Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, Việt Nam là quốc gia thuộc… top đầu về lượng người quan tâm và truy cập các kênh đầu tư phi tập trung như forex hay các mô hình lừa đảo tài chính…
Không phải Forex (Foreign Exchange Market) với giao dịch qua mô hình các sàn xuyên quốc gia mới nở rộ gần đây. Đây là thị trường giao dịch ngoại hối phi tập trung đã có ở các quốc gia có nền tài chính phát triển từ rất lâu và thu hút đông đảo nhà đầu tư là các định chế, tổ chức, ngân hàng.... Tuy nhiên ở Việt Nam, đây lại là thị trường được nhiều nhà đầu tư cá nhân quan tâm bất chấp quy định cấm/ hạn chế đối tượng của pháp luật.
Đại dịch COVID-19 khiến kinh tế và thu nhập của người dân eo hẹp. Đây lại càng là lúc những sàn giao dịch forex phi pháp càng thêm sức hút với nhà đầu tư Việt, khi các sàn này hứa hẹn siêu sinh lời dễ dàng trở thành kênh nuôi mộng thoát nghèo, gỡ khó...
Những góc khuất, những vỡ mộng, những trắng tay, vô vàn chiêu lừa đảo được tung ra hấp dẫn nhiều nhà đầu tư cá nhân như thiêu thân lao vào quầng sáng của màn hình "cày" forex... tại các sàn forex biến tướng ở Việt Nam, đã được DĐDN trong nhiều kỳ phóng sự "Nở rộ đầu tư Forex" vừa qua. Để nhìn lại toàn cảnh vấn đề, DĐDN trò chuyện cùng ông Phan Dũng Khánh- Chuyên gia Đầu tư Tài chính.
- Hoạt động 20 năm trên thị trường đầu tư tài chính Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về forex? Và vì sao thị trường này sau một giai đoạn dài phát triển ngấm ngầm tại Việt Nam hàng chục năm, nay vẫn tiếp tục nở rộ?
Forex, nếu không đặt trong môi trường pháp lý đã được công nhận ở quốc gia, mà chỉ nhìn nhận trong biên giới Việt Nam, phải nói rằng đây là thị trường “càng cấm càng hấp dẫn”. Cái gì cấm người ta sẽ rất tò mò. Và thị trường này tương tự như cá độ đá banh, bài bạc… có tính thắng thua dễ gây bất ổn xã hội. Tuy nhiên nếu với bài bạc, sau một thời gian dài nghiêm cấm, nay Chính phủ đã có nới lỏng hơn với việc cho phép mở Casino ở một vài địa điểm nhất định, với các quy định nghiêm nhặt nhằm thu hút ngoài tệ qua đây, phục vụ nhu cầu khách nước ngoài; thì Forex vẫn hoàn toàn bị cấm với nhà đầu tư cá nhân.
Chính trong dịch COVID-19, khó khăn khiến người ta muốn tìm đến những kênh đầu tư tưởng hấp dẫn, dễ thoát khó, các mô hình dù bị cấm như forex mới bùng nổ trở lại.
- Sự hấp dẫn của forex chỉ là vì có nhu cầu đầu tư và càng cấm càng hấp dẫn, hay là… sao, thưa ông?
Nghe thì có vẻ sẽ làm ảnh hưởng niềm tự hào của người Việt Nam, nhưng có một sự thật rằng những gì có hơi hướng cờ bạc thì Việt Nam luôn đứng top đầu về quan tâm. Có một thống kê cho kết quả rằng các trang lừa đảo tài chính trên toàn cầu có tỷ lệ người Việt Nam truy cập nhiều nhất. Sở dĩ như vậy là do bên cạnh nhu cầu, đời sống của người dân nước ta còn nghèo, ai cũng mong đổi đời trúng số. Đặc biệt từ forex thì kênh này tuy rủi ro cao nhưng do nhờ margin mà tỷ suất sinh lời lên tới hàng trăm lần, thậm chí hàng ngàn lần thông thường. Một nhà đầu tư có thể có lời tính bằng lần chỉ trong 1 đêm, khiến họ dễ mờ mắt, mê mẩn tham gia và dễ rơi vào bẫy của các tay lừa. Đó là câu chuyện đánh cược về kỳ vọng.
- Tại Việt Nam, theo quan sát của ông, người tham gia chủ yếu là những đối tượng nào? Và phía cung cấp các trang đầu tư forex thì có những nhóm/ loại cụ thể ra sao?
Những đối tượng tham gia forex ở nước ta chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Tại Việt Nam, theo quy định, các tổ chức ngân hàng được giao dịch ngoại hối hợp pháp. Còn lại các tổ chức, định chế khác đều không. Mở rộng forex cho vàng và hàng hóa khác cũng có những quy định giới hạn đối tượng. Song trên sàn phi tự do xuyên qua thị trường quốc tế, các đối tượng từ Việt Nam tham gia chủ yếu lại là các Fo, F1 cá nhân. Và đa phần những là nhà đầu tư không biết chút gì về tài chính, ngoại hối, hay các sản phẩm phái sinh khác được phép giao dịch qua forex…
Chính do sự thiếu hiểu biết đó, mà thị trường này dù bị cấm lại vẫn rất dễ dàng biến tướng, phát triển rầm rộ bằng nhiều mô hình chiêu thức và thu hút được nhiều người tham gia. Nó cũng là quy luật hễ có cầu thì ắt sẽ có bên cung cấp.
Về phía nhóm, tổ chức cung cấp, nhìn chung tạm chia làm 2 loại: Thứ nhất, loại “đàng hoàng”, tức có giấy phép được cấp chính thức từ các cơ quan quản lý các sàn giao dịch ngoại hối lớn ở các quốc gia (Lưu ý nhóm này theo quy định pháp luật Việt Nam cũng là hoạt động bất hợp pháp). Thứ hai, loại lừa đảo với các loại sàn forex không được cấp phép, kết nối trực tiếp mà phải qua 1 đại lý, trung gian khác. Và dĩ nhiên đã lừa đảo, nhóm này càng là nhóm hoạt động phi pháp và là những bẫy lừa thu hút nhiều người tham gia nhất.
- Có thống kê nào ước lượng được số lượng các… bẫy lừa như vậy không, theo ông?
Trước đây, từ 3-5 năm trước, để có 1 sàn giao dịch forex thuộc nhóm 1, người đứng ra tổ chức tạm gọi chủ sàn phải đầu tư từ 500.000 USD- 1 triệu USD. Nay, với nhóm 2, chỉ cần 1.000 USD là họ có thể tạo sàn cơ bản qua một đại lý trung gian. Còn “đầu tư” lớn hơn cũng ở nhóm 2, nhưng có thể thêm hệ thống máy chủ, chuyên gia hỗ trợ…, thì chi phí có thể khoảng 20.000-30.000 USD. Chính vì suất đầu tư tạo bẫy đơn giản, không quá lớn như vậy nên dễ dàng hút được nhiều nhà đầu tư như thiêu thân lao vào. Do đó, từ chỗ chỉ có chừng chục sàn forex bất hợp pháp, nay Việt Nam nếu vào cuộc điều tra tận gốc, có thể lên đến cả hàng ngàn sàn forex phi pháp, đứng tên các cá nhân.
- Sự tồn tại của các forex như vậy theo ông mang đến hệ lụy gì ? Cần có ứng xử như thế nào từ cơ quan quản lý để vừa giúp người dân nhận diện, triệt trừ các sàn forex phi pháp lừa đảo, vừa phù hợp chính sách, pháp luật của Việt Nam và quốc tế?
Theo quy định pháp luật và cả đặc thù của kinh tế Việt Nam, việc mở rộng chính thức hay tồn tại forex chui đều có thể gây tác động đến an ninh tiền tệ quốc gia với tỷ giá, thị trường vàng, ngoại hối, cũng như gây bất ổn xã hội từ sự bất ổn, thắng thua, tay trắng, bị lừa của người dân/ nhà đầu tư khi tham gia.
Tuy nhiên, cũng phải nói với một thị trường tài chính hội nhập và năng lực quản lý ngày càng cao của cơ quan chức năng, có lẽ đến một lúc nào đó, tương tự như đề xuất cần có sàn giao dịch vàng quốc gia, ở một mức độ quan tâm thu hẹp hơn, cũng sẽ có đề xuất Việt Nam cần có sàn giao dịch ngoại hối/ forex quốc gia. Nếu có đề xuất này, tôi cho rằng các nhà quản lý, hoạch định chính sách rất cần quan tâm nghiên cứu sao cho phù hợp với định hướng kinh tế, chính sách, pháp lý Việt Nam trong sự hài hòa với xu hướng chung của thế giới và nhu cầu thị trường; cũng như sự chặt chẽ trong các quy định để giảm thiểu rủi ro (ví dụ thế giới margin 100, mình chỉ nên 10). Tất nhiên, đi cùng đó là các chế tài rõ ràng, đủ mạnh, cũng đủ sức để “dẹp”, triệt tiêu các mô hình lừa đảo tài chính đang tồn tại hiện nay.
Làm sao để luôn cân bằng giữa Luật, lợi ích nền kinh tế bao gồm nguồn thu thuế cũng như an toàn an ninh tài chính quốc gia và người dân đang và sẽ luôn là thách thức.
-Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm