Nông nghiệp Việt Nam gặp khó khi chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn

DƯƠNG THÀNH 08/10/2023 02:01

Dù mang lại những lợi ích không nhỏ song hiện nay việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại Việt Nam vẫn đang ở mức khiêm tốn.

Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển ngoạn mục, có chiều sâu, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế. Ngoài việc cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản còn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Cũng qua đó, nông nghiệp đã tạo cơ hội và động lực to lớn để các lĩnh vực kinh tế - xã hội có bước phát triển đột phá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội cả về số lượng và chất lượng.

>>> Ngành nông nghiệp kiên định mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD

xung đột địa chính trị trên thế giới... đang đặt ra những thách thức

Ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam: tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, khó lường, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên người, động và thực vật luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, diễn biến dịch bệnh cùng với những diễn biến phức tạp của mâu thuẫn, xung đột địa chính trị trên thế giới... đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với sức khoẻ và đời sống người dân và an ninh kinh tế, xã hội trong nước và trên thế giới. Do đó, đòi hỏi phải sớm chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Hiện nay, một trong những mô hình tuần hoàn hiệu quả mà Việt Nam đang chú trọng triển khai cho ngành nông nghiệp phải kể đến mô hình Vườn – Ao – Chuồng (VAC).

Theo thống kê sơ bộ năm 2021, kinh tế VAC chiếm trên 80% sản lượng rau, quả; trên 60% sản lượng thịt, trứng và khoảng trên 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản...

VAC cũng chiếm 50 - 60% lượng xuất khẩu đối với sản phẩm rau, quả, thủy sản của nước ta; trên 70% các sản phẩm OCOP cũng xuất phát từ kinh tế VAC. Mặt khác, kinh tế vườn cũng tạo điều kiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp theo hướng đa giá trị, kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch sinh thái và các dịch vụ đào tạo, giải trí, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gia tăng giá trị, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân, cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái và góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

>>> “Cầu nối” hoàn thiện chuỗi cung ứng nông nghiệp

xung đột địa chính trị trên thế giới... đang đặt ra những thách thức

Xung đột địa chính trị trên thế giới đang đặt ra những vấn đề không nhỏ cho kinh tế Việt Nam

Về tầm quan trọng của mô hình VAC trong quá trình thúc đẩy nền nông nghiệp tuần hoàn, TS Phan Huy Thông, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, kinh tế vườn hay kinh tế VAC là thành tố quan trọng của kinh tế hộ gia đình nông thôn và kinh tế nông nghiệp ở nước ta.

Ngoại trừ các đại điền trang quy mô lớn của các công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong nông nghiệp, còn lại các loại hình vườn hộ, trang trại, gia trại nhỏ và vừa của các hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX sản xuất rau, hoa, quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản... đều thuộc phạm vi kinh tế VAC.

Tuy nhiên, cũng theo Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, dù mang lại những lợi ích không nhỏ song hiện nay việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại nước ta vẫn đang ở mức khiêm tốn; các mô hình tái chế và tận thu phế phụ phẩm trong nông nghiệp còn chưa phát triển.

Nguyên nhân do các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Đặc biệt, hiện nay nước ta còn chưa phát huy hết các tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm lớn trong ngành nông nghiệp.

Đồng tình cùng quan điểm trên, bà Phạm Thị Vượng - Phó Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam cho biết, hiện nay, tỷ lệ thu, tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp còn quá thấp. Theo thống kê, hàng năm, ngành nông nghiệp có nguồn phế phụ phẩm vô cùng lớn với khoảng 156,8 triệu tấn. Trong đó, đối với ngành hàng lúa, khối lượng phụ phẩm ước tính 47 triệu tấn rơm rạ, 8,6 triệu tấn tro trấu, 5,6 triệu tấn cám.

"30 tỷ đô la mỗi năm từ phụ phẩm nông nghiệp có thể bị lãng phí nếu chúng ta không biết tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này", bà Vượng chia sẻ.

Cùng nhìn nhận về trở ngại đối với phát triển mô hình tuần hoàn trong chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Song, hội viên Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang đặt ra câu hỏi: “Nếu áp dụng mô hình tuần hoàn trong chăn nuôi, cần nhiều giải pháp để thành công. Đặc biệt, vấn đề vốn. Vậy, Nhà nước hiện nay đã có chính sách tín dụng hỗ trợ các trang trại muốn áp dụng mô hình này chưa?”.

Đồng thời, ông Song cũng mong muốn thời gian tới, Nhà nước có chính sách về tín dụng để hỗ trợ người nông dân để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Về việc đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế VAC phát triển bền vững, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn đề xuất cần gắn kết phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp với các mô hình kinh tế tuần hoàn của các ngành khác, trên từng vùng để mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.

Thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể hóa và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đối với từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn gắn kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn từ khẩu trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến, tạo nên một vòng tròn khép kín tổng thể, tích hợp đa giá trị.

Đối với nguồn nhân lực làm kinh tế VAC, cần phải xây dựng các chương trình đào tạo, giải pháp kỹ thuật cho nông dân phục vụ nhu cầu chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, tái sử dụng phụ phẩm, tạo sản phẩm đa giá trị.

>>> Phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp an toàn

ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia rất có ý nghĩa quan trọng giúp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan tham mưu cho Bộ từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt có ý nghĩa trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị và liên kết chuỗi, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, những định hướng hoạt động KHCN cần tập trung nghiên cứu trong giai đoạn tới, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu thực tiễn sản xuất.

"Trung tâm sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị và liên kết chuỗi trong sản xuất phù hợp, hiệu quả đối với từng vùng, địa phương trong thời gian tới”, ông Thanh khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Lấy động lực thị trường thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

    03:30, 01/10/2023

  • Doanh nghiệp cần tham gia thực chất vào kinh tế tuần hoàn

    15:26, 22/09/2023

  • Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia kinh tế tuần hoàn

    15:06, 19/09/2023

  • Thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi gì?

    02:30, 11/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nông nghiệp Việt Nam gặp khó khi chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO