Những năm qua, tỉnh Ninh Bình triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường (BVMT). Từ đó, có những bước đi dần hướng đến kinh tế các-bon thấp, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Từ kinh tế nông nghiệp tuần hoàn...
Trong đó, ngành Nông nghiệp được ghi nhận là khá tích cực, vừa nỗ lực giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, vừa từng bước phấn đấu hình thành nền nông nghiệp sinh thái đa giá trị.
Ông Đinh Văn Khiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Định hướng phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã xác định rõ là xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, an toàn, đa giá trị, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp du lịch sinh thái, cảnh quan.
Tỉnh cũng chỉ đạo tập trung xây dựng nông thôn mới, phát triển các sản phẩm nông sản đặc sản, đặc hữu, đặc trưng phục vụ du lịch, các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô phù hợp với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản, OCOP có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, kết nối bền vững chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ùng đồng bằng Sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội.
Hiện, tỉnh đã có một số mô hình được đánh giá cơ bản đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, một số mô hình nông nghiệp theo hướng sinh thái đa giá trị mang lại hiệu quả cho người nông dân và cộng đồng như: Đầm sen Hang Múa; cánh đồng lúa Tam Cốc; các sản phẩm OCOP từ sen, hoa cúc, sâm Cúc Phương…
Ông Đinh Văn Khiêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Những kết quả đạt được của nông nghiệp Ninh Bình hướng đến kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn là rất đáng ghi nhận, song chưa tương xứng với tiềm năng.
Do đó, muốn đẩy mạnh thực hiện phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn, hướng đến xây dựng thành công nền nông nghiệp sinh thái đa giá trị, cần nhận diện đúng và đầy đủ những khó khăn, hạn chế.
Đó là hạn chế về tư duy, nhận thức; truyền thống, tập quán canh tác thâm canh tăng năng suất, trong trồng trọt còn lạm dụng hóa chất, chăn nuôi và thủy sản sử dụng thức ăn công nghiệp; việc áp dụng khoa học công nghệ mới chỉ ở mức áp dụng từng phần, chưa hình thành chuỗi từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến sâu và tiêu thụ. Ngoài ra, Ninh Bình còn hạn chế về quỹ đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; cơ chế, chính sách cụ thể cho phát triển kinh tế tuần hoàn chưa đủ mạnh.
Về giải pháp khắc phục, ông Đinh Văn Khiêm cho biết: Để thực hiện được điều này, cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, phát động phong trào trồng cây xanh cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các khu vực đê sông, đê biển, khu dân cư, khu du lịch, khu, cụm công nghiệp…
Vì vậy, chính quyền cần ưu tiên nguồn lực cho trồng rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển, có cơ chế ưu tiên thu hút đầu tư thực hiện các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng.
Đặc biệt, cơ chế, chính sách là mấu chốt thúc đẩy thực hiện tổng thể các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, do đó tỉnh cần nghiên cứu thực hiện thí điểm các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, nông nghiệp hữu cơ, từ đó rút ra bộ tiêu chí, làm căn cứ để công nhận cơ sở, vùng, sản phẩm đạt tiêu chí kinh tế tuần hoàn, hữu cơ, giảm phát thải (tạo sự khác biệt với các sản phẩm thông thường, làm cơ sở để các địa phương áp dụng).
... đến định hướng phát triển kinh tế xanh
Theo UBND tỉnh Ninh Bình: Mục tiêu thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, đảm bảo phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, tài nguyên, năng lượng.
Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm và các dự án kêu gọi vốn đầu tư mà Ninh Bình có thế mạnh nhằm khai thác tiềm năng, sử dụng cơ sở hạ tầng nâng cao sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ưu tiên thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, các dự án sử dụng đất có hiệu quả và sử dụng lao động địa phương, cụ thể như trong lĩnh vực công nghiệp: Các nghề, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao; thu hút các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn ngoài ngân sách để hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển đột phá công nghiệp tập trung, ưu tiên xây dựng và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, các ngành công nghiệp hỗ trợ, dặc biệt là công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất lắp ráp ô tô.
Được biết, ngay từ đầu những năm 2000, tỉnh đã thực hiện chuyển hướng chiến lược từ "Nâu" sang "Xanh", chuyển từ công nghiệp sản xuất vật liệu sang phát triển du lịch, chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, khoanh vùng cấm và tạm cấm khai thác các dãy núi đá vôi, rừng đặc dụng. Đến nay, Ninh Bình đã dừng thu hút các dự án chiếm nhiều diện tích đất, sử dụng công nghệ lạc hậu và đóng góp giá trị kinh tế thấp.
Như vậy, không phải đến thời điểm này Ninh Bình mới thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mà đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội, đã sớm được định hình và có những bước đi bài bản.
Trên cơ sở xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển, Ninh Bình đang hướng đến phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh, chất lượng cao, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên và chăm lo đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Giám đốc Công ty Phát triển Xanh cho biết: Với mục tiêu, định hướng và khát vọng phát triển trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần một tầm nhìn mới, vị thế mới, một hình ảnh mới cho giai đoạn chuyển mình để giải phóng, phát huy được hết các giá trị bản sắc địa phương, trở thành nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội và tận dụng được những yếu tố mang tính thời cơ của bối cảnh mới mang lại. Đặc biệt, Ninh Bình phải luôn kiên định với mục tiêu, quan điểm phát triển vừa có tính kế thừa, vừa có tính đột phá dựa trên 3 trụ cột chính, phát triển, đổi mới nền kinh tế một cách toàn diện, theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, mang tính điều hướng, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và khu vực.