Việc kết nối các nhà đầu tư với hệ thống tín dụng của Nhà nước, góp phần quan trọng thu hút được nhiều dự án đầu tư chất lượng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chiều ngày 17/5/2025, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tổ chức Hội nghị kết nối nhà đầu tư và triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Hoan – Ủy viên BCH Đảng bộ Chính Phủ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhấn mạnh: Việc triển khai hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước sẽ góp phần quan trọng vào phát triển hạ tầng và thúc đẩy các dự án đầu tư có tính lan tỏa tại địa phương.
Ông Lê Văn Hoan khẳng định: Ngân hàng Phát triển Việt Nam mong muốn được lắng nghe những ý kiến chỉ đạo, đánh giá từ lãnh đạo tỉnh và các nhà đầu tư để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho các dự án trên địa bàn. Với tinh thần cùng phát triển, VDB cam kết sẽ tích cực đổi mới nhằm đem lại cho các quý vị sự hài lòng và hiệu quả cao nhất trong quan hệ hợp tác; VDB sẽ đoàn kết, đồng lòng quyết tâm triển khai thắng lợi nhiệm vụ Nhà nước giao, đặc biệt là triển khai hiệu quả, an toàn hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các thông tin chi tiết về các chính sách tín dụng mới trong Nghị định số 78/2023/NĐ-CP của Chính phủ, cơ chế vay vốn ưu đãi, cũng như quy trình hỗ trợ tài chính từ VDB. Các nhà đầu tư có cơ hội trao đổi trực tiếp với đại diện VDB về những vướng mắc và thắc mắc liên quan đến việc triển khai dự án của mình.
Ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Hội nghị kết nối nhà đầu tư và triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước tại tỉnh Ninh Thuận có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là dịp để các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thêm cơ hội kết nối, hợp tác với Ngân hàng Phát triển Việt (VDB), tiếp cận, tìm hiểu kỹ hơn về các quy định, điều kiện, thủ tục vay vốn theo Nghị định 78/2023/NĐ-CP ngày 07 /11/2023 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Nghị định 78/2023/NĐ-CP của Chính phủ không chỉ khẳng định vai trò then chốt của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong công tác thẩm định, quản lý và giám sát vốn vay, mà còn góp phần định hướng dòng vốn đầu tư đi đúng mục tiêu, phục vụ cho sự phát triển bền vững, hài hòa và đồng bộ theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp, nhà đầu tư mạnh dạn triển khai các dự án quy mô lớn, có tính động lực, nhất là lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận.
Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng đầu tư sẽ hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt mức 13 đến 14%, tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng trong cả nhiệm kỳ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng đề nghị và tin tưởng rằng lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sẽ tiếp tục đồng hành chặt chẽ cùng tỉnh Ninh Thuận, hỗ trợ kịp thời về vốn vay, tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư, triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm tại địa phương.
Trong khuôn khổ Hội nghị, VDB đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) thỏa thuận Hợp tác - Tài trợ vốn Tín dụng đầu tư của Nhà nước với các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam; Công ty Cổ phần Tập đoàn BIM; Công ty Cổ phần Tập đoàn K-MS (K-MS GROUP. JSC); Công ty TNHH SEAGULL ADC Ninh Thuận; Công ty TNHH Phú An Thành Gia Lai để cam kết cung cấp nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các dự án phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên tại tỉnh Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Trung Nam Group và Power China Việt Nam về phát triển Dự án Nhà máy sản xuất tháp trụ điện gió và kết cấu thép tại Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận..
Cũng tại Hội nghị, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã trao tặng 600 triệu đồng nhằm hỗ trợ xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đây là hoạt động ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm xã hội của VDB, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Sự kiện này đánh dấu một bước quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời giúp các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Tỉnh Ninh Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược nằm trên giao điểm nối liền 03 vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, là điều kiện thuận lợi để mở rộng giao thương và kết nối hợp tác đầu tư phát triển với các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước.
Trong những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh duy trì ổn định và tăng trưởng khá, quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2024 đạt 8,85%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 98,2 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,8%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41,7%, dịch vụ chiếm 31,5%.
Công tác thu hút đầu tư của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, giai đoạn 2021- quý I/2025, đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 102 dự án/487.16 tỷ đồng. Nâng tổng số dự án đến nay trên địa bàn tỉnh là 488 dự án/247.300 tỷ đồng; trong đó có 44 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 40.292 tỷ đồng (tương đương 1.214,13 triệu USD). Chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, công tác huy động nguồn lực Chương trình xóa nhà tạm nhà dột nát đạt kết quả tích cực.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số PCI năm 2024 của tỉnh, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố; năm thứ 3 liên tiếp nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI. Nhiều dự án có quy mô lớn về hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp, cảng biển được đầu tư, hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quy hoạch chiến lược tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ- TTg ngày 10/11/2023, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng. Quy hoạch xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo; Du lịch chất lượng cao; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng và thị trường bất động sản.