Trong dự án triển khai hệ thống mạng điện thoại sắp tới, Nokia chọn một địa điểm khá khó nhằn: nhiệt độ dao động từ 121 độ C đến âm 134 độ C và không hề có không khí để thở. Đó chính là Mặt trăng.
>>Cuộc “làm mới” chính mình của Nokia
Tuy nhiên dự án trên Mặt trăng cũng có điểm lợi. Đó là vì Mặt trăng không có bầu khí quyển, không ảnh hưởng đến khả năng tạo ra điện của những tấm pin mặt trời trong khu vực mạng điện thoại này.
Dự án triển khai mạng di động trên Mặt trăng nghe có vẻ giống như “trò làm màu” của Elon Musk. Tuy nhiên đây không phải là làm màu hay chơi trội, mà dự án của Nokia bắt nguồn từ một hợp đồng với NASA để giải quyết một vấn đề, đó là hệ thống dữ liệu hiện có sẽ không tự phình ra khi số lượng thiết bị và người dùng tăng lên.
Năm 2020, NASA trao hợp đồng “Tipping Point” trị giá 14,1 triệu USD cho Nokia với mục đích phát triển và triển khai hệ thống LTE thử nghiệm, từ đó mở đường cho việc sử dụng mạng trên Mặt trăng. Người sử dụng là các phi hành gia sống, làm việc trên Mặt trăng và quỹ đạo của Mặt trăng.
Ông Jason Mitchell, giám đốc của bộ phận Công nghệ Điều hướng và Truyền thông Tiên tiến SCaN của NASA, cho biết đa số các liên kết đến từ Mặt trăng đều hướng trực tiếp đến trái đất. Điều này giúp chúng hoạt động rất tốt với cơ sở hạ tầng mạng không gian hiện tại, cũng như các nhiệm vụ trên Mặt trăng.
Tuy nhiên hệ thống này không đáp ứng được tham vọng lâu dài của NASA, đó là tăng cường sự hiện diện trên Mặt trăng và tiến đến Sao Hỏa. Lúc này việc quản lý các liên kết trở thành thách thức. Do đó NASA cần một giải pháp để mở rộng, điều hướng dòng dữ liệu một cách thông minh, chẳng hạn không cần phải gửi tất cả dữ liệu về lại Trái Đất. Và đó chính là điểm bắt đầu dự án đưa mạng LTE lên Mặt trăng của Nokia.
Sự thật thì Nokia đang bắt đầu dự án với những công trình quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Địa điểm mạng di động đầu tiên bên ngoài Trái Đất của họ sẽ là tàu Nova-C tự động của Intuitive Machines, dự kiến phóng vào mùa hè năm sau. Họ cũng cung cấp một chiếc xe rover nhỏ, sử dụng mạng điện thoại để giao tiếp với tàu Nova-C.
>>“Một bước đi nhỏ” mới của NASA
Ông Thierry Klein, chủ tịch của trung tâm nghiên cứu Bell Labs Solutions Research của Nokia, cho biết trong bản cập nhật tức thời, hiệu suất dự đoán rơi vào mức 50 Mbps với khoảng cách 3 dặm trên tần số 1,8 GHz. Ông mô tả thiết bị kết nối gắn bên hông Nova-C có kích cỡ bằng một hộp bánh pizza và có 2 cái dự phòng. Còn đầu thu của xe rover có kích thước bằng hai chiếc iPhone xếp chồng lên nhau.
Có nhiều câu hỏi đặt ra là vì sao Nokia không chọn 5G, mà lại dùng 4G/LTE. Ông Klein giải thích rằng vì dự án bắt đầu từ một vài năm trước. Ở thời điểm đó và theo quan điểm của hai bên, thì 4G là lựa chọn tốt hơn.
Trên thực tế Nokia từng hướng đến tham vọng xây trạm sóng điện thoại trên Mặt trăng từ lâu, trước khi hợp tác với NASA.
Trong năm 2018, họ từng ký một thỏa thuận với Vodafone Germany để cung cấp hệ thống mạng trên Mặt trăng cho sứ mệnh Mission to the Moon. Đây là dự án tư nhân của hãng PTScientists (Đức), với mục đích đưa hai chiếc rover lên địa điểm hạ cánh gần tàu Apollo 17.
Không may là PTScientists bị vỡ nợ năm 2019 và sứ mệnh này không được thực hiện. Tuy nhiên ở lần này, có vẻ như Intuitive Machines có thể tiến được xa hơn. Họ sẽ thực hiện sứ mệnh IM-1 đầu tiên vào năm 2023.
Ông Klein cho rằng thành công của IM-2 sẽ mở ra cánh cửa cho những sứ mệnh trong tương lai, chẳng hạn triển khai hệ thống mạng nhiều nút (5G là một kiểu như vậy). Hoặc Mitchell của NASA cho rằng dự án Tipping Point sẽ đem đến con đường tiềm năng cung cấp các dịch vụ mạng thương mại trên Mặt trăng.
Theo ông Klein, thì dù xây trên Mặt trăng, nhưng những người dùng ở trái đất vẫn sẽ có lợi. Bởi vì khi đã có kinh nghiệm xây dựng và triển khai ở một môi trường khó khăn như Mặt trăng, vì Nokia hoàn toàn có thể thực hiện tương tự ở những khu vực khắc nghiệt trên trái đất.
Có thể bạn quan tâm