Chế tài tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế đang ngày càng là nỗi ám ảnh với doanh nghiệp. Sự cân bằng, hài hòa lợi ích rất cần thấu tỏ, sẻ chia từ cơ quan quản lý.
CEO một hãng hàng không bị tạm hoãn vì xuất cảnh do nợ thuế không phải là trường hợp doanh nghiệp đầu tiên. Vào tháng 6/2024, một CEO bị tạm hoãn xuất cảnh ngay tại sân bay do nợ thuế 1 triệu đồng. Từ đó đến nay, rất nhiều trường hợp tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế lại được nêu lên.
Một điểm chung ở các doanh nghiệp bị chế tài là sau đó, doanh nghiệp nào cũng cố gắng chạy đôn chạy đáo để hoàn thành nghĩa vụ thuế, sau đó công bố thông tin đã hoàn thành nghĩa vụ nợ thuế, như một cách xóa đi thông tin tiêu cực với hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp.
Nhưng đó là trường hợp các doanh nghiệp có khoản nợ thuế nhỏ, có thể xoay xở nguồn, đi vay mượn được. Còn với những doanh nghiệp có nợ thuế lớn, hàng chục đến trăm tỷ đồng, gồm nợ thuế lũy kế, nợ thuế đất dự án v.v (và thường rơi vào nhóm doanh nghiệp bất động sản), hay doanh nghiệp có vấn đề phải tái cơ cấu (như Bamboo Airways) thì rất khó hoàn thành nghĩa vụ thuế ngay sau thông báo.
Tham dự buổi gặp gỡ doanh nghiệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mới đây, một doanh nghiệp báo cáo trường hợp đơn vị có nợ thuế theo dự án hơn nghìn tỷ, đã đóng lên tới 85% nhưng vì kẹt nhiều phía còn chưa kịp hoàn tất nghĩa vụ, đã bị nêu tên, bị tạm hoãn xuất cảnh, “các phương tiện thông tin sử dụng là “bêu” như doanh nghiệp là tội phạm hay có án vi phạm pháp luật nặng nề. “Việc sử dụng chế tài tạm hoãn xuất cảnh đối với doanh nghiệp nợ thuế tác động rất lớn, không chỉ ở hình ảnh, thương hiệu hay giá cổ phiếu, mà còn khiến đối tác, khách hàng không muốn hợp tác, làm ăn, mua bán cùng nữa, đặc biệt ở doanh nghiệp có đối tác nước ngoài. Vì vậy cách thức ứng xử này gây thiệt hại, thậm chí “bít cửa” khôi phục hoạt động kinh doanh, xóa sổ nỗ lực cải thiện nguồn thu và hoàn tất nghĩa vụ nợ... của doanh nghiệp”.
Vị lãnh đạo kiến nghị cơ quan quản lý thuế cần phân loại, chẳng hạn với giá trị nào, tỷ lệ nào, thời gian bao lâu thì được xét là nợ thuế, hay chây ỳ, hay trốn thuế. Qua đó có các mức chế tài công khai tương ứng. Đối với nợ thuế, cần được cục thuế, cơ quan thuế địa phương xem xét cụ thể, bởi doanh nghiệp nợ thuế không phải nợ không, chây ỳ mà vẫn đóng lãi theo quy định Nhà nước (0,03%) và đóng đủ bảo hiểm xã hội, vẫn trả lương cho người lao động... thì không nên bị áp chế tài nặng, bị hành xử kiểu “sống chết mặc doanh nghiệp miễn sao thu đủ thuế”.
“Chúng tôi thấu hiểu cơ quan thuế có nhiệm vụ đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách. Nhưng doanh nghiệp cũng mong các nhà quản lý thực hiện như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” - thấu hiểu doanh nghiệp. Xây doanh nghiệp như trồng cây, cũng có bội thu, thất bát, có mùa người trồng cây phải hái bỏ hết trái, chặt hết cành để dưỡng sức cây cho năm sau. Do đó, doanh nghiệp sẽ cố gắng hoàn thành nghĩa vụ thuế, nhà quản lý cũng nên có quy định, chế tài thấu tình đạt lý đảm bảo hài hòa lợi ích, dưỡng sức, đồng hành”, vị TGĐ nói.
Cũng ở trong danh sách “nợ thuế” mà không muốn bị nhắc tên, một doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất kiến nghị đã đến lúc cần xem lại các quy định. Về lý, cơ quan thuế có đầy đủ các quy định pháp luật như Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Luật Quản lý thuế và các văn bản luật liên quan khác. Thậm chí, có cả quy định cho phép doanh nghiệp được bảo lãnh nợ thuế. Nhưng thực tế khi doanh nghiệp đã khó, tài sản lớn mà cần thời gian để xử lý, không ai đứng muốn ra bảo lãnh hoặc bảo lãnh chi phí cao (gồm cả chi phí mềm), nên đây cũng là quy định chỉ để “cho có”, vẫn siết lại các cơ hội của doanh nghiệp. Ông này đồng thuận quan điểm cần xem xét để phạt theo tỷ lệ nợ thuế, phạt tăng dần, mà không chặn lối tìm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp (tất nhiên là ngoại trường hợp trốn thuế, nợ thuế cao hơn tài sản...).