dự án treo

    Nhiều cách xử lý dự án treo

    05:00, 20/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ninh Bình: Dự án trọng điểm sau 16 năm vẫn “án binh bất động”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO