Ninh Bình đang sẵn sàng đón nhận một luồng gió mới trong phát triển công nghiệp với sự xuất hiện của nhiều khu công nghiệp thế hệ mới.
Bước đột phá mới
Sau sáp nhập, Ninh Bình sắp có thêm khu công nghiệp Kim Bảng 4 quy mô lớn 184ha, tọa lạc tại các phường Kim Bảng, Kim Thanh và Ninh Bình, thị xã Kim Bảng dự kiến khởi công vào tháng 12/2025. Khu công nghiệp này được đánh giá là vô cùng chiến lược khi nằm gần đường vành đai 5 Thủ đô, Quốc lộ 1A và cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. Đặc biệt, khu vực quy hoạch được bao quanh bởi bốn tuyến đường lớn có mặt cắt ngang từ 30 – 42m, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho giao thông và vận chuyển hàng hóa. Dự án hứa hẹn sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Theo quy hoạch sử dụng đất, hơn 120ha sẽ được dành cho xây dựng nhà máy, xí nghiệp, cùng với 3,7ha dành cho khu dịch vụ và phần còn lại phục vụ giao thông, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật. Các lô đất công nghiệp được quy hoạch thành 14 ô, có mật độ xây dựng tối đa 70% và cao tối đa 5 tầng. Khu dịch vụ sẽ có các công trình lưu trú, tiện ích công cộng, thiết chế văn hóa – thể thao, với mật độ xây dựng tối đa 65% và cao không quá 12 tầng, đáp ứng nhu cầu toàn diện cho người lao động và doanh nghiệp.
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của khu công nghiệp Kim Bảng 4 lên tới hơn 2.465 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 375 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được huy động từ vốn vay tín dụng. Chi phí bồi thường và hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự kiến vượt 591 tỷ đồng, cho thấy sự đầu tư lớn và bài bản vào dự án này. Chủ đầu tư giai đoạn 1 là Công ty TNHH Hai Pha Việt Nam, một doanh nghiệp có kinh nghiệm trong phát triển hạ tầng và đô thị. Hai Pha Việt Nam được thành lập năm 2005, hiện đặt trụ sở tại phường Châu Sơn, Ninh Bình, với vốn điều lệ 989 tỷ đồng. Công ty này từng là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như khu nhà ở Hano Park 1 & 2 và Khu đô thị Kim Bình.
Dự án dự kiến có thời gian triển khai 36 tháng kể từ khi được giao đất. Năm 2025, chủ đầu tư sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục hành chính và công tác giải phóng mặt bằng. Từ tháng 12/2025 đến tháng 9/2028, việc xây dựng sẽ được tiến hành song song với giải phóng mặt bằng và dự kiến khu công nghiệp sẽ đi vào vận hành từ cuối năm 2028, tạo việc làm cho khoảng 16.000 – 20.000 lao động. Khu công nghiệp Kim Bảng 4 không chỉ là một dự án đơn lẻ mà còn nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp tổng thể của Ninh Bình theo hướng “xanh” và “bền vững”.
Tỉnh Ninh Bình (cũ) có 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.472 ha, trong đó 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định với tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Mục tiêu đến năm 2030, Ninh Bình sẽ nâng tổng số khu công nghiệp lên 11, với diện tích khoảng 2.790 ha, tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Điều này thể hiện tầm nhìn của Ninh Bình trong việc thu hút đầu tư chất lượng cao, đặc biệt là các dự án công nghiệp cơ khí, lắp ráp sản xuất ô tô, và công nghiệp công nghệ cao. Các khu công nghiệp mới như Phú Long và Gián Khẩu sẽ phát triển theo mô hình khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, hướng tới mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Tiềm năng phát triển khu công nghiệp sau sáp nhập
Việc sáp nhập Ninh Bình với Nam Định và Hà Nam tạo ra một siêu tỉnh với tiềm năng phát triển công nghiệp vượt trội, hình thành một "tam giác vàng" công nghiệp mới ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô. Sự kết hợp này không chỉ mở rộng quỹ đất và nguồn nhân lực mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh độc đáo cho khu vực. Theo đó, khu vực Ninh Bình sau sáp nhập sẽ có một hệ thống khu công nghiệp và cụm công nghiệp ấn tượng. Tổng số khu công nghiệp được quy hoạch, dự kiến lên tới 33 khu công nghiệp theo định hướng đến năm 2030, với diện tích 8.819 ha.
Trong đó, Ninh Bình (cũ) nổi bật với ngành công nghiệp cơ khí ô tô và công nghiệp phụ trợ, đang hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hàng đầu quốc gia và khu vực. Tỉnh đã có 7 khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy cao, thu hút nhiều dự án lớn như Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng CFG, Nhà máy xi măng The Vissai, Nhà máy camera môđun MCNEX VINA và Nhà máy HTMV số 2 của Hyundai Thành Công...
Hà Nam (cũ) với 12 khu công nghiệp và 19 cụm công nghiệp, trong đó 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 84,44%. Thời gian qua tỉnh tập trung thu hút công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, linh kiện điện - điện tử, dệt may (trừ nhuộm), thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm và hóa chất tẩy rửa, ưu tiên phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường, đặc biệt chú trọng các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ sinh học và y dược.
Nam Định (cũ) có thế mạnh về công nghiệp dệt may, cơ khí chế tạo, chế biến nông sản thực phẩm và đang phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Ngành dệt may chiếm hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Nam Định cũng có tiềm năng lớn trong chế biến thực phẩm từ lúa gạo, thủy hải sản. Với hệ thống giao thông đồng bộ, Nam Định có vị trí thuận lợi kết nối với Hà Nội và các trung tâm kinh tế lân cận. Trước sáp nhập, Nam Định đã khai thác 6 khu công nghiệp hiện có và phát triển thêm 10 khu công nghiệp mới, nâng tổng diện tích quy hoạch lên 2.546 ha đến năm 2030.
Ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, Khu kinh tế, khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, sự phát triển của các khu kinh tế, các khu công nghiệp của Ninh Bình thời gian qua vẫn còn một số vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Do vậy, ông Sơn yêu cầu, ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh sớm có quy chế phối hợp với các ngành trong tỉnh để tạo thuận lợi, nhanh nhất cho công tác thu hút đầu tư và đảm bảo hoạt động hiệu quả của các nhà đầu tư trên địa bàn. Cùng với đó, cần bắt tay vào công tác quy hoạch lại tổng thể, đồng bộ, phù hợp đảm bảo tính khoa học, tránh lãng phí, phù hợp với các quy hoạch ngành khác, có định hướng phát triển lâu dài và phù hợp với quy hoạch tỉnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn đối với những dự án chậm tiến độ, dự án không hiệu quả… nhằm tạo môi trường đầu tư công bằng, văn minh, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Có thể thấy, tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập sẽ mở ra không gian mới cho kết nối phát triển hiệu quả các khu công nghiệp. Với lợi thế về vị trí, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và quỹ đất công nghiệp đa dạng, nguồn lao động dồi dào, khu vực này chính là điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh. Trong đó, các khu công nghiệp nổi bật nhờ tính pháp lý minh bạch, hạ tầng sẵn sàng, và chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư cạnh tranh sẽ là động lực và nền tảng đưa tỉnh Ninh Bình (mới) nổi lên như một trung tâm công nghiệp mới của khu vực Bắc và cả nước.