Nỗi buồn mang tên Flappy Bird

Sông Hàn 18/11/2019 06:15

Trang công nghệ Cnet vừa công bố danh sách top 10 ứng dụng quan trọng nhất thập kỷ qua. Đáng chú ý, trong danh sách top 10 có sự xuất hiện của Flappy Bird - một ứng dụng phát triển bởi người Việt Nam.

Thông tin này mang lại cho chúng ta một cảm giác vừa tự hào vừa tiếc nuối. Chưa có một sản phẩm game nào của Việt Nam được thế giới biết đến như thế và cũng không biết đến bao giờ Việt Nam mới có sản phẩm khác được như thế.

Flappy Bird lọt top ứng dụng quan trọng nhất 10 năm qua

Flappy Bird lọt top ứng dụng quan trọng nhất 10 năm qua

Theo đó, danh sách 10 ứng dụng của Cnet có sự xuất hiện của hàng loạt ứng dụng phổ biến như game Candy Crush, ứng dụng bản đồ Google Maps, mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram, YouTube.

Được biết, game Flappy Bird có nội dung đơn giản và đồ họa không phức tạp. Người chơi chỉ việc chạm vào màn hình để điều khiển chú chim lách qua các đường ống, lách càng nhiều điểm càng cao, độ khó cũng tăng dần. Nó đứng số 1 trên App Store, Google Play, 50 triệu lượt tải về, được CNN, Forbes và hàng loạt hãng tin khác đã phải đưa tin và bàn luận.

Có thể bạn quan tâm

  • Flappy Bird lọt top ứng dụng quan trọng nhất 10 năm qua

    12:28, 17/11/2019

  • Game Việt bất ngờ tạo sóng toàn cầu, một Flappy Bird thứ hai?

    20:02, 22/08/2017

  • Nguyễn Hà Đông: 'Tôi không biết tại sao Flappy Bird thành công'

    10:02, 23/04/2017

  • Flappy Bird: Sân chơi ảo giá trị thật

    00:00, 18/02/2015

  • Flappy Bird vào top 10 tìm kiếm 2014

    00:00, 17/12/2014

Tức là, sự công nhận của thế giới với game Flappy Bird là không còn phải bàn cãi.  Vì thế, chuyện Nguyễn Hà Đông “khai sinh” rồi lại “khai tử” cho Flappy Bird để lại nhiều tiếc nuối cho người dùng. Và đã có những vấn đề được đặt ra: Tại sao Nguyễn Hà Đông phải “khai tử” đứa con tinh thần của mình? Làm sao để những tài năng Việt Nam có thể chắp cánh bay xa?

Thậm chí, tờ báo danh tiếng Forbes gọi tên là một “câu chuyện buồn”. Nhưng, với nhiều người Việt Nam, có lẽ mang một nỗi buồn khác. Đó là, xã hội mà chúng ta đang sống còn quá nhiều đố kỵ, ít lòng hào hiệp và tinh thần quảng đại. Cộng đồng này đang thiếu sự đỡ nâng cho nhau mà thừa sự cản trở chỉ vì thói ích kỷ.

Phải thẳng thắn nói với nhau như vậy, vì kể từ khi Flappy Bird ra đời và nổi tiếng thì nó bị “ném đá” là chủ yếu. Bao nhiêu trang mạng Việt Nam lao vào mổ xẻ về chuyện bản quyền. Nào là chỉ là trúng số độc đắc, nào là ăn may, nào là cóp nhặt ý tưởng… Trong khi các trang mạng nước ngoài chỉ nói thoáng qua về những rắc rối này, mà họ chủ yếu phân tích và ca ngợi sự thành công xuất sắc của game. Nó phần nào cho thấy tính xấu của người Việt Nam mình bộc lộ rất rõ nét.

 Có điều, rõ ràng là sự nổi tiếng của Flappy Bird nằm ngoài sự hình dung của chính tác giả. Nguyễn Hà Đông tâm sự anh chủ yếu vẫn phát triển những game đơn giản chỉ mất vài phút để chơi trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, nhưng với yêu cầu là phải “vừa khó vừa vui”.

Với suy nghĩ đơn giản như vậy, tác giả thoải mái “mượn” lại một số đồ họa từ những game nổi tiếng trước đây. Như trong Flappy Bird là chiếc ống nước màu xanh lá của trò chơi Super Mario Bros..v..v. Đây chính là cái “gót chân Achilles” của tác giả.

Vì bình thường thì chẳng sao, nhưng một khi đã trở thành nổi tiếng và thu được lợi nhuận lớn, anh chắc chắn sẽ bị truy cứu chuyện bản quyền về đủ thứ cái trong game, từ hình ảnh, tên gọi, kiểu chữ, âm thanh cho tới cả cách chơi và những đoạn mã lập trình. Cho dù là vô tình thôi, anh cũng có thể bị cho là “ăn theo” hai cái tựa game nổi tiếng một nay Angry Bird và một xưa Super Mario Bros.

Một chuyên gia công nghệ từng nói: “Đây là lần đầu tiên một trò chơi được cả truyền thông thế giới và trong nước quan tâm “quá mức” mà không có bất cứ một sự chuẩn bị hoặc ứng phó nào. Có lẽ Nguyễn Hà Đông cũng không dự đoán được thành công cũng như sự quan tâm của truyền thông với chính “đứa con” của mình. Truyền thông là con dao hai lưỡi, chính nó giúp Flappy Bird nổi tiếng và cũng chính nó giết chết trò chơi này”.

Song song, hãy nhìn những ứng dụng khác như Facebook, Twitter…dù thành công nhưng luôn phải trong tâm thế chấp nhận và đối phó với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ. Hoặc, hãy nhìn Sam Sung, mỗi khi hãng mới ra điện thoại thông minh Galaxy, đã bị người khổng lồ Apple kiện cáo vùi dập thế nào, nhưng Sam Sung và người Hàn vẫn đứng vững, và ngược lại. Vì thế, nói gì thì nói, cũng phải trách Nguyễn Hà Đông vì anh chưa có được bản lĩnh.

Có thể nói, dù Flappy Bird được nhắc tới như một nỗi buồn. Nhưng hãy nhớ, đây là game của một nhà phát triển phần mềm Việt trẻ tuổi, gây được tiếng vang trên toàn cầu và được vài chục triệu người tải về chơi. Hy vọng trong thời gian tới, tác giả sẽ có những bước chuẩn bị tốt hơn trước khi tung ra một sản phẩm khác, cũng “khuấy đảo” truyền thông trong nước và thế giới nhưng không phải kết cục như Flappy Bird.

Đồng thời, hãy nhớ thêm một điều, để có nhân tài không chỉ là sinh ra người có tài, mà cần phải xây dựng một môi trường xã hội biết nuôi dưỡng, khuyến khích và tôn trọng tài năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nỗi buồn mang tên Flappy Bird
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO