Trong nửa đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đạt 426 tỷ đồng, tăng 77%.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vĩnh Hoàn, chiếm 64% tổng kim ngạch. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, chiếm 12% tổng kim ngạch. Đây là báo cáo phân tích về CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vừa được CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) công bố gần đây.
Chơi với thị trường lớn
Trong nửa đầu năm 2018, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt 3.940 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 426 tỷ đồng, tăng 77%. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp trong quý II/2018 là 17,9%, tăng mạnh từ mức 14,1% trong quý I/2018.
Lý do biên lợi nhuận gộp tăng trong quý 2 do chi phí giá đầu vào giảm mạnh: giá cá giống dao động khoảng 25.000 – 26.000 đồng/kg, giảm 50% so với quý I/2018, giá cá nguyên liệu dao động 25,000 – 26,000 VND/kg, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá bán tại thị trường Mỹ trong quý II/2018 vẫn tiếp tục tăng 14% so với quý trước, dao động quanh 4,4 – 4,6 USD/kg.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vĩnh Hoàn, chiếm 64% tổng kim ngạch. Trong nửa đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất sang Mỹ đạt 94,7 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái với giá bán dao động quanh 4 – 4,5 USD/kg, tăng 30%.
Tại thị trường Mỹ, Vĩnh Hoàn và Biển Đông là hai doanh nghiệp chịu mức thuế thấp trong Kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 của Mỹ. Chứng khoán BSC nhận định rằng với sản phẩm ở phân khúc cấp cao, giá bán tốt; VĨnh Hoàn sẽ chiếm 60% thị phần thị trường Mỹ trong năm 2018.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, chiếm 12% tổng kim ngạch. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 177 triệu USD, tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái, giá bán dao động quanh 2 – 2,5 USD/Kg.
Trong tháng 6/2018, công ty đã ký biên bản ghi nhớ của 20 nhà cung cấp thực phẩm tươi sống với Alibaba và Win – Chain. Bắt tay với Alibaba, Vĩnh Hoàn đang dần chuyển từ phương pháp B2B sang B2C để có thể cung cấp sản phẩm đến tận tay khách hàng. Đồng thời, công ty cũng đang chuẩn bị mở văn phòng đại diện tại Thượng Hải nhằm tiếp tục mở rộng thị trường Trung Quốc. Chứng khoán BSC cho rằng Trung Quốc sẽ là động lực tăng trưởng của Vĩnh Hoàn trong dài hạn.
Tại thị trường Trung Quốc, sau khi áp thuế hàng thủy sản từ Mỹ, ngày 31/5, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố giảm thuế nhập khẩu đối với 221 mặt hàng thủy, hải sản. Cụ thể, thuế cá tra fillet giảm từ 10% xuống 7%, thuế cá tra tươi/ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%. Tại thị trường Mỹ, trong 200 tỷ USD Mỹ dự kiến áp vào Trung Quốc bao gồm nhiều mặt hàng thủy hải sản: cá rô phi, cá da trơn… Đặc biệt, tuy Trung Quốc chỉ chiếm 10% thị phần cá da trơn xuất vào Mỹ nhưng giá bán gấp đối sản phẩm Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 15/03/2018
17:08, 19/04/2017
Chiến lược dài hạn
Mức tăng trưởng lợi nhuận của Vĩnh Hoàn đến từ chiến lược dài hạn của công ty. Trong quý I/2018, Vĩnh Hoàn đã giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty con Vạn Đức Tiền Giang (VDTG) xuống còn 35% để lấy tiền mở rộng vùng nuôi và cải thiện năng lực sản xuất tại công ty con khác là Thanh Bình Đồng Tháp.
Mặc dù loại bỏ doanh thu hợp nhất đến từ VDTG nhưng nhờ chủ động được vùng nuôi, doanh thu của Vĩnh Hoàn vẫn đạt mức tương đương cùng kỳ, nhưng biên lợi nhuận đã có sự cải thiện đáng kể. Mới đây, CTCP Vĩnh Hoàn đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Pharmaq nhằm nhân rộng tiêm vắc-xin cho cá tra.
Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn bà Trương Lệ Khanh chia sẻ, Vĩnh Hoàn cùng Tập đoàn Pharmaq đã đạt được bước phát triển mới sau 5 năm cùng nhau ứng dụng vắc-xin ở quy mô thử nghiệm, quy mô thương mại nhỏ trên cá tra. Hướng tới phòng bệnh hơn chữa bệnh, công ty mong muốn đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho cá tra ở quy mô rộng trên toàn hệ thống nuôi của Công ty.
Không chỉ bù đắp được doanh thu thiếu hụt từ VDTG, chiến lược tập trung phát triển Thanh Bình Đồng Tháp còn giúp Vĩnh Hoàn giảm thiểu được chi phí quản lý (do cách công ty mẹ khoảng 20km so với 120km từ VDTG tới Vĩnh Hoàn).
Bên cạnh đó, lợi nhuận tài chính đến từ việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh cũng là một yếu tố tích cực dành cho những công ty xuất khẩu như Vĩnh Hoàn. Với việc tỷ giá tăng mạnh từ giai đoạn cuối tháng 6 và vẫn có xu hướng tăng trong thời gian tới, dự kiến trong giai đoạn cuối năm Vĩnh Hoàn sẽ tiếp tục nhận được lợi nhuận từ yếu tố này.