Ninh Bình làm gì để giúp doanh nghiệp vượt qua COVID-19?

Diendandoanhnghiep.vn Cũng như các doanh nghiệp trên cả nước, nhiều doanh nghiệp tại Ninh Bình đang phải đối mặt với khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

Theo Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, 2 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có chiều hướng sụt giảm, đặc biệt một số mặt hàng như sản phẩm may mặc ước đạt 1.127 nghìn sản phẩm, giảm 36% so với cùng kỳ; may đồ thể thao ước đạt 165 nghìn sản phẩm, giảm 43% so với cùng kỳ; clinker ước đạt 450 nghìn tấn, giảm 9% so với cùng kỳ; linh kiện điện tử ước đạt 4.669 nghìn sản phẩm, giảm 10% so với cùng kỳ.

Ông Hoàng Trung Kiên - Giám đốc Sở Công thương nhận định, qua khảo sát, đánh giá của ngành Công thương, chúng tôi nhận thấy lực cản lớn nhất đối với nhiều doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay chính là thị trường và nguồn nguyên liệu. Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu 2 tháng đầu năm của tỉnh vẫn tăng cao nhưng cục bộ một số ngành sản xuất đã xuất hiện những khó khăn như dệt may, linh kiện điện tử, sản xuất phân bón...

Đúng như những nhận định trên, Công ty TNHH thêu Minh Trang, xã Ninh Hải, Hoa Lư, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Bà Vũ Thị Hồng Yến - Phó giám đốc Công ty TNHH thêu Minh Trang cho biết, từ khi bùng phát dịch bệnh đến nay, doanh thu của Công ty đã giảm trên 50%, trong khi đó mỗi tháng để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân, Công ty sẽ phải chi trả ít nhất 200 triệu đồng.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH may Nien Hsing (Khu công nghiệp Khánh Phú) đang gặp khó vì thiếu nguyên liệu. Ảnh Hồng Giang

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH may Nien Hsing (Khu công nghiệp Khánh Phú) đang gặp khó vì thiếu nguyên liệu. Ảnh Hồng Giang

“Chúng tôi đã phải đóng cửa khu trưng bày sản phẩm, từ chối khách du lịch tham quan sản phẩm truyền thống của làng nghề thêu Văn Lâm vì sợ ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Cùng với đó, việc sản xuất các đơn hàng xuất khẩu được đặt từ năm ngoái cũng đang gặp khó khăn về nguyên liệu.

Công ty đang nỗ lực bằng 200% năng lực của mình để nhập khẩu vải về hoàn thành các đơn hàng mà không chắc chắn được rằng có xuất khẩu cho bạn hàng được hay không bởi thị trường xuất khẩu chính của Công ty đều ở những quốc gia đang có dịch như: Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Đức...”, bà Yến than thở.

Ông Lê Xuân Lâm - Quản lý Bình Minh limousine cho biết, Công ty chúng tôi hiện có 11 đầu xe chạy tuyến cố định Ninh Bình - Hà Nội, bắt đầu mỗi ngày từ 5 giờ sáng cho đến 18 giờ tối, tần suất 1 tiếng/chuyến.

“Cùng kỳ năm trước, chúng tôi luôn trong tình trạng “cháy” xe vì không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Song từ sau tết Nguyên đán đến nay, lượng khách giảm đến 2/3, thậm chí có chuyến xe chỉ có 4 - 5 khách, dẫn tới doanh thu của hãng giảm đáng kể.

Đặc biệt là kể từ khi các điểm du lịch tạm ngừng đón khách (từ ngày 13/3), lượng khách lại càng sụt giảm thêm. Ước tính lượng khách đi xe của hãng giảm đến 80%, bởi vậy nên trong số 11 đầu xe hiện có thì chỉ có 2-3 đầu xe hoạt động”, ông Lâm .

“Đây cũng là tình trạng của rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”, ông Lâm nhấn mạnh.

 

Ông Hoàng Trung Kiên - Giám đốc Sở Công thương cho biết, để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngành Công thương đang xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với tác động của dịch bệnh.

“Sở sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước phù hợp với các ngành hàng đang gặp khó khăn của tỉnh để kết nối các doanh nghiệp. Khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động nắm bắt công nghệ để thay thế sửa chữa các dây chuyền sản xuất không quá phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài.

Bên cạnh đó, sẽ tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghiệp phụ trợ vào các cụm công nghiệp trong tỉnh để trong tương lai các doanh nghiệp trong nước sẽ chủ động hơn về nguồn nguyên liệu, tránh phụ thuộc vào các thị trường lớn.

Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký song phương, đa phương để tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực ít chịu ảnh hưởng của dịch. Đối với các đơn vị vận tải lữ hành, tỉnh cũng đang lắng nghe, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ”, ông Kiến cho biết.

Khó khăn mà các doanh nghiệp tại Ninh Bình đang gặp phải do COVID-19 cũng chính là khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Vì vậy, cùng với sự trợ giúp của chính phủ, các Bộ ngành thì sự chủ động, vững vàng của doanh nghiệp là rất cần thiết.

Như Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân gần đây cho biết, ông nhận được cuộc gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cộng đồng này “tham chiến” mạnh mẽ, vượt khó trong đại dịch.

"Thủ tướng thông báo với tôi rằng với Chỉ thị 11 (về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19) được ban hành, Chính phủ và Thủ tướng đã lắng nghe, tiếp thu nguyện vọng, đề nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, yêu cầu các bộ, ngành cấp bách tham mưu chính sách", ông Thân cho biết

Thông qua lãnh đạo hiệp hội, Thủ tướng một lần nữa truyền đi tinh thần "chống dịch như chống giặc", đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia tích cực cùng hệ thống chính trị để kiểm soát, phòng ngừa có hiệu quả dịch COVID-19, cố gắng khắc phục khó khăn tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Ninh Bình làm gì để giúp doanh nghiệp vượt qua COVID-19? tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713890305 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713890305 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10