Cách tiếp cận của đổi mới sáng tạo mở cần có sự tham gia sâu rộng của các Tập đoàn, đặc biệt là các Tập đoàn dẫn dắt trong các lĩnh vực.
>> NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH: Đổi mới và hoàn thiện chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Phát biểu tại “Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 23/7/2024, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, mạng lưới sáng kiến về đổi mới sáng tạo được đánh giá cao đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, bởi đây là sáng kiến rất hữu ích với Việt Nam trong diễn đàn kinh tế thế giới. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ hiện nay cũng cố gắng, nỗ lực đưa ra các sáng kiến để gắn kết, liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế.
Để thích ứng với một xu thế mới, thách thức mới trong hội nhập quốc tế thì triết lý về đổi mới sáng tạo mở cũng được chúng tôi kiên trì thực hiện trong 5 năm gần đây, không chỉ gói gọn trong một đơn vị, một bộ ngành, một địa phương hay một quốc gia mà luôn thúc mở rộng các đối tác, các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ.
Nguồn lực từ khu vực các viện, trường cần phải kết hợp và thông qua khu vực doanh nghiệp để đáp ứng được nhu cầu của thị trường và phù hợp với các thách thức, yêu cầu của quốc tế. Khu vực Chính phủ là nơi đưa ra những sáng kiến để kiến tạo nhưng không làm thay và khu vực tư nhân đóng vai trò hết sức quan trọng để cung cấp các nguồn lực và là thước đo hiệu quả của các chính sách cũng như các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.
Theo ông Quất, cách tiếp cận của đổi mới sáng tạo mở này cần có sự tham gia sâu rộng của các Tập đoàn, đặc biệt là các Tập đoàn dẫn dắt trong các lĩnh vực bởi họ là người đặt hàng và tham gia giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu và khu vực.
Chương trình đổi mới sáng tạo mở hiện nay các nước trong khu vực đang thực hiện rất tốt, trong ASEAN thì Singapore đang là nước dẫn đầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3. Về phạm vi Châu Á thì Hàn Quốc đang là thị trưởng của công nghệ, đổi mới sáng tạo vươn lên đứng thứ 4 trong Châu Á. Đây cũng là hướng mà Việt Nam đã tiếp cận được hướng giải quyết để liên kết các nguồn lực trong nước và ngoài nước, khu vực tư nhân, khu vực công kết hợp với nhau.
“Nói về đổi mới sáng tạo trong bối cảnh 5.0 cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên, dưới góc độ của chúng tôi thì chúng tôi nhận thấy rằng, thực chất 5.0 là phiên bản nâng cấp của 4.0 trong bối cảnh đặc biệt, đó là bối cảnh biến đổi khí hậu. Những tác động của 4.0 trước đây như AI, Blockchain,… khuyến khích sự tương tác giữa các vật với nhau, giữa các máy với nhau thì 5.0 nhấn mạnh yếu tối con người, con người tương tác và làm chủ AI do chính mình tạo ra,… AI sẽ trở thành phương tiện để giải quyết những thách thức trong cuộc sống của con người tốt đẹp hơn. Cụ thể, là phải đảm bảo tương tác giữa con người để không ai bị bỏ lại phía sau, giải quyết được thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là giải quyết được chuyển đổi xanh phát triển bền vững,…”, ông Quất chia sẻ.
Cũng theo ông Quất, Việt Nam là nước đang rất tích cực trong chuyển đổi sang 5.0, bằng việc tham gia các cam kết, đặc biệt là các COP vừa qua được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao để từ đó họ có những chương trình đồng hành, hỗ trợ cho Việt Nam. Trong mô hình phát triển của 5.0 thì mô hình kinh tế chia sẻ được nhấn mạnh hơn bao giờ, ở những nước đang phát triển như Việt Nam thì người nông dân thông thường gắn với mô hình sở hữu, tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu thì hiện nay đều hướng tới của chúng ta làm sao để giải quyết được thách thức chung… nếu chúng ta không đẩy nhanh tư duy mở thì việc tích tụ ruộng đất và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp sẽ gặp khó khăn.
Nông nghiệp thông minh sử dụng tối đa các ứng dụng công nghệ về AI cũng như dữ liệu lớn để tạo ra những người tư vấn trong hoạt động là rất cần thiết, gắn chuyển đổi xanh và chuyển đổi số luôn đi cùng với nhau, rồi kỷ nguyên của năng lượng tái tạo và nền kinh tế phái sinh đang là chủ đề rất lớn mà nhiều nước trong khu vực đang bàn đến nhưng dường như ở Việt Nam thì chưa được cầy sới và biến thành ý thức chung của cộng đồng, đặc biệt là các nông dân.
Hiện nay có rất nhiều thách thức cho nền nông nghiệp bên cạnh những thách thức chung của toàn cầu, ví dụ như thoái hóa đất đai, biến đổi khí hậu,… đang làm Việt Nam đứng trước những thách thức vô cùng lớn thì việc áp dụng kinh tế chia sẻ, chia sẻ từ các Tập đoàn dẫn đầu lĩnh vực là vô cùng quan trọng giúp thay đổi cục diện, đi cùng người nông dân để tạo ra những hiệu quả…
Việc thúc đẩy kết quả nghiên cứu khoa học của các viện, trường cũng đóng một vai trò rất quan trọng, nhưng ở Việt Nam dường như cũng chậm hơn các nước trong khu vực, ví dụ như liên kết giữa nhà trường – doanh nghiệp – người nông dân chưa có những giải pháp cụ thể để giải quyết những thách thức cụ thể, các mô hình doanh nghiệp từ nhà trường để tạo ra tầm ảnh hưởng để giải quyết thách thức rất ít,… chúng ta đang thiếu những đàu tàu dẫn dắt trong lĩnh vực chiến lược để tạo ra sự cạnh tranh.
“Tôi mong rằng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang ứng dụng mô hình đổi mới sáng tạo mở sẽ tiếp thu những bước phát triển, những mô hình, kiến thức theo hướng chia sẻ đem vào ứng dụng vào Việt Nam theo hướng tiếp thu, ứng dụng để thúc đẩy phát triển xanh, phát triển bền vững… các nước đều có định hướng nông nghiệp riêng theo hướng bản địa, hoặc theo các Tập đoàn lớn, vậy Việt Nam sẽ áp dụng mô hình nào?... rất cần sự kết nối, chia sẻ”, ông Quất chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH: Cần xây dựng liên kết chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp và khoa học
15:44, 23/07/2024
NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH: Đổi mới và hoàn thiện chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao
15:36, 23/07/2024
NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH: Áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp đi đầu
15:20, 23/07/2024
NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH: Khơi thông vốn cho nông nghiệp công nghệ cao
15:05, 23/07/2024
NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH: Cơ hội phát triển bền vững từ ứng dụng công nghệ 5.0
14:20, 23/07/2024