Nỗi đau chiến tranh!

Trương Khắc Trà 17/02/2020 06:00

Mỹ - Việt từng chiến tranh khốc liệt mấy mươi năm, để rồi xuất hiện những "người Mỹ trầm lặng" giành khoảng thời gian còn lại để hàn gắn vết thương!

Tôi còn nhớ, một sáng mùa hè cách đây hơn 20 năm, một tiếng nổ “đùng” xé tan bầu không khí tĩnh lặng, dường như làm ngưng đọng tất cả mọi hoạt động trong làng, mọi người bắt đầu nghe ngóng xem chuyện gì đã xảy ra...

Mấy phút sau, tin từ trung tâm vụ nổ loan đi - một vụ tai nạn bom mình rất nghiêm trọng xảy ra trong quá trình phá bom lấy thuốc nổ. Dân làng, người xe đạp, người chạy bộ hướng về phía có tiếng khóc, la thảm thiết.

Hiện trường là khoảng sân trước ngôi nhà tranh lụp xụp, mặt sân bị khoét sâu, một người nằm tại chổ, một người văng ra cách đó vài chục mét, tứ chi không còn gì! Mùi thuốc súng thoang thoảng phả vào đám đông ngày một lớn. Hai người kể trên, không ai đủ may mắn để thoát nạn!

Đó là một trong rất nhiều vụ tai nạn bom mình - vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh mà tôi từng chứng kiến, rất nhiều cái “ra đi” khi sắp lấy vợ, để lại con thơ vợ dại,... Tận thấy, và không có ngôn từ nào đủ để miêu tả nỗi đau ấy, người ta gọi đó là “nỗi đau chiến tranh”.

Bà xã tôi có hơn 10 năm công tác cho một dự án phi Chính phủ - nhiệm vụ của dự án này là rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, những ngày đầu tiên “vào nghề” liên tục stress vì đối mặt với bom, đạn - những thứ chết chóc mà chỉ có thế lực xâm lược mới mang đến và để lại.

Theo khảo sát của Bộ Quốc phòng năm 2017, có tới 82% diện tích tự nhiên tại Quảng Trị bị ô nhiễm vật liệu nổ, ước tính 800.000 ngàn tấn, đứng đầu cả nước. Toàn quốc từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương. Trong đó, phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em!

Một vụ hủy nổ bom mìn tại Quảng Trị

Một vụ hủy nổ bom mìn tại Quảng Trị

Ngày 26/7/2018, tôi bắt gặp một “ông Tây” tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), nơi yên nghỉ của hàng chục ngàn anh hùng liệt sĩ từ khắp mọi miền Tổ quốc - hệ quả xót xa của nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Người đàn ông ngoại quốc ấy dẫn theo một phụ nữ trạc tuổi và 2 chàng trai bảnh bao, cả 4 người họ đứng lặng trước đài tưởng niệm hồi lâu, vô tình lướt qua, tôi chợt thấy người đàn ông đỡ xấp khăn mùi soa lên đôi mắt, ông ấy đã khóc!

Hình ảnh ấy ám ảnh tôi nhiều ngày sau đó, tôi không đủ ngoại ngữ để giao tiếp, hơn nữa trong tình cảnh xúc động ấy không ai nỡ làm phiền ai. Nhưng bao câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu.

Liệu ông Tây ấy có thân thích họ hàng với vị liệt sĩ nào trong Nghĩa trang ấy? Không, chắc chắn là không! Bằng tất cả logic suy luận, người đàn ông ấy có lẽ từng tham chiến tại chiến trường Quảng Trị chăng? Vậy giọt nước mắt ấy đổ xuống vì hối hận ăn năn chăng? Với tôi, nó vẫn là một ẩn số.

Vào một ngày cuối tháng 5 năm 1993, di tích nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội đón tiếp hai vị khách đặc biệt đến từ nước Mỹ. Đó là hai thượng nghị sĩ, đồng thời là đôi bạn thân và cũng là những người có nhiều duyên nợ với Việt Nam: John McCain và John Kerry.

Nếu Thượng nghị sĩ McCain, cựu binh tham chiến tại Việt Nam, vẫn được người Mỹ ca tụng là anh hùng chiến tranh thì ông Kerry bước ra khỏi cuộc chiến trong tư thế ngược lại. Ông bị gọi là “kẻ phản bội” khi đi đầu phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam những năm 1970.

Dầu trái ngược nhưng hai ông vẫn gặp nhau cùng một điểm, dù sớm hay muộn đã nhận thấy nỗi đau chiến tranh mà nhiều người Mỹ cố chấp mang nó đến nước Việt Nam ta.

Cả hai ông, sau này đến Việt Nam nhiều lần đều mang theo những dự án hỗ trợ cộng đồng, dù ít nhiều vẫn là chút gì đó để con cháu những người Việt Nam từng tham gia chiến tranh vệ quốc thấy ấm lòng hơn.

Với Kerry, từng là ngoại trưởng Mỹ, một bài học từ Việt Nam mà ông luôn khắc cốt là “không thể chỉ nhìn các nước qua lăng kính người Mỹ”. Đúng như thế, chẳng những Mỹ, mà tất cả các nước còn lại cũng không thể và không nên nhìn láng giềng bằng lăng kính của mình.

Không có chiến tranh nào không máu chảy đầu rơi!

Không có chiến tranh nào không máu chảy đầu rơi! (Ảnh tư liệu)

Lịch sử đã làm nhiệm vụ của mình là thống kê các mất mát do chiến tranh gây ra, còn hậu thế có nhiệm vụ nhìn vào lịch sử để viết nên thêm nhiều bài học, khắc cốt ghi tâm ông cha ta chưa từng nhu nhược trước bất cứ thế lực bành trướng nào.

Có thể bạn quan tâm

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc] Nghĩ về những đường biên Tổ quốc

    05:19, 21/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc] Cuộc chiến 1979 và những bài học

    15:21, 20/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc] Mãi ghi công những người đã ngã xuống vì đất nước

    16:44, 18/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hồi ức của một người lính

    18:10, 17/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Nhắc chuyện quá khứ để hướng đến tương lai

    17:19, 17/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Mưa nơi miền biên viễn...

    15:14, 17/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hành trang người lính

    12:00, 17/02/2019

Cuộc chiến tranh biên giới chống quân bành trướng Bắc Kinh năm 1979, tuy cách thế hệ 8x, 9x không xa nhưng có điều, hôm nay ngồi đọc vài trang sử về sự kiện ngày 17/2/1979 sao cứ thấy chẳng hề quen như khi nhắc đến những nhân vật lịch sử cách đây cả nghìn năm!

Chiến tranh là chiến tranh, lịch sử là lịch sử nhưng hai phạm trù này vẫn cắt nhau một điểm đó là “lịch sử chiến tranh”. Thử hỏi, có chiến tranh nào không đổ máu, không mất mát, không thương đau dai dẳng...?

Vậy nên rất khó đòi hỏi lịch sử toàn “màu hồng”, sử sách càng trung thực thế hệ tương lai càng trở nên “tường gốc tích” như lời Bác Hồ nói. Biết ngọn ngành đầu đuôi mới có thể đúng đắn chừng mực trong quan hệ láng giềng.

Mỹ - Việt mấy thập kỷ chiến tranh khốc liệt, để rồi kết quả toàn cầu đã thấy, để rồi xuất hiện những “người Mỹ trầm lặng” đến “chiến trường xưa” mang theo hoài bão hàn gắn vết thương chiến tranh song trùng với nhiệm vụ bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Không có lý do gì, Việt - Trung bao lần trầm thăng cùng lịch sử mà chúng ta lại chẳng được thấy những con người “thầm lặng” ở bên kia biên giới đến Việt Nam xây lại tình hữu nghị, niềm tin tưởng lẫn nhau!

Pháp, Mỹ, Nhật từng là đế quốc sừng sỏ, cũng từng bại trận trước Việt Nam kiên cường, rồi trở thành những người bạn tốt, đối tác tin cậy trong thời buổi hội nhập, nhìn dưới góc độ “luân hồi, nhân quả” âu cũng hợp quy luật.

Xa hơn một chút, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh từng là đại quốc trong thời kỳ phong kiến, cùng từng bại trận trước Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Chẳng lý do gì ngay nay không rút bài học để chung sống hòa bình cùng nhau, hợp lẽ trời, lẽ đời!?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nỗi đau chiến tranh!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO