Khi thị trường được “kích hoạt” thì “dòng chảy” nông sản mới trôi chảy. Và đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
>>Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại tọa đàm trực tuyến "Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chiều 27/5.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để hỗ trợ phát triển thị trường, nắm bắt thông tin thị trường, chuẩn mực thị trường nhằm điều chỉnh lại sản xuất, trong suốt thời gian qua, Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công Thương và một số bộ, ngành liên tục có những cuộc đàm phán về thị trường.
“Chúng ta không có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho người nông dân, nhưng hỗ trợ thông qua thị trường để kích hoạt thị trường. Khi kích hoạt được thị trường thì dòng chảy nông sản mới trôi chảy. Đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Vẫn theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong những phiên đàm phán với các đối tác, tổ chức quốc tế, những nhà lãnh đạo thế giới thời gian vừa qua, mấu chốt là làm sao để mở cửa thị trường, nhất là đối với thị trường Trung Quốc. Nghĩa là sự tháo gỡ thị trường là một trong quyết sách, điểm sáng nhất của Chính phủ.
“Tất nhiên, thị trường luôn biến động. Nhưng rõ ràng, khi đàm phán với Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… thì đã có những sản phẩm nông sản của Việt Nam đến được các thị trường đó. Và chúng ta tự tin có thể làm được điều đó”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thời gian vừa qua việc định hướng thị trường chưa thành một chương trình tổng thể mà vẫn đi theo mối quan hệ "buôn chuyến". Do đó, ngày từ bây giờ chúng ta cần phải lập một chiến lược tổng thể cho từng loại thị trường.
Đánh giá về những thành tựu của ngành nông nghiệp thời gian vừa qua, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, sự khác biệt của Chính phủ nhiệm kỳ này là câu chuyện chuyển sản xuất nông nghiệp thành làm kinh tế.
“Điều đó rất quan trọng, vì đây là sự đổi mới về tư duy, nhận thức và tạo thành khuôn khổ định hướng cho những cố gắng phát triển nông nghiệp”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Vẫn theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nông nghiệp phát triển và đạt những thành tựu cũng là nền tảng quan trọng cho việc bảo đảm an sinh. Nông nghiệp là hậu phương vững mạnh, khi sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, rau quả đầy đủ, thì không có gì quan trọng hơn là bảo đảm an sinh.
Bình luận về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, mặc dù bị đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua, thậm chí giữa năm 2021 đã có 19 tỉnh, thành phải “đóng băng”các trung tâm công nghiệp, nhưng vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm cho người dân không gây ra một xáo trộn lớn trong xã hội do thiếu nguồn cung, hay người không tiếp cận được nguồn lương thực, thực phẩm. Và đó là một thành tựu lớn.
Nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế năm 2021 vừa qua thì có nét “chấm phá” rất đáng ghi nhận, đó là xuất khẩu nông, lâm thủy sản đã cán mốc kỉ lục 48,6 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy ngành nông nghiệp tạo đà bứt tốc đúng hướng.
“Vậy con số xuất siêu siêu tốt trong 6 tháng đầu năm 2022 nói lên điều gì và con số cụ thể là bao nhiêu thưa Bộ trưởng?”, Trả lời câu hỏi này của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, chúng tôi nhận chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao tại Hội nghị tổng kết vừa qua, đó là làm sao trong năm 2022 đạt trên 48,6 tỷ USD (con số của năm 2021).
“Chúng tôi đưa ra con số rất khiêm tốn là trên 50 tỷ USD, Thủ tưởng nói rằng trên đà này thì nông nghiệp phải phấn đấu cao hơn nữa. Thực tế chúng tôi cũng lo ngại”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
>>Bản lề cho nông nghiệp Tây Nguyên "cất cánh"
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đến hết tháng 5 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt 23,2 tỷ USD, nhập khẩu 18,1 tỷ USD, như vậy xuất siêu 5,1 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng trong 6 tháng đầu năm.
Tất nhiên, chặng đường phía trước như thế nào vẫn còn những yếu tố bất ngờ. Nhưng rõ ràng, trong 5 tháng đầu năm, chúng ta cũng thấy rất nhiều khó khăn của ngành nông nghiệp, như COVID-19, thông quan cửa khẩu, đứt gẫy chuỗi cung ứng, đứt gẫy nguồn nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào để phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đã đề ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thấy “tự tin” về một số nét “chấm phá” trong câu chuyện cấu trúc nền nông nghiệp hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Chúng ta đã thích ứng được, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất mặc dù quá trình này không phải dễ dàng. Nhưng chỉ khi điều chỉnh được thì thị trường mới chấp nhận và con số xuất khẩu mới đạt cao như vậy.
“Rõ ràng, đây là một xu thế, nét chấm phá đầu tiên của chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Thủ tướng đã phê duyệt cũng như đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo tư duy mà Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chứ không phải chúng ta bán cái gì mà chúng ta có”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Một trong những chiến lược sắp tới của ngành nông nghiệp được Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, đó là chi phí, bởi chi phí chúng ta có thể quyết định được, còn giá bán hay đầu ra thì cung cầu thị trường thế giới sẽ quyết định.
Chúng ta đặt ra mục tiêu kép, một là giảm chi phí, hai là chất lượng tăng lên. Mặc dù sản lượng không cao vì dùng hữu cơ và chế phẩm sinh học, nhưng chính bà con nói rằng ít như vậy nhưng giá bán cao hơn, bù được, thâm chí còn lời hơn so với tư duy truyền thống, khi quá lạm dụng vật tư đầu vào khiến cho chi phí đội lên, chất lượng nông sản lại không đạt được yêu cầu của thị trường.
“Đến thời điểm này, khi xuất khẩu đạt được 23,2 tỷ USD, chứng tỏ nông sản đã bắt đầu được thị trường đón nhận, đạt chuẩn của thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
18:28, 24/05/2022
00:40, 24/05/2022
08:45, 22/05/2022
04:00, 21/05/2022
12:51, 20/05/2022
03:45, 16/05/2022
17:45, 10/05/2022
17:43, 10/05/2022