Kinh tế địa phương

Ninh Bình: Tiên phong kiến tạo cụm công nghiệp xanh, thông minh

Minh Huệ - Lê Cường 27/07/2025 1:52

Ninh Bình, vùng đất với di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo, đang mạnh mẽ chuyển mình, để trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại, song hành cùng mục tiêu phát triển bền vững.

Tỉnh không chỉ chú trọng thu hút đầu tư mà còn định hướng phát triển các cụm công nghiệp xanh và thông minh, tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng kinh tế địa phương.

Cụm công nghiệp liên vùng

Việc sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình để hình thành tỉnh Ninh Bình mới đang mở ra không gian phát triển công nghiệp rộng lớn. Trong đó, các cụm công nghiệp được xem là vệ tinh chiến lược, đóng vai trò chia sẻ chức năng, giảm tải cho khu công nghiệp lớn và thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Theo Sở Công thương Ninh Bình: Từ năm 2016 đến 2024, ngành công nghiệp tại khu vực Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,25%/năm, vượt xa mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế vùng là 8,75%/năm.

Đến năm 2024, ngành công nghiệp chiếm 39,2% trong cơ cấu GRDP, cao hơn cả ngành dịch vụ (32,5%) và nếu tính thêm ngành xây dựng, tỷ trọng đạt tới 47,9% GRDP. Con số này cho thấy vai trò then chốt của công nghiệp trong nền kinh tế vùng, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về tổ chức lại không gian sản xuất để phù hợp xu thế tăng trưởng xanh, tuần hoàn và gắn kết vùng.

1(5).jpg
Tỉnh Ninh Bình sắp có thêm 2 cụm công nghiệp 1.600 tỷVNĐ. Các cụm công nghiệp này hướng đến thu hút ngành nghề công nghệ cao, sạch, công nghiệp hỗ trợ và chế tạo thiết bị (Ảnh minh họa)

Đi cùng với sự phát triển đó là hệ thống các CCN ngày càng mở rộng, được quy hoạch bài bản theo từng địa phương. Trong giai đoạn quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng số CCN được quy hoạch trên toàn địa bàn hợp nhất là 115 cụm, với tổng diện tích hơn 5.400ha.

Trong đó, địa phận Hà Nam (cũ) quy hoạch 21 CCN với diện tích khoảng 1.035ha. Địa phận Nam Định (cũ) có 70 CCN, tổng diện tích 3.178,5ha. Điểm đáng ghi nhận là 5 CCN tại Nam Định đã được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung, trong đó 3 trạm đã vận hành ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.

Về phía Ninh Bình (cũ), quy hoạch 24 CCN với tổng diện tích 1.253,7ha. Tính đến cuối năm 2024, đã có 17 cụm được thành lập và 13 cụm đi vào hoạt động. Với 362 dự án đầu tư đang triển khai, các CCN này đã tạo việc làm cho trên 30.000 lao động. Đáng chú ý, có 8 CCN đã và đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 5 CCN đã đạt chuẩn theo quy định hiện hành.

Tổng thể, toàn tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập đã có 47 CCN đi vào hoạt động với mức độ phát triển tương đối đồng đều giữa các địa phương thành phần. Điểm tích cực là một số địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn (Nam Định có 3 CCN; Ninh Bình có 5 CCN). Hệ thống CCN đang ngày càng khẳng định vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi phát triển, đặc biệt tại các địa phương vốn có lợi thế về vị trí địa lý, lao động và truyền thống sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, không ít CCN vẫn đang gặp khó khăn về tiến độ đầu tư hạ tầng, nhất là hệ thống xử lý môi trường chưa đồng bộ, còn thiếu các cụm theo chuyên ngành hoặc chuỗi giá trị cụ thể. Mặt khác, tại nhiều khu vực nông thôn và ven đô, mô hình sản xuất làng nghề còn phân tán, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm và thiếu hiệu quả trong khai thác tài nguyên đất đai. Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề sản xuất chưa định hướng rõ ràng theo chuỗi giá trị hoặc liên kết vùng, dẫn tới việc khai thác tiềm năng còn manh mún, thiếu bền vững.

Việc sáp nhập 3 tỉnh mở ra cơ hội vàng để tích hợp quy hoạch, rà soát không gian phát triển CCN liên vùng một cách bài bản. Điều này giúp kết nối hệ thống CCN trở thành vệ tinh hiệu quả cho các KCN lớn như các KCN: Đồng Văn, Bảo Minh, Khánh Phú, Gián Khẩu… đang thu hút các dự án có tính chiến lược cho sự phát triển của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hướng đến mục tiêu

Với mục tiêu hướng tới các cụm công nghiệp "xanh" và "thông minh" là một quyết sách chiến lược, thể hiện tầm nhìn xa của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Bà Nguyễn Thị Hoa - Trưởng phòng Phát triển CCN, Cục Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công, Bộ Công Thương cho biết: Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành công nghiệp vùng hợp nhất xác định phát triển CCN theo 4 mô hình chủ lực: CCN chuyên ngành theo chuỗi giá trị, CCN sinh thái, công nghệ cao, CCN làng nghề sinh thái và CCN hỗn hợp gắn với đô thị, nông nghiệp, dịch vụ.

2(5).jpg
Tỉnh Ninh Bình không chỉ chú trọng thu hút đầu tư mà còn định hướng phát triển các cụm công nghiệp xanh và thông minh (Ảnh minh họa)

Mục tiêu của Ninh Bình là xây dựng các cụm công nghiệp không chỉ là nơi tập trung sản xuất, mà còn là những hình mẫu về hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp trong cụm sẽ được khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Theo bà Hoa, sự hình thành tỉnh mới với không gian phát triển mở rộng đang tạo ra bước ngoặt trong định hướng phát triển công nghiệp. Trong đó, các cụm công nghiệp (CCN) không chỉ là điểm tựa cho sản xuất địa phương mà còn đóng vai trò vệ tinh chiến lược, chia sẻ chức năng, hỗ trợ và giảm tải cho các khu công nghiệp (KCN) lớn.

Đặc biệt, xu hướng phát triển CCN theo hướng xanh, thông minh đang được xem là lời giải cho mục tiêu vừa tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc vùng đất di sản.

Ông Vũ Văn Hưng - Giám đốc Trung tâm Khuyến công, xúc tiến thương mại và phát triển CCN, Sở Công Thương cho biết: Tỉnh Ninh Bình xác định, ngành công nghiệp tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh theo hướng hiện đại, dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghiệp sạch, bền vững, thân thiện với môi trường. Do vậy, một hướng đi giàu bản sắc và tiềm năng phát triển sinh kế là mô hình CCN làng nghề sinh thái.

Ông Hưng cho rằng: “Thay vì để các cơ sở làng nghề sản xuất phân tán, mô hình này sẽ tập trung hóa, tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, trưng bày, du lịch, đồng thời áp dụng công nghệ sạch như tuần hoàn nước, tiết kiệm năng lượng, từ đó vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo tồn văn hóa và tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa”. Các mô hình mới này đều nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa CCN trở thành không gian sản xuất đa chức năng, hỗ trợ cho công nghiệp lớn, đồng thời đảm bảo mục tiêu kép: phát triển nhanh và bền vững, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Theo các chuyên gia về BĐS công nghiệp cho rằng: Để hiện thực hóa mục tiêu này, các cụm công nghiệp tại Ninh Bình, tỉnh cần ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu. Các quy trình sản xuất sẽ được tối ưu hóa để giảm thiểu phát thải và tạo ra ít chất thải nhất có thể; Ứng dụng các giải pháp thông minh trong việc quản lý, giám sát và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác. Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, hướng tới tự chủ năng lượng cho các cụm công nghiệp.

Trong đó chú trong, đầu tư vào các hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn và khí thải đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn, tái chế và tái sử dụng chất thải để tạo ra giá trị mới.

Thêm nữa việc tỉnh cũng chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin vững chắc, ứng dụng IoT (Internet vạn vật), AI (Trí tuệ nhân tạo) và các giải pháp số hóa vào quản lý, vận hành cụm công nghiệp. Điều này giúp giám sát môi trường theo thời gian thực, quản lý giao thông, an ninh và tối ưu hóa hoạt động sản xuất của các nhà máy; Tăng cường mật độ cây xanh trong và ngoài khu vực nhà máy, tạo cảnh quan môi trường làm việc trong lành.

Phát triển các tiện ích công cộng, dịch vụ hỗ trợ cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Lợi ích bền vững cho Ninh Bình Việc phát triển các cụm công nghiệp xanh và thông minh mang lại nhiều lợi ích kép cho Ninh Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ninh Bình: Tiên phong kiến tạo cụm công nghiệp xanh, thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO