Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ III): Giới chuyên gia nói gì?

LÊ SÁNG 17/10/2020 05:00

Trước sự nở rộ của các mô hình du lịch tâm linh trên cả nước, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại việc lãng phí, thậm chí sử dụng sai mục đích tài nguyên công thổ quốc gia.

Các mô hình phát triển du lịch tâm linh đã nở rộ thời gian qua trên cả nước như Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Cái Tráp (Hải Phòng) đến Lũng Cú (Hà Giang), Ma Thiên Lãnh (Tây Ninh), Bà Chúa Xứ (An Giang), Núi Cô Tiên (Khánh Hòa), Lạc Thủy (Hòa Bình),….

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, mô hình du lịch tâm linh cần được coi như một dự án kinh doanh du lịch gắn với yếu tố tâm linh và phải được hình thành như một dự án bình thường. Ảnh: Khu chùa Tam Chúc (Hà Nam)

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, mô hình du lịch tâm linh cần được coi như một dự án kinh doanh du lịch gắn với yếu tố tâm linh và phải được hình thành như một dự án bình thường. Ảnh: Khu chùa Tam Chúc (Hà Nam)

Trao đổi với DĐDN, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng điểm chung của những mô hình này, xét về bản chất là những dự án kinh doanh du lịch, dịch vụ dưới “lớp áo” tâm linh, công trình tôn giáo.

Một khi đã là dự án kinh doanh dịch vụ du lịch thì phải thực hiện theo các quy định của pháp luật từ việc lập dự án, lập quy hoạch và đặc biệt là phải thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất khi thực hiện dự án.

Thực tế cho thấy, đang có tình trạng các địa phương không biết vô tình hay hữu ý cùng với doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án du lịch tâm linh cố tình để hàng ngàn hecta đất và tài nguyên quốc gia ở tình trạng “lửng lơ” khi không xác định được đất được giao cho ai và mục đích giao, sử dụng là gì. Do đó, khi chùa mới xây lên thì hàng loạt công trình dịch vụ ăn theo từ lưu trú, ăn uống, vui chơi,… cũng “lô nhô” mọc theo nhưng cuối cùng thì các địa phương vẫn không biết đất đó giao cho ai, mục đích gì và tất nhiên là không thu được đồng tiền thuế nào.

Vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng rất đáng quan ngại bởi việc giao đất tôn giáo cho một doanh nghiệp, tổ chức dưới dạng mô hình du lịch gắn với tâm linh về bản chất không đúng với pháp luật hiện nay. Đối với nhu cầu tôn tạo hoặc xây dựng một công trình tôn giáo phải xuất phát từ nguyện vọng của đa số cộng đồng người dân địa phương chứ không phải nguyện vọng của một doanh nghiệp. Như vậy, có thể nói những quyết định giao đất của các địa phương để triển khai các mô hình du lịch tâm linh trên là chưa phù hợp, thậm chí có yếu tố sai phạm.

Cũng theo Giáo sư Võ thì do hiện nay, trong Luật Đất đai 2013 chưa có khái niệm, định nghĩa về dự án tâm linh. Khi xây dựng mô hình du lịch tâm linh tên gọi dự án phải được xác định rõ ràng là du lịch hay tâm linh. Nếu trong khu du lịch, doanh nghiệp có thể xây dựng công trình tôn giáo nhưng công trình đó phải trả tiền thuê đất vì mục đích chính là phục vụ phát triển du lịch, thu lợi nhuận. Không được “lợi dụng” tôn giáo để kinh doanh và tận dụng việc chính sách đất đai cởi mở đối với tôn giáo để sử dụng đất vào mục đích kinh doanh mà không phải chịu tiền sử dụng đất.

Không chỉ dừng lại ở việc “lập lờ” về mục đích sử dụng đất, việc một số doanh nghiệp ồ ạt xây chùa chiền nhằm thực hiện các dự án du lịch tâm linh còn đặt ra nguy cơ về sự lai căng kiến trúc, phá vỡ quy hoạch.

KTS.TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam lưu ý việc thực tế có thể nhiều nơi không nắm được quy tắc kiến trúc cho từng ngôi chùa, theo từng hệ phái khác nhau đã vô tình làm hỏng kết cấu, kiến trúc của nó bằng cách làm mới như một công trình xây dựng thông thường. Mặt khác, tại các dự án này người ta cũng không nắm chắc quy hoạch, chỗ nào cần bảo tồn chỗ nào cần xây dựng dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến di sản, môi trường thiên nhiên.

Theo KTS.TS Đào Ngọc Nghiêm thì các mô hình du lịch tâm linh tự phát dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến di sản, môi trường thiên nhiên

Theo KTS.TS Đào Ngọc Nghiêm các mô hình du lịch tâm linh nếu không có sự định hướng, quản lý chặt có thể dẫn có thể đến nguy cơ ảnh hưởng đến di sản, môi trường thiên nhiên

Như đối với dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy, vào tháng 9/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 48ha đất trồng lúa đã vấp phải sự phản ứng mạnh từ dư luận.

Khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nêu băn khoăn về việc nếu xây dựng khu du lịch tâm linh theo hướng thương mại liệu có thích hợp với không gian văn hóa bản địa hay không.

PGS

PGS.TS Nguyễn Văn Huy từng bày tỏ lo ngại trước việc lấy hàng chục ha đất trồng lúa để phục vụ xây dựng dự án du lịch sinh thái-tâm linh tại Lạc Thủy (Hòa Bình).

Việc lấy hàng chục héc-ta đất trồng lúa để phục vụ xây dựng dự án cũng là vấn đề rất quan ngại. Trong khi đó, theo PGS Huy thì bản thân Hòa Bình có rất nhiều thế mạnh rất đặc trưng nhưng lại không được khai thác.

Kỳ IV: Giải pháp nào cho du lịch tâm linh?

Có thể bạn quan tâm

  • Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ I): Chưa được định danh, khó kiểm soát

    Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ I): Chưa được định danh, khó kiểm soát

    05:00, 13/10/2020

  • Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ II): Doanh nghiệp

    Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ II): Doanh nghiệp "thỉnh không" hàng ngàn hecta đất

    05:00, 15/10/2020

  • Nhập nhèm đất tâm linh

    Nhập nhèm đất tâm linh

    11:00, 29/08/2019

  • Nhập nhèm đất du lịch tâm linh

    Nhập nhèm đất du lịch tâm linh

    15:30, 05/06/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ III): Giới chuyên gia nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO