Doanh nghiệp

Khu công nghiệp sinh thái: Hướng đi bền vững cho công nghiệp Việt Nam

Thu Duyên - Nguyễn Chuẩn 11/07/2025 20:09

Khi nền kinh tế tuần hoàn và cam kết Net Zero 2050 trở thành định hướng chiến lược của Việt Nam, mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) nổi lên như chìa khóa cho sự phát triển bền vững.

Ngày 11/7, tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Khoa Quản lý Đô thị cùng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng AIST – Tập đoàn S‑GROUP Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học chủ đề “Đầu tư và phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam – Tiềm năng, thách thức và tầm nhìn chiến lược cho mục tiêu phát triển bền vững”. Đây không chỉ là diễn đàn trao đổi học thuật, mà còn mở ra tầm nhìn thực tiễn để kiến tạo tương lai công nghiệp xanh cho cả nước.

7(1).jpg
Hội thảo: “Đầu tư và phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam – Tiềm năng, thách thức và tầm nhìn chiến lược cho mục tiêu phát triển bền vững”. Ảnh S - Group.

Tại hội thảo, PGS TS Lưu Đức Hải (Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng) nhấn mạnh: “KCNST không chỉ là một mô hình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nguyên liệu theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, mà còn là công cụ quan trọng để thực hiện cam kết giảm phát thải và mục tiêu tăng trưởng xanh của quốc gia”. Ông cũng dẫn chứng cách Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) định nghĩa KCNST: “Một cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ và tái sử dụng tài nguyên, hướng đến lợi ích kinh tế – xã hội – môi trường”.

Hiện Việt Nam có hơn 430 khu công nghiệp với tổng diện tích đất công nghiệp gần 130.000 ha, nhưng chỉ 1–2% đang triển khai chuyển đổi theo mô hình sinh thái. Theo Thông tư 05/2025/TT-BKHĐT, Chính phủ đã ban hành các tiêu chí cụ thể, từ quy hoạch tổng thể đến tiêu chuẩn xử lý nước thải, quản trị xanh và chuyển đổi số trong KCN. Mạng lưới thí điểm như Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) đã cho thấy hiệu quả: nhà máy xử lý nước thải công suất 2.000 m³/ngày, tái sử dụng 25% lượng nước, tiết kiệm 600 triệu đồng mỗi năm và hình thành ba chuỗi cộng sinh công nghiệp, đáp ứng 100% nhu cầu xử lý chất thải.

Cũng tại hội thảo, ThS KS Bạch Ngọc Tùng, Viện phó AIST, đã chỉ ra rằng, phát triển mạng lưới KCNST quốc gia là yêu cầu cấp thiết. Các khu không thể là thực thể biệt lập mà phải kết nối thành các cụm, hành lang kinh tế xanh, chia sẻ nguồn lực và chuỗi cộng sinh công nghiệp liên vùng. Quan điểm này làm rõ tầm vóc chiến lược của quy hoạch liên kết vùng, từ Đồng bằng Sông Hồng đến Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

5-1-(1).jpg
ThS KS Bạch Ngọc Tùng, Viện phó AIST phát biểu tại hội thảo. Ảnh S- Group.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi gặp nhiều rào cản. Ở góc độ thể chế, khung pháp lý còn thiếu đồng bộ giữa Luật Đầu tư, Môi trường, Đất đai và Xây dựng, gây khó khăn cho chủ đầu tư và các doanh nghiệp trong KCN. Về tài chính, nguồn vốn “xanh” như tín dụng xanh, trái phiếu xanh hay quỹ bảo vệ môi trường vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận. Công nghệ quản lý thông minh (IoT, AI, GIS) và chuyển đổi số, mặc dù được khuyến khích, nhưng tỷ lệ áp dụng còn rất thấp do chi phí đầu tư ban đầu lớn và thiếu nguồn nhân lực chuyên môn.

Trong khi đó, PGS TS Bùi Mạnh Hùng – Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội – cảnh báo: “Khung pháp lý về KCNST vẫn rải rác trong nhiều văn bản dưới luật, chưa có Luật riêng để tạo hành lang vững chắc. Điều này khiến thủ tục hành chính chồng chéo và doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện chuyển đổi”. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu cao hơn 20–30 % so với KCN truyền thống, cùng hạn chế về công nghệ cộng sinh và quản lý môi trường, đang kìm hãm tốc độ phát triển.

Hội thảo cũng đề xuất bốn nhóm giải pháp đồng bộ:

Hoàn thiện pháp lý: Ban hành Luật KCN riêng biệt, thống nhất các văn bản hướng dẫn, quy chuẩn kỹ thuật cho KCNST, từ cấp phép đến đánh giá hiệu quả.

Xây dựng cơ chế tài chính xanh: Thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư công nghệ tuần hoàn, miễn giảm lãi vay cho dự án KCNST và khuyến khích phát hành trái phiếu xanh.

Thúc đẩy chuyển đổi số: Đầu tư hệ thống giám sát môi trường trực tuyến (CEMS), nền tảng cộng sinh số hóa để kết nối doanh nghiệp, chia sẻ phụ phẩm, dịch vụ chung .

Phát triển nhân lực và tư vấn: Đào tạo chuyên sâu về kinh tế tuần hoàn, cộng sinh công nghiệp, quản lý tích hợp; thành lập các trung tâm tư vấn – điều phối trong KCN để hỗ trợ doanh nghiệp lồng ghép các giải pháp xanh.

Ở bình diện quốc tế, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, để KCNST thực sự phát huy hiệu quả, cần kết hợp “top-down” (chính sách, quy định) với “bottom-up” (dự án thí điểm, hợp tác doanh nghiệp). Mạng lưới KCNST quốc gia không chỉ quy tụ các khu được xây mới theo chuẩn sinh thái, mà còn kết nối cộng sinh giữa các KCN trong vùng – vùng sinh thái, hành lang kinh tế xanh và trung tâm đổi mới sáng tạo.

Nhìn về tương lai, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Việt Nam cần lồng ghép mục tiêu sinh thái trong quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị công nghiệp. Mỗi vùng kinh tế lớn (Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long…) cần có “hạt nhân sinh thái” làm chuẩn mực, gắn kết với năng lượng tái tạo, logistics xanh và trung tâm xử lý chất thải. Hệ thống dữ liệu quy hoạch-môi trường-đầu tư phải được số hóa, phục vụ giám sát và đánh giá vòng đời để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.

Nhìn chung, trên con đường phát triển xanh, khu công nghiệp sinh thái không chỉ là lựa chọn, mà là cơ hội vàng để Việt Nam kiến tạo công nghiệp thịnh vượng, thân thiện môi trường và hội nhập sâu rộng cùng chuỗi giá trị toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khu công nghiệp sinh thái: Hướng đi bền vững cho công nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO