Nhiều chuyên gia cho rằng việc TP.HCM nâng cấp 5 huyện thành quận hoặc thành phố là cần thiết, nhưng cần có lộ trình phù hợp để tránh nguy cơ “sốt đất”, cản trở việc đầu tư hạ tầng đô thị.
>>Đề xuất nhiều cơ chế đặc biệt cho hai dự án đường vành đai ở Hà Nội và TP HCM
Theo Đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030, TP.HCM định hướng phát triển 04 huyện ngoại thành lên thành phố trực thuộc TP.HCM gồm: Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn…
Việc TP.HCM định hướng phát triển 5 huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM được giới chuyên gia đánh giá là cần thiết và cấp bách. Bởi, hiện nay, tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền nông thôn ở các huyện ngoại thành TP.HCM còn nhiều hạn chế về phân cấp, phân quyền; chưa quản lý và khai thác được hết những tiềm năng để phát triển. Do đó, việc chuyển huyện thành quận hoặc thành phố sẽ góp phần thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế và cơ cấu tổ chức tinh gọn.
Đại diện huyện Bình Chánh cho biết, hiện nay “cái áo” chính quyền nông thôn đã quá chật so với “cơ thể” thực sự của huyện. Các xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có số dân lên đến gần 160.000 người/xã, mật độ dân số tương đương với các phường ở nội thành, nhưng lại đang được quản lý bởi chính quyền cấp xã.
>>Ưu tiên vốn cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM để hoàn thành trong năm 2025
>>3 giai đoạn phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, dù lên quận hay thành phố thì trước hết phải giải quyết quyền lợi thỏa đáng, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Trong đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải được ưu tiên và đầu tư đồng bộ. Bởi TP. Thủ Đức cũng như các huyện ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng lại lơ là về hạ tầng, quy hoạch làm giá đất tăng lên nhưng lợi ích của quy hoạch chưa thực hiện được.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng – Phó Viện trưởng Viện khoa học xã hội Vùng Nam Bộ cho rằng, thách thức khi chuyển 5 huyện thành quận hoặc thành phố ở TP.HCM là rất lớn. Bởi trong bối cảnh ngân sách TP.HCM đang gặp khó khăn thì việc xây dựng mô hình khả thi có tính thực tế cần có thời gian nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp sáng tạo và tối ưu nhất.
“Mỗi một mô hình cần căn cứ vào luận cứ khoa học, thực tiễn của từng địa phương để xem xét lựa chọn phù hợp; không thực hiện một cách đại trà, đồng bộ, mà cần có bước đi và lộ trình phù hợp để tập trung nguồn lực, đảm bảo hiệu quả an toàn, tránh xáo trộn bộ máy, nhân lực”, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng khuyến cáo.
Đồng quan điểm, TS. Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Bộ Nội vụ tại phía Nam cho rằng, TP.HCM cần có lộ trình nâng cấp lên đô thị vì nguồn lực không đủ để chia đều. Do đó, Thành phố cần thực hiện ở địa phương nào có điều kiện, thuận lợi; Đồng thời có sự sàng lọc, đặc biệt là khi TP. Thủ Đức đang phát triển rất chậm và chưa được như kỳ vọng.
Trong khi đó, KTS. Ngô Anh Vũ– Viện trưởng Viện quy hoạch Xây dựng TP.HCM lại lo lắng, việc đưa 5 huyện lên quận hoặc thành phố là lộ trình rất dài, chưa biết đến năm 2030 có đạt được không, nhưng nguy cơ "sốt đất" luôn tiềm ẩn, khi người dân lầm tưởng huyện lên thành phố trong nay mai. Đồng thời, ông cũng cảnh báo, khi giá đất tăng quá cao, việc đầu tư hạ tầng sẽ gặp khó khăn do chi phí giải phóng mặt bằng đội lên.
Có thể bạn quan tâm